Đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai: Không phơi bày, khó tác động tâm thức

Đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai: Không phơi bày, khó tác động tâm thức

(GD&TĐ) - Giữa lúc nghệ sỹ đang kêu trời về sự ngoảnh mặt của công chúng với nghệ thuật truyền thống thì các vở diễn về lịch sử của Hoàng Quỳnh Mai luôn thu hút được khán giả. Những góc khuất đằng sau người anh hùng để khắc hoạ cái vĩ đại, lớn lao luôn đem đến sự tài hoa, hứng khởi đầy sáng tạo. GD&TĐ đã có những chia sẻ với đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai về những trăn trở khi dựng vở về đề tài lịch sử.

Gần đây, dường như các đơn vị sân khấu cũng như các nghệ sĩ quan tâm hơn tới việc dựng những vở lịch sử. Chị có suy nghĩ gì?

- Đó như lời tri ân đối với các bậc tiền nhân, giúp mình xích lại gần quá khứ. Đừng nghĩ rằng một câu chuyện lịch sử quen thuộc sẽ làm người ta nhàm chán khi lên sân khấu. Sân khấu có những ưu thế riêng, nếu nghệ sĩ biết cách đưa vào vở diễn những tiết tấu hiện đại, cách nhìn của con người hôm nay đối với lịch sử.

Theo chị, để có một tác phẩm sân khấu hay về đề tài lịch sử điều gì là quan trọng nhất?

- Mỗi vở diễn có cốt truyện riêng, sức hút riêng và nhiệm vụ của người đạo diễn là phải tìm ra một cách kể nào hấp dẫn nhất.  Để có một tác phẩm sân khấu hay người đạo diễn phải có kiến thức và yêu lịch sử. Ở mỗi thời điểm, mỗi người có cách nhìn lịch sử khác nhau, nhưng trên sân khấu, hình tượng anh hùng dân tộc bao giờ cũng phải gần với lịch sử, với tình cảm của nhân dân. Trong vở diễn lịch sử, cảm xúc phải mới và mang hơi thở thời đại thì mới hấp dẫn khán giả.

Trong quá trình dựng vở, chị chú trọng nhất điều gì?

- Điều quan trọng nhất của một vở diễn là cảm xúc. Người đạo diễn phải tung lên sân khấu thủ pháp, trò diễn để đẩy cảm xúc lên cao. Một vở diễn dù có đi theo khuynh hướng nghệ thuật nào, cảnh trí có kỳ vỹ tả thực hay ước lệ mà không tạo được cảm xúc cho chính nghệ sĩ thì họ cũng rất khó dành được cảm xúc trong khán giả.

Thú vị nhất của người đạo diễn trong quá trình làm việc cùng diễn viên là khi những cảm xúc của mình được họ tiếp nhận bằng xúc cảm mãnh liệt, có như thế mới tạo ra hiệu ứng giống như hai mạch điện chạm vào nhau đến tóe lửa.

Đạo diễn, NSƯT Hoàng Quỳnh Mai
Đạo diễn, NSƯT Hoàng Quỳnh Mai
 

Khi xem các vở kịch lịch sử do chị làm đạo diễn, người xem vẫn cảm nhận được chất trữ tình trong các tác phẩm,  phải chăng đó là phong cách riêng Hoàng Quỳnh Mai?

- Nói phong cách riêng thì hơi quá nhưng đúng là tôi luôn chú trọng yếu tố trữ tình trong các vở mà tôi dàn dựng. Tôi luôn muốn tạo ra cái gì đó khốc liệt trong sự lãng mạn. Bản thân sân khấu cũng rất cần điều đó bởi cứ phơi bày tất cả ra trong sự trần trụi thì sẽ khó mà tác động được tới tâm thức và lay động được tận gốc rễ tâm hồn người xem.

Khi chuẩn bị dựng một vở mới, chị phải chiêm nghiệm rất nhiều?

- Tôi thường dành thời gian để đi thực tế, điều ấy thật thú vị và thường nảy ra những ý tưởng lạ Lúc dựng vở Cung phi Điểm Bích, khi đến chùa Trúc Lâm, tôi thấy một bên người ta đặt trống biểu trưng cho dục vọng, còn bên kia là chuông để cảnh tỉnh con người, tôi nẩy ra cách dựng màn thiền sư Thiền Quang giằng co trong vòng bủa vây của những khát vọng.

Trong tiếng trống dồn dập, các cô gái với những vũ điệu mê hoặc, đầy ma lực như muốn quấn lấy ông. Để rồi khi tiếng chuông đĩnh đạc vang vọng, sự thức tỉnh trong ông lại mạnh lên đẩy lùi những tham vọng, dục vọng đang giằng co, níu kéo...

Trong vở Trung hiếu với Thăng Long cảnh trận chiến trên sông Cầu, tôi có được ý tưởng mới nhờ đi thực tế ở ngôi làng ven sông Cầu và nghe chuyện người già kể lại.

Hay khi chuẩn bị những ý tưởng dàn dựng vở Gươm thiêng trao trả hồ thần, tôi đã ngồi một mình rất lâu trong đền Ngọc Sơn, lắng nghe những âm thanh xao động của nước, thử tưởng tượng và đặt mình lùi về ngày xưa với khát vọng muốn đất nước thanh bình sau những ngày chinh chiến. Tôi muốn tất cả những gì đẹp nhất, linh thiêng nhất phải có trong màn vua Lê trả lại gươm thiêng cho rùa vàng.

Trong khó khăn chung của sân khấu phía Bắc thì sự thành công của những vở diễn về đề tài lịch sử như Cung phi Điểm Bích, Trung hiếu với Thăng Long…  có khiến chị lạc quan vào sự khởi sắc của sân khấu?

- Tôi cho rằng, nếu cải lương khắc phục được những bất cập lâu nay như ủy mị, sướt mướt, dài lê thê, có những kịch bản mang hơi thở thời đại thì sẽ thu hút khán giả. Lúc này, tôi đang hạnh phúc vì có những khán giả đồng cảm với mình trên chặng đường nghệ thuật còn rất dài và một gia đình luôn là chỗ dựa để tôi toàn tâm đắm đuối với nghề.

Đạo diễn, NSUT Hoàng Quỳnh Mai, Trưởng đoàn 2, Nhà hát cải lương Việt Nam là một đạo diễn sân khấu trẻ đạt nhiều thành công: Giải nhất Liên hoan Tài năng đạo diễn trẻ, giải A vở diễn Cung phi Điểm Bích, HCB Bến nước Ngũ Bồ; giải Đạo diễn xuất sắc với vở Trọn đời trung hiếu với Thăng Long …


Đăng Huyền thực hiện

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