Truyện ngắn người trong bao của chekhov:

Đánh thức giá trị nhân bản của con người

GD&TĐ - Anton Chekhov (1860 - 1904) không chỉ là một tài năng lỗi lạc của nước Nga mà còn là nhà văn có tầm ảnh hưởng rộng lớn.

Tác phẩm “Người trong bao” của Chekhov.
Tác phẩm “Người trong bao” của Chekhov.

Dù chỉ sống 44 năm, trong đó có 24 năm cầm bút nhưng ông để lại một di sản văn học đồ sộ với nhiều thể loại và được xem là nhà cách tân nghệ thuật thiên tài về truyện ngắn.

Đến với những trang văn của ông, độc giả không khỏi ám ảnh trước cuộc sống tù đọng, trì trệ, nhỏ nhoi của những kiếp người thảm thương, sản phẩm của chế độ Nga hoàng những năm cuối thế kỉ XIX; từ đó được đánh thức những giá trị nhân bản sâu sắc để hướng đến một thế giới tốt đẹp hơn. Người trong bao (1898) là một trong những truyện ngắn tiêu biểu như thế, truyện xứng đáng được đưa vào giảng dạy ở chương trình Ngữ văn THPT.

Mô tả chân thực bức tranh xã hội

Ra đời trong bối cảnh xã hội Nga đang ngạt thở bởi bầu không khí chuyên chế nông nô bảo thủ nặng nề thế kỷ XIX, Người trong bao (cũng như nhiều truyện ngắn khác của Chekhov) đã phản ánh một cách chân thực, sinh động cuộc sống và con người với cái nhìn khách quan, điềm tĩnh cùng “tiếng thở dài khẽ sâu của một trái tim trong sạch” (M.Gorki). Nhân vật chính của tác phẩm là Belikov, một con người với lối sống “khác người”:

Luôn có khát vọng được thu mình trong một cái vỏ, tạo cho mình một thứ bao có thể ngăn cách, bảo vệ hắn khỏi những ảnh hưởng bên ngoài. Đây là nhân vật điển hình cho kiểu người, cách sống, tư tưởng “trong bao”: Trốn tránh thực tại, xu phụ, giáo điều. Qua việc khắc họa nhân vật này, Chekhov đã nghiêm khắc chỉ ra tác hại ghê gớm của “căn bệnh tinh thần” thời đại mình và thức tỉnh mọi người “Không thể sống như thế mãi được”.

Belikov là một giáo viên dạy tiếng Hy Lạp cổ. Qua góc nhìn của người đồng nghiệp Burkin, đây là một con người kì dị, vì lúc nào cũng vậy, đều đi giày cao su, cầm ô và nhất thiết là mặc áo bành tô ấm cốt bông… hắn đeo kính râm, lỗ tai nhét bông, và khi ngồi xe ngựa thì bao giờ cũng kéo mui lên, khi ngủ thì kéo chăn trùm đầu kín mít; mọi vật dụng đều được hắn để trong bao:

Ô hắn để trong bao, chiếc đồng hồ quả quýt để trong bao; dao gọt bút chì cũng để trong bao. Trong cách sống, hắn còn tự tạo nên những chiếc bao vô hình khác, rất an toàn: Cả ý nghĩ của mình, Belikov cũng cố giấu vào bao; lúc nào cũng ngợi ca quá khứ, ngợi ca những gì không bao giờ có thật.

Nguyên nhân khiến con người này luôn có khát vọng thu mình trong cái vỏ bọc an toàn chính là nỗi sợ hãi. Belikov sợ từ những cái nhỏ nhặt, vớ vẩn: Sợ kẻ trộm chui vào nhà, sợ bị chế giễu… đến nỗi sợ phải đối mặt với hiện thực cuộc sống đang diễn ra xung quanh mình. Nỗi sợ hãi thường trực “nhỡ lại xảy ra chuyện gì” được nhắc đến nhiều lần trong câu chuyện như một nỗi ám ảnh khủng khiếp: Con người đã đánh mất cảm giác mạnh mẽ của chủ thể. Cái ý thức về bản ngã đã bị bào mòn và dần lụi tàn bởi những thông tư, chỉ thị và hàng loạt nỗi lo sợ bủa vây.

