Những năm gần đây, ngành hoạt hình ở nước ta có bước tiến mới mẻ, với sự xuất hiện của hàng loạt studio tư nhân, nhiều gương mặt trẻ có học vấn, tri thức và tư duy mở tiếp cận với công nghiệp hoạt hình thế giới, mang khát vọng đổi mới, phát triển hoạt hình Việt. Một trong những gương mặt trẻ giàu khát vọng ấy là đạo diễn Đặng Hải Quang.
Cứ đi thôi
Không được đào tạo bài bản về điện ảnh và hoạt hình nhưng ở tuổi 30, Đặng Hải Quang đồng sáng lập và giữ chức danh Giám đốc Dee Dee Animation Studio - một công ty chuyên về hoạt hình 2D, sử dụng phần mềm Toon Boom Harmony làm công cụ sản xuất chính.
Lý do trực tiếp để chàng trai có gương mặt thông minh và cương nghị ấy quyết định lập nghiệp với hoạt hình thật “lãng xẹt”: Mới cưới vợ, vợ sắp sinh em bé nên muốn có công việc chủ động về thời gian để được gần gũi chăm sóc cho gia đình.
Một lý do không liên quan gì đến nghệ thuật, chẳng có chút nào màu sắc khát vọng tuổi trẻ. Nhưng sâu xa thì lại có liên quan.
Theo học chuyên Toán rồi trở thành sinh viên Đại học Bách khoa – đó là con đường thẳng không chỉ Quang mà rất nhiều bạn bè đồng trang lứa lựa chọn để bước vào đời. Nhưng cũng trên con đường thẳng thường có lối rẽ để ngỏ, đợi ta bước vào.
Biết Quang có khả năng viết lách, mẹ của một người bạn thân làm ở Nhà xuất bản Kim Đồng đã mời Quang cộng tác với nhà xuất bản, đọc, biên tập những bộ truyện tranh. Công việc tưởng chỉ để kiếm thêm thu nhập cho thời sinh viên nghèo ấy đã tạo đà để Quang khám phá niềm say mê bên trong mình, khám phá một cái tôi khác bên cạnh cái tôi duy lý thường trực.
Ngoài thời gian học, chàng sinh viên lại chúi đầu vào truyện tranh, vào phim ảnh, tìm kiếm những bộ phim của các hãng hoạt hình danh tiếng. Tuổi trẻ như được đánh thức phần ngủ quên bấy lâu nay. Tuổi trẻ như được vỡ ra biết bao say mê. Thế giới đâu chỉ là những con số, những hình vẽ, những định nghĩa, định lý đã mặc định. Thế giới còn mang hình hài do mình sáng tạo nên.
Tốt nghiệp Đại học Bách khoa, Đặng Hải Quang làm việc ở Công ty Sách và Truyền thông Nhã Nam một thời gian, sau đó chuyển sang Trung tâm Phim Truyền hình – Đài Truyền hình Việt Nam.
Anh cũng theo học khóa biên kịch điện ảnh tại Khoa Văn học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Quãng thời gian này cho Quang những trải nghiệm, hiểu biết về truyền thông và điện ảnh - truyền hình.
Song tất cả cũng chỉ là vốn kiến thức ban đầu. Khi bắt tay vào khởi nghiệp, những lỗ hổng mới dần hiện ra. Lỗ hổng về nền tảng hoạt hình. Lỗ hổng về nhân sự. Lỗ hổng về tài chính, về quy trình vận hành một studio.
Làm thế nào để ra được sản phẩm? Làm thế nào để thiết lập được các mối quan hệ trong công việc? Rất nhiều lo toan mà một người khởi nghiệp đứng mũi chịu sào như Đặng Hải Quang phải tính đến.
Thời điểm 2016 - 2017, Quang cùng những thành viên đầu tiên đồng sáng lập Dee Dee Animation Studio gặp rất nhiều khó khăn. Kiến thức, kinh nghiệm gần như bằng không. Chỉ có một niềm tin chắc chắn rằng hoạt hình sẽ luôn mở lòng, bởi biên độ sáng tạo trong lĩnh vực này rất rộng lớn.
Đó là một phương tiện biểu đạt không chỉ dành cho trẻ em, mà còn hướng tới nhiều đối tượng khán giả, được sử dụng trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, truyền thông, quảng cáo, giải trí, sản phẩm tiêu dùng… Ở nước ta chưa có ngành công nghiệp hoạt hình. Khâu đào tạo cũng vô cùng hạn chế.
