Đánh thức 'con người độc đáo' trong mỗi học trò

GD&TĐ - Thầy giáo Nguyễn Duy Cần trong quyển sách 'Tôi tự học' đã đúc kết 'cái học cần thiết cho con người là học về bản thân'.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng trao giải cho các tác giả có tác phẩm đoạt giải Nhất Cuộc thi 'Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường' năm 2023 do Bộ GD&ĐT tổ chức và phân công Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực thực hiện.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng trao giải cho các tác giả có tác phẩm đoạt giải Nhất Cuộc thi 'Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường' năm 2023 do Bộ GD&ĐT tổ chức và phân công Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực thực hiện.

Qua gần hai mươi năm dạy học, tôi quan sát và nhận ra rằng, những học trò sau khi ra trường trở nên mạnh mẽ theo đuổi đam mê và thành công là nhờ tìm thấy được “con người độc đáo” trong chính mình.

Vậy ai đã giúp các em tìm thấy “con người độc đáo” ấy? Đó có thể là thầy cô đã đánh thức những phẩm chất, năng lực tiềm ẩn khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, là cha mẹ hay những người bạn...

Giải phóng sức mạnh bản thân

Nữ văn sĩ Helen Keller từng phát biểu “Thành công và hạnh phúc nằm trong bạn. Quyết tâm hạnh phúc, và niềm vui sẽ đi cùng bạn để hình thành đạo quân bất khả chiến bại chống lại nghịch cảnh”.

Trong mỗi học trò đều có một nguồn năng lượng mạnh mẽ riêng. Vấn đề là chúng ta - những thầy cô, phụ huynh cần giải phóng nguồn năng lượng tích cực đó để giúp các em học tập và rèn luyện đạt kết quả tốt. Nguồn năng lượng ấy có được, trước hết là ở ước mơ trong sáng của tuổi học trò.

Thành công sẽ đến sớm hơn với các em nếu sự đánh thức ấy được chính thầy cô hay bố mẹ hướng vào một nền giáo dục khai phóng - nền giáo dục biết đánh thức con người phi thường, độc đáo trong mỗi học trò. Thầy Nguyễn Đình Ánh

Tất cả chúng ta đều có ước mơ. Ai ai cũng vững tin tận đáy lòng rằng mình có một năng khiếu riêng. Nhưng với học trò - lứa tuổi với tâm sinh lý, sức khỏe đặc biệt, ước mơ của các em thường hồn nhiên, trong sáng.

Và đặc biệt nữa, các em có lòng dũng cảm và đam mê để đuổi bắt những ước mơ ấy. Giới trẻ có khả năng thay đổi, gây ảnh hưởng đặc biệt đến người khác và có thể biến đổi thế giới này trở nên tốt hơn.

Trong cuộc đời, ai cũng ao ước về cuộc sống tươi đẹp. Thế nhưng, với nhiều người, những ước mơ đó bị bao phủ dày đặc bởi thất vọng và những điều tầm thường của cuộc sống.

Điều đó khiến chúng ta thậm chí không còn ý chí để cố gắng vươn lên. Và với nhiều người, ước mơ không chỉ tan vỡ mà ý muốn làm nên vận mệnh cũng trôi đi. Bởi họ đã mất niềm tin vững chắc, là yếu tố sắc bén của thành công.

Cuộc đời của mỗi chúng ta, đặc biệt là người trẻ, là một cuộc tìm kiếm không ngừng để phục hồi ước mơ và biến nó thành hiện thực. Bởi vậy, giáo dục phải đóng vai trò là người khai mở và chắp cánh cho ước mơ của học trò bay cao, bay xa. Đó chính là cách để giải phóng nguồn sức mạnh vô biên cho các cô cậu học trò.

Giúp học sinh tự học

Có một thực tế chúng ta phải thừa nhận, rằng con người độc đáo đi đến thành công phần lớn bằng con đường tự học. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (CT GDPT 2018) với mục tiêu thay đổi nền giáo dục nặng về truyền thụ, hàn lâm sang phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất cho người học đã thay đổi tư duy và cách làm cho đội ngũ giáo viên trong việc thực hiện các hoạt động giáo dục.

Với chương trình mới, vai trò của người thầy là định hướng, hướng dẫn học tập cho học trò. Tự học là mục đích đích thực của việc học và phương pháp học tập hiệu quả của các bậc hiền nhân thời xưa. Tự học luôn cần sự cố gắng và có phương pháp, vì đó là một quá trình dài.

Ví như đọc sách mà không mang lại cho ta tinh thần thì việc đọc là vô nghĩa. Đọc sách khiến bạn có thể vận dụng mọi năng lực và nhận thức cùng với tác giả, đó là những cuốn sách đem đến sức mạnh tinh thần.

Thầy giáo Nguyễn Duy Cần trong quyển sách “Tôi tự học” đã đúc kết “cái học cần thiết cho con người là học về bản thân”. Cuối cùng là cần biết mình, điều này rất quan trọng vì khi hiểu ta sẽ biết chọn những cái hợp với bản thân, hợp với thời đại.

