Đạo diễn Trần Lực: “Khi chơi với con, tôi không facebook“

Không chỉ được biết đến là một diễn viên, đạo diễn tài ba trên màn ảnh Việt, Trần Lực còn để lại ấn tượng khó quên trong lòng khán giả chương trình Bố ơi mình đi đâu thế. Mới đây, khán giả lại rất bất ngờ khi anh cho ra mắt cuốn sách đầu tay với tựa đề "Chuyện nhà Bông Bờm Bách". Cuốn sách kể về chính gia đình anh. Trong buổi ra mắt sách, diễn viên “hot dad” này đã có những chia sẻ thú vị về cuộc sống gia đình, về phương phápnuôi dạy con theo cách của riêng mình.

Đạo diễn Trần Lực: “Khi chơi với con, tôi không facebook“
Dao dien Tran Luc:

Đạo diễn Trần Lực.

Cách dạy con khác người của nghệ sỹ U60

- Chào đạo diễn Trần Lực, được biết anh có cách nuôi dạy con rất “khác người” là để các bé phát triển một cách tự nhiên. Anh đã phải nhận những ý kiến trái chiều về việc này. Trước những ý kiến đó, anh phản ứng như thế nào?

Tôi không phản ứng gì trước những ý kiến trái chiều về cách nuôi dạy con của gia đình mình. Mỗi gia đình, mỗi hoàn cảnh, mỗi đứa trẻ lại có một nét tính cách khác nhau nên mình có quyền lựa chọn cách nào phù hợp nhất để giáo dục con. Thực ra, điều này cũng một phần là do ảnh hưởng truyền thống của gia đình, bởi trước đây bố mẹ tôi cũng nuôi dạy chúng tôi theo cách đó. Nhiều khi cũng thấy phiền, nhưng chúng tôi vẫn kiên định nuôi dạy con theo cách riêng của gia đình mình.

- Luôn làm bạn với con, anh làm thế nào để có thể hiểu được tâm lý của con và trò chuyện với các bé như những người bạn?

Thực ra để cha mẹ gần gũi con cái rất đơn giản, chỉ cần người lớn chúng ta bỏ chút thời gian bên cạnh con và tạo ra được không khí vui vẻ, hài hước, yêu thương thì bọn trẻ cũng mở lòng một cách cởi mở thôi. Khi chúng ta đã nắm bắt được tâm lý của con cái thì sẽ không có gì khó khăn trong việc giáo dục chúng cả. Tuy nhiên, muốn làm được điều đó thì mỗi ông bố bà mẹ phải là người bạn thân thiết, đủ tin cậy để con có thể chia sẻ. Mà muốn làm bạn với con mình cũng cần “thâm nhập” vào thế giới của chúng.

- Đã bao giờ anh và vợ xung đột trong cách nuôi dạy con, đặc biệt là chuyện dùng đòn roi với các bé?

Chúng tôi thống nhất trong cách dạy con, không coi việc dùng đòn roi giáo dục trẻ là cách dạy con khoa học, việc đó chỉ càng tạo thêm nỗi sợ hãi cho các bé. Tuy nhiên, trong nhiều tình huống cũng cần dùng roi để “dấm dứ”, nhưng chỉ để dọa thôi. Thay vào đó mình phải là người chủ động phân tích cho các con hiểu bản chất sự việc. Và từ những chuyện căng thẳng nhất cũng cần phải tạo ra những tiếng cười để xóa tan không khí u ám vợ chồng nhìn nhau uất ức, con cái hằm hè nhau.

- Là một ông bố đã gần 60 tuổi, anh gặp khó khăn gì khi các con nghịch ngợm còn công việc của anh lại áp lực, mệt mỏi? Anh làm thế nào để cân bằng và có thời gian bên con?

Tôi không cảm thấy khó khăn trong việc nuôi dạy con, mà ngược lại chúng còn mang lại cho tôi sự trẻ trung hơn so với tuổi. Nhưng cuộc sống lúc nào cũng bộn bề công việc, đôi khi cũng áp lực, bức xúc, nhiều khi không kiềm chế được thì xả bức xúc sang con. Mỗi lần như thế cũng ân hận, sau đó mình phải xin lỗi con, giải thích cho con hiểu và thông cảm.

Việc sắp xếp thời gian là do mình, tôi cũng giống tất cả mọi người, đều có công việc bận rộn song mỗi khi có thời gian cạnh con là tôi tập trung chăm sóc và chơi với con và đặc biệt không có công việc hay điện thoại, Facebook bên cạnh. Có thể chỉ là dăm bảy phút nhưng khoảng thời gian ngắn ấy sẽ giúp mình gần gũi con và hiểu con hơn. Nếu các bạn chơi với con mà vẫn canh cánh công việc trong đầu thì rất dễ cáu gắt.

- Và khi các bé xảy ra những mâu thuẫn, anh giải quyết chuyện đó như thế nào?

