Thiên tài và các công trình dở dang
Leonardo di ser Piero da Vinci, tên gọi phổ biến Leonardo da Vinci là một trong những nhân vật vĩ đại nhất của thời Phục hưng. Ông là một tài năng trong lĩnh vực phát minh, vẽ tranh, điêu khắc, kiến trúc, khoa học, âm nhạc, toán học, kỹ thuật, văn chương, giải phẫu, địa chất, thiên văn, sinh học, lịch sử và bản đồ... Ngoài ra, ông còn đóng góp vào việc phát triển dù nhảy, trực thăng và xe tăng.
Leonardo da Vinci sinh ở Italy vào năm 1452, qua đời ở tuổi 67 tại Pháp. Ông từng làm việc ở Milan, Rome, Bologna và Venice. Các tác phẩm hội họa nổi tiếng nhất của ông còn được lưu giữ đến bây giờ, đáng kể là Mona Lisa, The Last Supper, Vitruvian Man.
Theo các nhà nghiên cứu, một số kiệt tác của Leonardo da Vinci dường như chưa hoàn chỉnh, trong đó có Mona Lisa. Nhiều chuyên gia cho rằng điều này là do ông mắc hội chứng phổ biến hiện nay, ADHD (hội chứng rối loạn tăng động thiếu tập trung). Đây là một tình trạng liên quan đến hành vi, đưa đến việc ngủ thất thường và dẫn đến việc không thể hoàn thành một nhiệm vụ nào đó. Những triệu chứng khác của ADHD bao gồm đầu óc lan man và cơ thể không yên.
GS Marco Catani, Trường ĐH Kings ở London, Anh đã nghiên cứu các câu chuyện cũng như giai thoại về cách cư xử và cuộc sống của bậc thầy hội họa trước khi đưa ra kết luận này.
Huyền thoại thời Phục hưng ở Italy cho ra đời một số công trình nổi tiếng nhất thế giới và tác phẩm nghệ thuật còn mãi với thời gian, nhưng các tài liệu lịch sử cho thấy ông luôn chật vật trong việc hoàn thành tác phẩm của mình.
GS Catani nói: “Mặc dù không thể làm các chẩn đoán qua xét nghiệm tử thi của một người sống cách đây 500 năm, nhưng tôi tin rằng ADHD là giả thuyết khoa học hợp lý và có tính thuyết phục nhất để giải thích việc Leonardo thường để dang dở các công trình của mình. Những ghi chép lịch sử cho thấy, ông đã dành rất nhiều thời gian lập dự án nhưng lại thiếu tính nhẫn nại. ADHD có thể giải thích các khía cạnh về tính khí của Leonardo và thiên tư kỳ lạ của ông”.
Những bằng chứng về ADHD
Các tài liệu từ những nhà viết tiểu sử và người đương thời cho thấy ông liên tục xê dịch và thường nhảy từ việc này sang việc khác. Ông được tin là ngủ rất ít và thường làm việc suốt đêm. Trong khi những giấc ngủ ngắn thì không đủ bù đắp chu kỳ ngủ bình thường. Leonardo thuận tay trái và còn mắc chứng khó đọc. Ông cũng có một ưu thế về ngôn ngữ ở phần não điều khiển tay phải, tất cả điều này phổ biến trong số những người ADHD.
Có lẽ điều dễ phân biệt nhất ở Leonardo là sự hiếu kỳ lạ lùng, điều này vừa thúc đẩy sự sáng tạo vừa làm cho ông có tính xao lãng.
Ngoài giải thích cho sự trì hoãn trong công việc của ông, ADHD có thể là một nhân tố trong sự sáng tạo đặc biệt và thành tựu của da Vinci trong lĩnh vực nghệ thuật và khoa học.
Viết trên tờ Brain, GS Catani cho biết, ADHD có thể có những phản ứng tích cực, ví dụ đầu óc lan man có thể kích thích sự sáng tạo và tính chất độc đáo. Tuy nhiên, nó cũng có thể là một chướng ngại khi làm cho ông xao lãng trước khi hoàn thành các dự án của mình.
GS Catani, người có chuyên môn trong việc xử lý những tình trạng phát triển thần kinh như tự kỷ và ADHD, nói thêm: “Có một nhận thức sai phổ biến khi cho rằng ADHD là đặc điểm của trẻ hành xử không đúng với trí tuệ kém, dẫn đến một cuộc sống không yên ổn.
Ngược lại, hầu hết những người trưởng thành mắc hội chứng mà tôi gặp ở phòng khám đều báo cáo là từ nhỏ đã thông minh, có tài năng thiên bẩm nhưng lại xuất hiện các triệu chứng lo âu và trầm cảm sau này vì không tận dụng hết tiềm năng của mình.
Thật khó mà tin rằng Leonardo tự cho mình là người thất bại trong cuộc sống. Tôi hy vọng trường hợp của Leonardo cho thấy ADHD không có liên quan gì đến IQ thấp hoặc thiếu sáng tạo, mà là khó khăn trong việc tận dụng tài năng thiên bẩm. Tôi hy vọng di sản của Leonardo có thể giúp chúng ta thay đổi một số kỳ thị quanh ADHD”.
Theo GS Graeme Fairchild, thuộc Khoa Tâm lý của Đại học Bath ở Anh, nghiên cứu mới chứng minh rằng những người bị ADHD vẫn có tài năng và năng suất làm việc đến mức khó tin, mặc dù họ có thể có các triệu chứng hoặc hành vi dẫn đến sự bồn chồn, hay quên và không có khả năng hoàn thành những thứ họ đề ra lúc ban đầu. “Có lẽ sự bồn chồn, khả năng tiềm ẩn và sáng tạo đi kèm với ADHD của Leonardo giải thích lý do vì sao ông đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực khác nhau, ngay cả khi thường bỏ dở các tác phẩm sắp hoàn thành”, GS nói.
Mới đây, một nhóm các nhà nghiên cứu người Ý đã đưa ra ý tưởng da Vinci không hoàn thành tác phẩm Mona Lisa là do bị tổn thương thần kinh sau khi bị ngã. Hậu quả là ông bị chứng “bàn tay vuốt” (claw hand), được biết về mặt y học là một dạng bại liệt, gây trở ngại cho khả năng vẽ của ông.
Họ đã chẩn đoán tình trạng này bằng cách phân tích hoạt động bàn tay phải của ông trong hai tác phẩm nghệ thuật. Và giả thuyết đưa ra là tay ông suy yếu là do đột quỵ. Nhưng trong tạp chí của Hiệp hội Y học Hoàng gia, các bác sĩ cho rằng nếu đúng là tổn thương thần kinh thì điều này có nghĩa là danh họa không thể cầm bảng màu và cọ được nữa.