Trong quá trình dạy học, tôi cũng phát hiện thêm rằng, phần lớn học trò ưu tú thường có phương pháp tự học, tự lĩnh hội kiến thức. Với những học trò ấy, người thầy lùi lại đằng sau và chỉ đóng vai trò như một huấn luyện viên. Thầy hướng dẫn, chỉ dạy phương pháp. Và thầy chỉ kiểm tra xác suất kết quả thực hành, vận dụng của học trò.

Cô giáo Trương Thị Hiền, Trường Tiểu học Tân Định (Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh minh họa: INT

Cô giáo Trương Thị Hiền, Trường Tiểu học Tân Định (Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh minh họa: INT

Tôi có kỷ niệm với một học trò đặc biệt. Đó là thường thì đến năm lớp 12, các em bắt đầu đăng ký tham gia lớp học ôn thi tốt nghiệp. Nhưng năm ấy, có một em đến gặp tôi và đề đạt nguyện vọng muốn được tự ôn thi ở nhà.

Lúc đầu, tôi ngỡ tưởng gia đình khó khăn nên đã động viên em cứ đi học và sẽ xin các giáo viên dạy trong lớp miễn tiền học phí. Nhưng em kiên quyết từ chối và giải thích rằng, việc học ôn ở lớp với em không đem lại hiệu quả bằng việc tự học ở nhà.

Em lập luận thêm, học ở nhà em có không gian riêng và nhiều thời gian để tự bù đắp kiến thức mà bản thân còn thiếu. Còn học ở lớp, nhiều khi thầy cô ôn kiến thức cho các bạn mà những kiến thức ấy em lại nắm vững rồi.

Cuối cùng, tôi đã đồng ý cho em tự học ở nhà. Và dĩ nhiên, thi thoảng tôi có cách kiểm tra kiến thức riêng. Kết quả thật bất ngờ, kết thúc kỳ thi tốt nghiệp, cô học trò ấy đạt kết quả cao nhất trường.

Để có phương pháp tự học tốt, giáo viên cần giúp học sinh biết cách học tổng quát kiến thức rồi sau đó đi sâu vào chuyên môn. Và tiếp theo, là phải biết sắp xếp, tổ chức sự hiểu biết của mình.

Cuối cùng, học sinh “cần biết mình”. Trong bất cứ việc gì cũng cần biết mình, đây chính là nền tảng quan trọng. Từ việc biết mình, hiểu về đời sống nội tâm mà đi khám phá cuộc sống bên ngoài. Trong quá trình học hỏi ấy phải biết tuyển chọn.

Tuyển chọn tức là phê phán, quyết định, lọc lại những gì hợp với mình, hợp với thời đại hiện nay. Có hai cách tuyển chọn, cách thứ nhất là lượm lặt tinh hoa của tất cả sách vở; cách thứ hai là chọn trước một đầu đề làm trung tâm để nghiên cứu.

Phương pháp tự học hiệu quả có thể rút ngắn con đường kinh nghiệm. Nhân loại có nhiều cách nhưng đọc sách là phương pháp tốt hơn cả. Đọc sách là phương tiện cần thiết, hiệu quả nhất để học trò kiến thức vững chắc.

Học bằng sách cần phải chú ý hai điều kiện là: Chỉ đọc sách hay và phải biết cách đọc. Lavarenne từng nói: “Ông thầy hay nhất là ông thầy biết dự bị cho học trò của mình không cần đến mình nữa; hay nói một cách khác, ấy là ông thầy không lo nhồi nhét sự hiểu biết mà lo truyền dạy phương pháp tự học cho chúng”.

Thầy giáo Nguyễn Thanh Phương, Trường THPT Thống Nhất A (Trảng Bom, Đồng Nai) trong giờ lên lớp. Ảnh minh họa: INT

Thầy giáo Nguyễn Thanh Phương, Trường THPT Thống Nhất A (Trảng Bom, Đồng Nai) trong giờ lên lớp. Ảnh minh họa: INT

Tôn trọng và nâng đỡ sự khác biệt ở học trò

Aristotle đã nói: “Có một sự khác biệt nhỏ giữa người và người, nhưng khác biệt nhỏ ấy tạo ra khác biệt lớn. Khác biệt nhỏ là thái độ. Khác biệt lớn là việc nó tích cực hay tiêu cực”. Friedrich Nietzsche cũng nói: “Cách chắc chắn nhất để làm hỏng người trẻ tuổi là hướng dẫn anh ta coi trọng những ai suy nghĩ giống nhau hơn là những ai tư duy khác biệt”.

Hai ý kiến đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc phải tôn trọng sự khác biệt giữa mỗi con người. Trong giáo dục, sự khác biệt của mỗi học trò lại là điều đặc biệt để ươm mầm tài năng.