Cho nên khi gặp một lúc nhiều “biến cố”, những điều “khủng khiếp” như bị gán ghép chuyện tình cảm với một cô gái, bị đồng nghiệp phản ứng dữ dội trước những lời giáo huấn của mình, bị cười nhạo khi ngã, rồi sợ đến tai ngài hiệu trưởng và ngài thanh tra, sợ bị ép về hưu… tất cả đã khiến cho con người không bao giờ dám bước qua bất kỳ một giới hạn nào như hắn đã không thể vượt qua được, và hắn đã chết. Có lẽ chỉ có cái chết mới đem lại cho Belikov cảm giác thỏa mãn, vì hắn sẽ được vĩnh viễn ở trong cái bao mà từ đó không bao giờ phải thoát ra nữa.

Có thể nói hình tượng “người trong bao” là một phát hiện nghệ thuật đặc sắc, độc đáo của Chekhov. Qua việc khắc họa nhân vật này, nhà văn muốn khái quát một hiện tượng, một căn bệnh - “bệnh Belikov” đang phổ biến ở nước Nga thời bấy giờ. Vì hèn đớn, bạc nhược, tự ti mà con người chỉ có thể tìm được sự yên thân trong những cái gì đã lỗi thời, lạc hậu; vì tôn sùng quá khứ, vì mù quáng trước những thứ không bao giờ có thật mà con người sẵn sàng chối bỏ hiện tại, tìm cách khước từ tất cả những điều tốt đẹp đang đến. Và hậu quả của lối sống ấy là con người không chỉ dần đánh mất giá trị của bản thân mà còn đầu độc môi trường văn hóa, đạo đức, kìm hãm sự phát triển và tiến bộ của xã hội.

Nhà văn Anton Chekhov. Ảnh minh họa Internet.

Nhà văn Anton Chekhov. Ảnh minh họa Internet.

Nỗi sợ của những con người đáng thương

Nhưng Người trong bao không chỉ là câu chuyện về Belikov mà còn là chuyện của Burkin, đồng nghiệp của hắn ta. Nói cách khác đây là truyện trong truyện, một dạng thức quen thuộc của truyện ngắn Chekhov. Burkin kể cho bác sĩ Ivan Ivanych nghe về Belikov (theo mô hình anh ta kể cho bạn anh ta nghe về một người bạn khác của anh ta). Câu chuyện ấy được kể lại với giọng mỉa mai kèm theo những lời bình luận đầy ác cảm. Burkin cùng với những người khác (mà anh ta gộp là “chúng tôi”), vẫn luôn tự xem mình là người nghiêm chỉnh, đứng đắn thế nhưng lại sợ hãi và chịu đựng Belikov, một kẻ nhỏ nhen, tầm thường trong mắt họ. Vậy thì có thể xem những gì anh ta kể lại là chính xác, khách quan? Và liệu Belikov có hoàn toàn đáng ghét như những con người này nhận xét? Vấn đề mà Chekov muốn đặt ra ở Người trong bao có lẽ nhiều hơn thế!

Burkin và những người xung quanh anh ta luôn sợ hãi: Sợ nói to, sợ gửi thư, sợ làm quen, sợ đọc sách, giúp đỡ người nghèo, dạy học chữ… mặt khác lại là những kẻ tọc mạch vô tâm, sẵn sàng “làm đủ chuyện vô bổ, ngu xuẩn vì quá buồn tẻ”. Họ nghĩ tới chuyện ghép đôi cho Belikov và cô gái quá thì Varenka không phải vì nghĩ đến hạnh phúc cho hắn, mà vì đó là trò đùa giải khuây cho cuộc sống tẻ nhạt vô vị của chính mình; họ ngăn chặn ước muốn được hòa nhập cộng đồng của Belikov với lí do sợ bị buộc tội chỉ điểm, mách lẻo, đưa chuyện...

