Điều đó cho thấy, một thị trường đầy tiềm năng, trải dài từ Bắc tới Nam đều có thể phát triển được sản phẩm này. Tuy nhiên, để khai thác được tiềm năng du lịch và phát triển bền vững vẫn rất cần những chính sách chiến lược, để tránh vấp phải sự manh mún, thiếu chuyên nghiệp.
Mỗi địa phương đều có tiềm năng riêng
Tại miền Bắc, một số đơn vị lữ hành đã kết hợp với địa phương và các hộ dân triển khai mô hình này như ở Ninh Bình, Hải Dương, Hoà Bình và Hà Nội triển khai ở huyện Phúc Thọ, Gia Lâm, Ba Vì…
Phó Tổng Giám đốc Hanoi Redtour Nguyễn Công Hoan cho rằng, dưới góc nhìn của du khách quốc tế, Việt Nam là một đất nước có truyền thống, văn hóa, lịch sử gắn với nền văn minh lúa nước. Du khách đến Đồng bằng sông Cửu Long được bắt cá, hái quả; đến miền Trung được trồng rau; đang mùa lúa chín Tây Bắc, du khách được thử thu hoạch lúa trên những cánh đồng bậc thang, đó là những điều tạo nên sự khác biệt và thu hút du khách.
Xây dựng sản phẩm tốt, sự hoà đồng đã tạo nên những dấu ấn với du khách trong hành trình về với những làng quê Việt. Theo ông Hoan, sản phẩm du lịch nông nghiệp không bị gò bó theo một chương trình khép kín hay đơn thuần là nghỉ dưỡng như đi tour truyền thống, lại không đòi hỏi sự mạo hiểm, thách thức như du lịch “phượt” nên du lịch nông nghiệp được nhiều du khách quốc tế mong chờ.
Cùng quan điểm này, ông Lê Công Năng, Trưởng phòng Truyền thông, Công ty Du lịch Vietrantour cho biết, hiện rất nhiều nhà vườn, trang trại đã bắt đầu bắt tay với các đơn vị lữ hành xây dựng sản phẩm, nhằm mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị, không bị bó hẹp về không gian và thời gian.
Theo đó, du khách được trải nghiệm cuộc sống thường nhật của người dân như ở Mai Hịch (Mai Châu - Hoà Bình), du khách đến đây vào mùa nào cũng được trải nghiệm từ đi bè mảng trên sông đánh bắt cá, đi cấy, đi gặt, đi rừng theo người dân, tuỳ theo từng mùa. Đối với du khách quốc tế việc được sống với người dân, sinh hoạt theo mùa vụ thật ấn tượng.
Theo Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh - Giám đốc Trang trại đồng quê Ba Vì, “mỗi vùng miền lại có những đặc trưng riêng, điều đó tạo nên dòng chảy văn hóa quyến rũ du khách mọi miền”. Phần lớn du khách khi đến với trang trại đều hào hứng thưởng thức đặc sản đồng quê của vùng Sơn Tây, Ba Vì như gà đồi, cá sông, bê đỏ... và các loại rau từ vườn rau sạch nơi đây.
Tại đây, du khách được thử bắt cá bằng những dụng cụ làm bằng tre, trồng và hái các loại rau rừng và rau thảo dược, xem cách làm mật ong, tự hái và sao chè khô, cho đà điểu, dê, thỏ, bò sữa ăn hay đi thăm những vườn chè, những cánh đồng ngô xanh bạt ngàn nằm ven sông... Phần giao lưu hát múa, nhảy sạp với các đội văn nghệ của hai dân tộc thiểu số Mường, Dao hồn hậu, trong trẻo, giàu lòng mến khách đã khiến bao du khách bất ngờ bởi không khí ấm cúng.
Cần sự phát triển chuyên nghiệp và bền vững
Theo thống kê của Sở Du lịch TPHCM, nhu cầu khách du lịch mong muốn được tham quan trải nghiệm ở khu nông trại miệt vườn tăng đều mỗi năm từ 20 - 30%; trong đó, sản phẩm du lịch nông nghiệp công nghệ cao đang được chú ý, đánh giá cao. Gần đây, điểm đến thu hút du khách nhất là Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM (huyện Củ Chi) với diện tích 88 ha, tập trung các hoạt động nghiên cứu, sản xuất giống rau, hoa, cá kiểng đào tạo, chuyển giao và du lịch. Số lượng khách tham quan đến với địa điểm này tăng đều mỗi năm, từ 7.000 lượt khách trong năm đầu tiên, đến năm 2016 đã thu hút hơn 12.000 lượt khách. Dự kiến cuối năm 2017 sẽ đạt khoảng 15.000 lượt người.
Hay mô hình du lịch nông nghiệp ở Hội An với làng rau Trà Quế (Cẩm Hà), An Mỹ (Cẩm Châu)… bước đầu mang đến thành công và triển vọng trong tạo sinh kế mới cho người dân, hình thành những sản phẩm du lịch mới.
Ông Lê Hoàng Hà - Giám đốc Công ty TNHH Trải nghiệm và sinh thái Etours Hội An, đơn vị thường xuyên đưa khách đến làng rau Thanh Đông cho rằng, nếu thực hiện tốt những kế hoạch đề ra, nhất là việc xây dựng tốt mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái sẽ mang lại nhiều hiệu quả cũng như tạo được thiện cảm lớn từ du khách, nhất là thị trường khách châu Âu.
Hơn 90% khách đánh giá về sự thân thiện của người dân, nhất là được trải nghiệm nhiều hoạt động trong chương trình như đi xe đạp, thăm viếng làng rau, đi thuyền thúng rừng dừa… Do đó, có thể thấy du lịch sinh thái đang là xu hướng được nhiều du khách quan tâm, đón nhận.
Du lịch nông nghiệp Việt có rất nhiều cơ hội để phát triển, trong đó đã có một lợi thế là ẩm thực. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Công Hoan, để phát triển, thu hút khách còn nhiều vấn đề phải quan tâm, nhất là các công trình vệ sinh ở nông thôn. Tại đây, người nông dân cần có ý thức bảo vệ cảnh quan, môi trường sống của mình. Thông qua du lịch nông nghiệp, người dân được dịp quảng bá sản phẩm nông nghiệp của mình và tất nhiên một phần thu nhập từ nông nghiệp cũng tăng lên từ du lịch. Đồng thời, cần quan tâm khai thác những nguồn lực tài nguyên sẵn có của địa phương.
Để đẩy mạnh sự phát triển của sản phẩm du lịch nông nghiệp trước hết cần sự quảng bá, kết nối với các đơn vị làm du lịch nông nghiệp trên địa bàn, doanh nghiệp lữ hành để có những sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn hơn, đến gần với du khách hơn. Bên cạnh đó, ở góc độ lữ hành, các đơn vị cũng đề xuất các nhà quản lý cần xây dựng chính sách đầu tư phát triển, quản lý hệ thống cơ sở hạ tầng cho các vùng ngoại thành để phát triển du lịch nông nghiệp; cần xây dựng bộ tiêu chuẩn hóa về sản phẩm du lịch nông nghiệp gồm nội dung và hình thức hoạt động để không lúng túng trong quản lý và quảng bá sản phẩm.