Khác biệt là sự độc đáo tiềm ẩn hình thành nên những ý tưởng tuyệt vời. Tôn trọng và đánh thức sự khác biệt độc đáo trong mỗi học trò là trách nhiệm của những người làm giáo dục, nhất là thầy cô trực tiếp dạy dỗ các em.

Anthony Robbins trong quyển sách “Đánh thức con người phi thường trong bạn” có đặt ra hàng loạt câu hỏi, rằng trong suốt cuộc đời ông không ngừng bị thu hút bởi một tiêu điểm duy nhất và thúc bách: Cái gì làm nên những khác biệt về chất lượng của mỗi cuộc đời?

Chúng ta thường gặp không ít người xuất thân từ môi trường nghèo khổ và vô vọng, vậy mà họ đã thành công trong cuộc đời và để lại những ấn tượng sâu sắc cho chúng ta? Ngược lại, làm sao nhiều người có hoàn cảnh ưu đãi.

Các phương tiện để thành công có sẵn trong tầm tay, vậy mà họ đã đi đến một kết cuộc thảm hại, thất vọng và nhiều khi rơi vào thói nghiện ngập? Điều gì làm cho một số cuộc đời trở thành mẫu mực và một số khác trở thành lời cảnh báo? Bí quyết nào tạo nên những cuộc đời hạnh phúc, say mê, sung mãn, trong khi những cuộc đời khác trở thành vô vị, nhàm chán?

Nỗi ám ảnh của ông bắt đầu bằng những câu hỏi đơn sơ: “Làm cách nào để tôi kiểm soát trực tiếp đời mình? Hôm nay, tôi có thể làm gì để biến đổi đời tôi cũng như giúp tôi và người khác hình thành vận mệnh của mình? Làm cách nào để tôi mở rộng, học hỏi, phát triển và chia sẻ sự hiểu biết của tôi với những người khác một cách thú vị và có ý nghĩa?”.

Từ đó, ông kể rằng, hồi trẻ, ông đã phát triển một niềm tin là tất cả chúng ta có mặt trên đời để cống hiến một cái gì độc đáo… Ông thực sự tin rằng trong mỗi người đều tiềm ẩn một năng lực siêu phàm. Mỗi người chúng ta đều có một tài năng, một chút thiên tài nào đang chờ mở ra.

Có thể là năng khiếu nghệ thuật hay âm nhạc. Có thể là khả năng giao tiếp kỳ diệu với những người thân thương. Có thể là khả năng kinh doanh hay sáng tạo ở lĩnh vực nào đó. Và từ đó, ông khẳng định cần tôn trọng và nâng đỡ sự khác biệt của mỗi người để giúp họ thành công.

Thực tế trong cuộc đời, tôi đã từng được đồng hành và chứng kiến sự thành công của nhiều học trò, những người bạn. Trong số đó, có không ít em, các bạn thành công nhờ được tôn trọng và chắp cánh ước mơ từ chính những thầy cô của mình.

Tôi có người bạn học cùng khóa K37 – bạn Phạm Phương Thảo, Trường cấp ba Nghi Lộc 1 (nay là Trường THPT Nguyễn Duy Trinh), hồi đi học bạn đã đam mê ca hát. Dường như năng khiếu ca hát là nguồn năng lượng diệu kỳ. Bạn có thể hát mọi lúc mọi nơi.

Thế rồi, cô Hoàng Kim Liên – khi ấy là Bí thư Đoàn trường phát hiện thấy niềm đam mê ca hát mãnh liệt ấy. Cô đã tạo điều kiện cho bạn tham gia nhiều chương trình văn nghệ của trường. Và đó là bước khởi đầu giúp bạn tự tin hơn với sân khấu, năng khiếu của mình.

Sau này, đó là sự đồng hành của gia đình, thầy cô, bạn bè, bạn đã tự tin tham gia Chương trình “Sao Mai điểm hẹn” và giành được giải thưởng cao. Và mới nhất, ca sĩ Phạm Phương Thảo là một trong những nghệ sĩ trẻ tuổi nhất được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

Giáo dục không còn đứng trước ngưỡng cửa của sự thay đổi căn bản, toàn diện mà nó đã bước qua “cánh cửa đổi mới”. Bởi vậy, chúng ta, nhất là đội ngũ quản lý giáo dục, các thầy, cô giáo hơn ai hết phải “thực hành” ngay sự thay đổi từ hôm nay.

Trong nhiều sự thay đổi gấp gáp ấy, gần gũi với học trò, tôn trọng, đánh thức “con người độc đáo” trong mỗi em không chỉ là suy nghĩ, mà cũng phải là hành động song hành trong quá trình giáo dục.

Phát hiện, tôn trọng con người độc đáo đối với bất kỳ ai đã là đáng quý, với học trò – những người trẻ lại càng quý hơn. Bởi nó là động lực, nguồn năng lượng diệu kỳ để họ có thể theo đuổi tận cùng với đam mê…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.