Giữa những con người như thế, Belikov trở nên bé nhỏ, thảm hại; và phải chăng chính sự vô tâm, ích kỉ kia đã đẩy hắn ngày một chui sâu hơn vào trong cái bao cuộc đời để rồi không bao giờ thoát ra nữa. Có tác giả viết rằng: Số phận của những nhân vật tâm thần trong truyện Chekhov luôn bi thảm bởi họ không tìm được sự sẻ chia trong cuộc đời. Belikov cũng vậy, anh ta cuối cùng phải chết trong cô đơn. Vẻ nhẹ nhõm thanh thản của Belikov khi nằm trong quan tài phải chăng là vì anh ta tìm thấy cái bao nhốt mình vĩnh viễn, như Burkin nghĩ, hay là bởi anh ta đã thoát được khỏi cái tầm thường đê hèn của những “kẻ trong bao” đích thực sống quanh anh ta? Đồng ý với quan điểm này, ta thấy kẻ đáng trách, đáng lên án không chỉ riêng Belikov.

Một khi không muốn thừa nhận Belikov là con người bình thường và sẵn sàng loại bỏ hắn ra khỏi xã hội thì, dĩ nhiên, Burkin và mọi người xung quanh anh ta xem cái chết của kẻ thảm hại kia là một cuộc giải thoát cho mình. Sự ra đi của kẻ dị thường kia đã mang lại cho họ cảm giác nhẹ nhàng, thoái mái. Thế nhưng, lạ thay chỉ chưa đầy một tuần sau cuộc sống lại diễn ra như cũ: Nặng nề, mệt nhọc, vô vị; “chẳng bị chỉ thị nào cấm đoán nhưng cũng chẳng được tự do hoàn toàn, chẳng tốt đẹp gì hơn trước”. Hóa ra cái vô vị, ngột ngạt kia là bởi cách sống của mọi người tạo nên chứ không phải do sự hiện diện của kẻ “trong bao”, và những nỗi sợ hãi đó xuất phát từ tâm lí nô lệ, hèn nhát phổ biến của họ, không riêng Belikov.

Vậy thì Burkin và những người cùng với anh ta cũng là một dạng “người trong bao” và sống lối sống “trong bao” giữa một “cái bao xã hội khổng lồ”, song họ lại không nhận ra. Điều này được bác sĩ Ivan Ivanych tổng kết: “Chúng ta sống chui rúc ở thành phố này trong không khí ngột ngạt, chúng ta viết những thứ giấy tờ vô dụng, đánh bài đánh bạc – những cái đó chẳng phải là một thứ bao sao?

Chúng ta sống cả đời bên những kẻ vô công rồi nghề, những kẻ xui nguyên giục bị, những mụ đàn bà nhàn rỗi ngu si, chúng ta nói và nghe đủ thứ chuyện nhảm nhí, vô nghĩa – đó chẳng phải là một thứ bao sao?” và “Nhìn thấy và nghe mọi người nói dối, và để cho thiên hạ bảo anh là ngu xuẩn chỉ vì anh đã nghe lời dối trá ấy, nhẫn nhục chịu đựng những sự lăng mạ, khinh miệt, không dám nói thẳng rằng anh đứng về phía những người trung thực, yêu tự do; và chính anh cũng nói dối, cũng nhăn nhở cười, chỉ cốt kiếm được miếng ăn, chỉ cốt được ấm vào thân, chỉ vì một chức tước hèn mọn nào đó chỉ đáng giá mấy đồng xu”.