Đơn vị sản xuất ngoài Hãng phim Hoạt hình Việt Nam chủ yếu thực hiện các phim cho thiếu nhi từ tiền ngân sách Nhà nước thì mới chỉ có một số studio tư nhân hoạt động cũng ở quy mô nhỏ lẻ và nghiêng nhiều về thương mại. Thử thách là rất lớn, song cơ hội để phát triển cũng rất rộng mở. Chỉ là có đủ tài năng, sự kiên nhẫn và một hướng đi đúng hay không.
Thực tế đã chứng minh những nhận định ban đầu ấy của Đặng Hải Quang hoàn toàn chính xác. Trong vòng 5 năm trở lại đây, những sản phẩm hoạt hình ngày càng được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, từ đời sống thực đến thế giới ảo. Công nghệ thông tin, các nền tảng mạng xã hội giúp chúng ta trải nghiệm được nhiều không gian sống khác nhau. Và hoạt hình góp phần vào những trải nghiệm đó.
Song tất nhiên, để vượt qua được những chật vật buổi ban đầu, hai vợ chồng Quang thống nhất với nhau: Một người dấn thân vào khởi nghiệp, một người phải kiếm tiền để trang trải cho gia đình. Quang may mắn có người vợ thông minh sắc sảo. Và vợ Quang cũng may mắn có một người chồng chín chắn kiên định, biết giá trị của tri thức, biết nhìn xa, và cùng nhau nhìn về một hướng.
Những cuộc đối thoại, trao đổi liên tục giữa hai vợ chồng, giữa Đặng Hải Quang với các thành viên Dee Dee đã giúp họ vượt qua khoảng thời gian đầu bỡ ngỡ. Dee Dee phiên âm theo tiếng Việt là Đi Đi. Cứ đi thôi, không thể dừng, không thể quay đầu.
Cùng với việc tự đào tạo, tham gia các khóa học online, Dee Dee xúc tiến việc mua bản quyền phần mềm Toon Boom - phần mềm được các hãng hoạt hình lớn trên thế giới sử dụng. Từ đây, những sản phẩm của Dee Dee được xuất hiện “danh chính ngôn thuận”, góp phần vào quy trình sản xuất, quản lý và vận hành của một studio nhỏ mà mang khát vọng lớn: Khát vọng đưa hoạt hình Việt Nam phát triển ngang tầm thế giới, khát vọng đưa văn hóa Việt Nam ra với thế giới.
Sự có mặt của Hà Huy Hoàng - chàng họa sĩ theo học chuyên ngành hoạt hình ở Mỹ trở về Việt Nam vào năm 2018 đã giúp Dee Dee lấp được khoảng trống vô cùng quan trọng.
Ở vị trí giám đốc nghệ thuật, với những kiến thức được học tập trải nghiệm cùng trái tim tuổi trẻ nhiệt huyết, Hà Huy Hoàng đã sát cánh cùng Đặng Hải Quang nâng cao chất lượng hình ảnh cho các sản phẩm của Dee Dee, từng bước chinh phục thị trường Việt Nam, tạo lập những mối quan hệ với các đơn vị sản xuất trên thế giới, trong đó có Disney – ông lớn của ngành công nghiệp hoạt hình. Được hợp tác với các đối tác lớn là cơ hội để Dee Dee từng bước trưởng thành.
Thành công vượt xa mong đợi
Những khung hình với nét vẽ mềm và mảnh cùng chuyển động linh hoạt, tinh tế, nội dung phảng phất chất thơ, chất triết lý, lúc lại pha chất giễu nhại, chất hào sảng – đó là điều mà khán giả nhận thấy khi xem các tác phẩm, sản phẩm hoạt hình của Dee Dee trên các nền tảng mạng.
Bên cạnh các công việc, các dự án thương mại, Đặng Hải Quang cùng những thành viên trẻ trung và năng động trong team Dee Dee luôn nuôi dưỡng ước mơ sáng tạo những sản phẩm, tác phẩm hoạt hình theo tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới đối tượng khán giả là người trẻ năng động, yêu lịch sử, yêu văn hóa nghệ thuật, từng bước quảng bá văn hóa dân tộc ra thế giới.
