Đây là bộ phim thứ 18 trong 20 năm làm nghề của anh, ấp ủ từ khi làm phim “Người vợ cuối cùng”, với doanh thu hơn 100 tỉ vào năm ngoái. Tính trung bình khoảng hơn một năm nam đạo diễn này có một phim ra mắt khán giả.
“Điện ảnh không chỉ là đam mê. Nó là một phần cuộc sống của tôi. Tôi mong được làm phim đến khi nào hết sức thôi”. Những chia sẻ này vốn thường trực trong suy nghĩ của đạo diễn Victor Vũ. Và trong hơn một thập kỷ qua, người yêu điện ảnh nước nhà đã quen thuộc với anh qua những bộ phim chiếu rạp ở nhiều thể loại: Hành động có, tâm lý có, dã sử có, kinh dị có.
Có lẽ trong các đạo diễn điện ảnh Việt hiện nay, Victor Vũ là người làm nhiều phim nhất. Không phải phim nào cũng thu lời phòng vé, nhưng dường như điều ấy không cản trở các dự án tiếp theo. Vị đạo diễn Việt kiều này cũng thừa nhận rằng khi được làm nhiều phim anh có cơ hội nâng cao tay nghề, có thêm những trải nghiệm, hiểu biết mới vô cùng thú vị và phong phú.
Dân gian ta có câu “Trăm hay không bằng tay quen”, “Thầy già con hát trẻ”. Bất cứ một nghề nghiệp nào ngoài tài năng kiến thức thì kinh nghiệm đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Điện ảnh hay nghệ thuật nói chung cũng không nằm ngoài điều đó. Họa sĩ muốn thành công phải thực hành liên tục. Nhạc công muốn có tiếng đàn mượt mà phải luyện tập hàng ngày. Đạo diễn dù rất giỏi nhưng phải có tác phẩm đều đặn thì mới rèn giũa được khả năng, tư duy nghệ thuật.
Thực tế hiện nay ở nước ta không phải đạo diễn nào cũng có đủ điều kiện làm nhiều phim, cách một - hai năm, thậm chí ba, bốn năm cho ra tác phẩm mới. Nhiều đạo diễn có màn ra mắt rất hoành tráng với phim đầu tay, nhưng nhiều năm sau cũng chưa bắt tay vào dự án mới. Có những đạo diễn làm được vài phim thì giải nghệ.
Cả năm, điện ảnh Việt cho ra đời chưa đến 50 phim truyện, trong đó không phải phim nào cũng ra rạp. Đạo diễn chưa đủ uy tín để nhà sản xuất “chọn mặt gửi vàng”, bản thân lại không có kinh phí hoặc không kêu gọi được kinh phí để đồng sản xuất.
Đạo diễn không phải là gương mặt phòng vé… Rất nhiều lý do khiến cho các đạo diễn không có đất dụng võ. Một số trường hợp rơi vào cảnh nợ nần, phải bán tài sản để chi trả cho bộ phim lỗ vốn.
Cái khó bó cái khôn. Biết rằng làm nhiều phim thì mới nâng cấp được tay nghề, nhưng không có điều kiện thì đạo diễn phải chấp nhận. Và điều này dẫn đến hiệu ứng “domino”: Diễn viên, biên kịch, họa sĩ, quay phim, dựng phim… những thành phần tham gia đoàn phim cũng ít cơ hội được cọ xát. Chất lượng của tác phẩm vì thế cũng khó tạo sức bật.
Vậy nên, với đạo diễn điện ảnh, được làm nhiều phim chính là một hạnh phúc. Và làm thế nào để có nhiều dự án phim vẫn luôn là một câu hỏi đầy thách thức.