Lối sống “trong bao” ấy đã bao phủ mọi người dân trong thành phố làm cho không khí ngày càng ngột ngạt, tối tăm, vô nghĩa; và sự ích kỉ, xét nét, hoài nghi lẫn nhau đã khiến con người tự đánh mất những giá trị tốt đẹp của chính mình, đánh mất bản lĩnh cần có để đối diện với cuộc sống muôn màu. Trước thực trạng ấy, Chekhov đã đánh thức mọi người “Không thể sống mãi như thế được!”, không thể tiếp tục nhấn chìm cuộc đời trong màn đêm đen tối, ảm đạm kia mà phải thay đổi; ý thức được sự vô nghĩa, tầm thường của lối sống “trong bao” để rồi quyết tâm phá bỏ, vượt qua nó nhằm hướng đến một cuộc đời tốt đẹp hơn, đáng sống hơn.

Đây chính là chủ đề, tư tưởng của tác phẩm Người trong bao, là niềm trăn trở, suy tư của một nhà văn luôn đặt số phận con người lên trên hết và khát khao giúp họ “chắt lọc, loại bỏ từng giọt nô lệ ra khỏi mình” (Chữ dùng của Chekhov). Ta có thể bắt gặp chủ đề này ở những truyện ngắn khác của nhà văn: Phòng 6, Thảo nguyên, Khóm phúc bồn tử… như một thông điệp sâu sắc về giá trị nhân bản của con người.

Giá trị của một tác phẩm văn học chân chính được khẳng định khi nó vừa là chứng tích của một thời, vừa là hiện thân cho chân lí giản dị của mọi thời (Nguyễn Kiên). Người trong bao không chỉ “soi bóng thời đại” của nhà văn Chekhov, vấn đề tác giả đặt ra không chỉ thuộc về nước Nga của “thời buổi ốm đau” ngày ấy mà còn chạm tới những chân lí của nhân sinh muôn thuở. Nhà văn Nguyễn Tuân từng khẳng định: “Truyện Bê-li-cốp là một áng văn đả kích đến tuyệt đỉnh: Hình thù, tên họ nhân vật đã thành một cái sự, đã thành một hình dung từ ngày nay vẫn có tác dụng lớn”.

Ta không khó để tìm thấy những Belikov và người mang “bệnh Belikov” đang hiện hữu giữa cuộc sống hôm nay; và cả trong chính mỗi chúng ta, vẫn có sự náu mình của một Belikov. Đó là nỗi lo sợ, là cảm giác bất an, là sự thỏa hiệp để tìm thấy sự yên ổn… Thông điệp Chekhov đã đánh thức những giá trị cốt lõi, chất nhân bản sâu sắc trong mỗi con người để từ đó dũng cảm vượt qua mọi giới hạn của bản thân, hướng đến một cuộc sống ý nghĩa và tốt đẹp hơn.

Đã hơn một thế kỷ đi qua kể từ khi Người trong bao ra đời, thế nhưng tác phẩm vẫn mang một sức sống bền bỉ, mãnh liệt, vẫn có một chỗ đứng vững vàng trong lòng nhiều thế hệ độc giả bởi những giá trị, ý nghĩa lớn lao của nó qua mọi thời đại và không gian văn hóa.

________________________

1. Ngữ văn 11. Tập 2. Nxb. (2007), tập 2, tr.65-69.

2. Truyện ngắn Chekhov (2009), Nhà xuất bản Văn học.

3. M. Gorki: Bàn về văn học. Tập 1. NXB Văn học, H, 1970, tr.48-49.

4. Nguyễn Đăng Mạnh (2009), Phân tích tác phẩm Ngữ văn 11, NXB Giáo dục Việt Nam.

5. Nguyễn Hải Hà (2004), Cái mới trong truyện ngắn của A Chekhov, Nguồn https://trieuxuan.info/cai-moi-trong-truyen-ngan-a.-sekhop

6. Trần Thị Phương Phương Đọc Chekhov, sự tiếp nhận đa diện.

http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/en/nghien-cuu/van-hoc-nuoc-ngoai-va-van-hoc-so-sanh

7.Trần Thị Quỳnh Nga, Tiếp cận tác phẩm “Người trong bao” của A. Chekhov trong nhà trường. http://www.gdtrhqb.edu.vn/index.php?page=9&id=3&idL=16

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