Thành công của “Tàn thể: Tiền truyện” năm 2019 giống như một màn ra mắt ấn tượng của Đặng Hải Quang và Dee Dee. Lần đầu tiên, một đạo diễn trẻ của một studio hoạt hình tư nhân quy mô còn nhỏ đã có tác phẩm đoạt giải Cánh diều Bạc hạng mục Phim hoạt hình - giải thưởng của Hội Điện ảnh Việt Nam.
“Tàn thể: Tiền truyện” còn nỗ lực bước ra thế giới qua các giải thưởng và những lần được trình chiếu chính thức tại nhiều liên hoan phim hoạt hình quốc tế. Dẫu còn hạn chế trong xây dựng cốt truyện, sáng tạo hình ảnh, song “Tàn thể: Tiền truyện” đã mở ra một hướng đi mới, tiếp cận khán giả người lớn, chuyển tải những thông điệp về tình yêu, về văn hóa và tri thức trong thời đại toàn cầu.
Từ thời điểm 2019 đến nay, những gì Đặng Hải Quang cùng Dee Dee làm được vượt xa mong đợi buổi ban đầu. Một sitcom “Dịch vụ quỷ sứ” tinh nghịch. Một “Đại hiệp” mang tinh thần thượng võ.
Một “Yêu Kiều” còn đơn giản nhưng lém lỉnh. Một “She King” tràn đầy tình yêu, niềm tự hào dân tộc… Rất nhiều dự án phim hoạt hình tiềm năng của Dee Dee nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của khán giả. Vậy mà Dee Dee còn đang để ngỏ, chưa có điều kiện đi những bước dài hơi.
Ở cương vị đạo diễn và giám đốc studio, người cầm trịch cho các ý tưởng, Đặng Hải Quang vẫn khao khát thực hiện một bộ phim dài chiếu rạp. Kịch bản cho “Dịch vụ quỷ sứ” hay “Đại hiệp” đều đã sẵn sàng. Đặc biệt với “Tàn thể” đã có cả seri truyện tranh, các tạo hình nhân vật và bối cảnh.
Song kinh phí để thực hiện tác phẩm dài hơi là rất lớn, chưa nói đến công sức chuẩn bị cho một hệ sinh thái hoạt hình. Trên thế giới, các bom tấn hoạt hình đều có kinh phí lên tới hàng trăm triệu USD. Một nhà đầu tư cho hoạt hình Việt Nam ở thời điểm này có lẽ là mong ước xa vời.
Tất nhiên, còn quá sớm để nói về những thành công lớn. Bởi công việc sáng tạo đòi hỏi sự thầm lặng nhẫn nại, và nghệ thuật là chắt lọc từng khoảnh khắc thăng hoa của cả chặng đường bền bỉ ấy. Người đủ kiên nhẫn, đủ tài năng và đủ may mắn sẽ mở được cánh cửa bước vào kho báu ở ngay bên mình.
Để trở thành một thương hiệu hoạt hình lớn mạnh, Dee Dee Animation Studio còn rất nhiều việc phải làm. Song nhìn lại từng dự án đã thực hiện, từng mối quan hệ được xây dựng, các thành viên trong ngôi nhà chung này có niềm tin vào những bước chuyển mình tiếp theo.
Đi đi rồi sẽ đến. Đó cũng là quan niệm làm việc và sáng tạo của Đặng Hải Quang. Ở độ tuổi U40, chàng trai chuyên Toán năm xưa có nhiều cơ hội để nuôi dưỡng đam mê, nỗ lực trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, để một ngày nào đó có thể gom những đốm lửa thổi bùng lên thành ngọn lửa rực rỡ.
Đạo diễn Đặng Hải Quang sinh năm 1985 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Bách khoa chuyên ngành Kĩ thuật điện tử viễn thông, sau đó bén duyên với điện ảnh - truyền hình, là một trong ba thành viên sáng lập Dee Dee Animation Studio - đơn vị sản xuất hoạt hình 2D theo tiêu chuẩn quốc tế. Năm 2019, tại giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam, Đặng Hải Quang và Dee Dee ghi dấu ấn ở hạng mục phim hoạt hình với Bằng khen cho phim ngắn “Dịch vụ quỷ sứ - Chiếc mũi dài”, giải Cánh diều Bạc cho phim “Tàn thể: Tiền truyện”. Đặc biệt, “Tàn thể: Tiền truyện” còn giành giải Phim 2D xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim hoạt hình Khem ở Mỹ, được trình chiếu chính thức tại nhiều liên hoan phim quốc tế.