Với trẻ con, khi chúng có mâu thuẫn với nhau thì mình phải hòa vào sống cùng chúng, mình mới hiểu được vấn đề để tìm ra cách giải quyết. Khi trẻ con mâu thuẫn thì tính cách của chúng sẽ được bộc lộ hết. Ở gia đình tôi vì rất tự do trong sinh hoạt, ăn nói, nên dễ xảy ra sự “chí chóe”. Và khi xảy ra mâu thuẫn thì điều đầu tiên cần làm là tìm ra nguyên nhân, sau đó đóng vai để chí chóe với giọng điệu của chúng và dần chúng sẽ hiểu ra rằng bố mẹ đang cố gắng giảng hòa. Thực ra chẳng gì khó cả, người lớn đôi khi thường phức tạp vấn đề thôi, còn trẻ con thì hồn nhiên lắm.

- Anh có vẻ ít nhắc tới cậu con cả Trần Hoàng?

Tôi ít chia sẻ về bạn Hoàng (anh cả) bởi vì bạn ấy đã lớn, có cuộc sống riêng, đã có những điều gọi là bí mật nên ít được nhắc đến hơn các em là chuyện bình thường.

Dao dien Tran Luc:

Gia đình đạo diễn Trần Lực.

Con tôi không “mắc bệnh ngôi sao”

- Anh có thể chia sẻ đôi chút về cuộc sống của gia đình sau khi anh cùng bé Bờm tham gia chương trình truyền hình thực tế Bố ơi mình đi đâu thế?

Mặc dù, tuổi đã già sức đã yếu (cười) nhưng tôi cố gắng nhận lời tham gia chương trình vì tôi mong muốn có nhiều thời gian bên con hơn, cùng con trải nghiệm, khám phá mở mang nhiều điều thú vị cùng với các cặp bố con khác trong chương trình. Về cơ bản là cuộc sống của gia đình tôi sau chương trình vẫn thế, không có thay đổi gì nhiều.

Với bản thân tôi, tất cả những lời khen chê, thị phi đều là bình thường như những cơn gió thoảng qua. Còn bé Bờm sau khi tham gia chương trình được nhiều người biết đến và yêu mến nhiều hơn bởi nét tính cách hài hước, dí dỏm, ngoài đời như thế nào thì lên tivi cậu cũng thể hiện như thế.

Mới đầu gia đình tôi cũng lo lắng sợ Bờm mắc “bệnh ngôi sao” vì có nhiều fan hâm mộ. Nhưng sau thấy Bờm hồn nhiên không chảnh chọe, mà ngược lại rất thân thiện với mọi người nên điều đó không còn đáng ngại nữa. Sau chương trình, Bờm cũng trưởng thành hơn rất nhiều, mặc dù nét tính cách của con là hồn nhiên vui vẻ vô tư, nhưng anh chàng lại rất dễ xúc động và tâm hồn bay bổng theo kiểu nghệ sỹ.

- Khán giả không khỏi bất ngờ khi từ một diễn viên, đạo diễn, anh lại cho ra mắt cuốn sách về gia đình. Điều gì khiến anh có ý tưởng viết cuốn sách về 3B (Bông, Bờm, Bách). Anh có thể chia sẻ đôi chút về cuốn sách này?

Cuốn sách này đơn giản là tôi viết cho chính gia đình mình với tình cảm chân thành xuất phát từ trái tim, chứ không hề tô vẽ. Lúc bé ai cũng có tuổi thơ, đó là quãng thời gian sống hồn nhiên vô lo vô nghĩ. Bố mẹ tôi bây giờ đã hơn 90 tuổi, các cụ hay nhắc lại những kỷ niệm ngày xưa lúc thơ bé của tôi. Nên tôi nảy sinh ý định viết để dành cho các con sau này khi chúng bước vào đời chúng sẽ phải đối mặt với rất nhiều chuyện, công việc, gia đình... Và một lúc nào đó chúng đọc lại cuốn sách này, được sống lại thời kỳ đẹp nhất của cuộc đời, thấy rằng cuộc đời đẹp nhất là tuổi thơ.

- Qua cuốn sách này, anh muốn gửi gắm điều gì đến những độc giả về cách nuôi dạy con?

Thực ra đây là một cuốn sách được viết từ trái tim, từ những cảm xúc chân thật dành cho gia đình nhà mình, nên mọi người có thể đọc và tự cảm nhận, đánh giá một cách khách quan hơn. Có thể khi đọc các bạn sẽ thấy được đâu đó có những mẩu chuyện giống với gia đình mình, thì đó là nét hồn nhiên của trẻ thơ. Tôi không có triết lý gì cả, tôi chỉ biết rằng yêu con vậy thôi. Chúng ta sẽ dần già đi theo thời gian, nhưng chính con cái sẽ làm cho cuộc sống của chúng ta hồn nhiên, trẻ trung hơn rất nhiều.

- Xin cảm ơn anh!

Theo ĐS&PL

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