Tham dự hội nghị có lãnh đạo Vụ GDTX, Bộ GD&ĐT, Trung ương Hội khuyến học Việt Nam và hàng trăm đại biểu các Sở GD&ĐT, hội khuyến học các tỉnh.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định: Sau 5 năm triển khai Thông tư 44 quy định về đánh giá, xếp loại cộng đồng học tập cấp xã đã đạt được những kết quả tích cực. Xây dựng xã hội học tập để không ngừng nâng cao dân trí, đa dạng hoá và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội là mục tiêu quan trọng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, sau 5 năm triển khai, Thông tư 44 còn những hạn chế, tồn tại cần được các đại biểu chỉ ra, đồng thời đề xuất những giải pháp, sáng kiến, cách làm hay góp phần nâng cao chất lượng học tập cộng đồng tiến tới xây dựng xã hội học tập.
Phó Vụ Trưởng phụ trách Vụ GDTX, Bộ GD&ĐT, Vũ Thị Tú Anh thông qua báo cáo 5 năm thực hiện Thông tư 44 |
Tại hội nghị, Phó Vụ Trưởng phụ trách Vụ GD Thường xuyên, Bộ GD&ĐT, Vũ Thị Tú Anh, thông qua báo cáo tóm tắt 5 năm thực hiện Thông tư 44. Trong đó, lãnh đạo Vụ GDTX chỉ ra 4 nhóm kết quả lớn: tích cực tham mưu ban hành văn bản chỉ đạo nâng cao nhận thức của các cấp, ngành; đẩy mạnh tuyên truyền về xây dựng cộng đồng học tập cấp xã, nâng cao ý thức học tập cộng đồng cho người dân và cộng đồng; triển khai tập huấn hướng dẫn quy trình, cách thức kiểm tra, đánh giá các tiêu chí; tổ chức đánh giá xếp loại cộng đồng học tập cấp xã.
Theo tài liệu thống kê của Bộ GD&ĐT tính đến tháng 12/2018, cả nước có 10.367 xã/ 11.154 xã thực hiện đánh giá, xếp loại (đạt 92,9%), trong đó: 4.917 xã xếp loại tốt; 3.386 xã đạt loại khá…
Sau 5 năm thực hiện Thông tư 44 với những kết quả đạt được đã xác định được tính phù hợp với thực tế, góp phần tích cực đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị; phát huy tác dụng với việc giảm nghèo tăng thu nhập, đẩy mạnh sản xuất, đoàn kết cộng đồng dân cư…
Hàng trăm đại biểu của Bộ GD&ĐT, Trung ương Hội khuyến học, các Sở GD&ĐT, các phòng giáo dục và hội khuyến học cấp huyện dự hội nghị |
Đại biểu Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ nêu quan điểm: Phú Thọ là tỉnh miền núi trung du, dù là một tỉnh nghèo nhưng người dân rất hiếu học. Được sự quan tâm của các cấp, ngành nên các mô hình xã hội học tập, gia đình học tập, dòng họ học tập được quan tâm. Ngay khi Thông tư 44 ban hành, Sở GD&ĐT phối hợp hội khuyến học nghiên cứu các tiêu chí, cụ thể hóa thông tư trước khi tham mưu UBND tỉnh ban hành hướng dẫn các địa phương thực hiện.
Bên cạnh những mặt tích cực, đại biểu Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ nêu ra những khó khăn như: tiêu chí tự đánh giá sẽ không khách quan, không thực chất, mang tính hình thức; tiêu chí nước sạch nông thôn, chăm sóc sức khỏe cộng đồng cao quá cao nên một số địa phương miền núi khó có thể thực hiện..
Bà Ngô Thị Trinh, Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Yên Bái đưa ra những kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư 44 từ thực tế 5 năm triển khai tại tỉnh Yên Bái. Trong đó có phương châm, nơi nào dễ làm trước, nơi nào khó làm sau; lồng ghép thực hiện kết quả xây dựng nông thôn mới trong việc đánh giá một số tiêu chí trùng với tiêu chí xây dựng cộng đồng học tập.