Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ chủ trì cuộc họp khởi động ngày 6/11/2019. Về phía Ngân hàng Thế giới có bà Võ Kiều Dung, Chủ nhiệm chương trình, chuyên gia giáo dục cao cấp và các chuyên gia.
Tham dự họp có 8 trường đại học sư phạm/học viện tham gia ETEP và đại diện các Cục, Vụ, Ban Quản lý các dự án, Dự án RGEP thuộc Bộ GD&ĐT.
Đoàn công tác của Ngân hàng thế giới làm việc đồng thời với 8 trường/học viện và Ban quản lý Chương trình ETEP trong hai tuần, phân tích những tình huống cụ thể, nhận diện khó khăn, để cùng thống nhất với Bộ GD&ĐT cách thức để tiếp tục triển khai Chương trình một cách tốt nhất.
Bồi dưỡng theo hình thức học kết hợp qua mạng và trực tiếp
Tại cuộc họp khởi động, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, đợt đánh giá giữa kỳ này là rất quan trọng, là dịp để đánh giá các hoạt động của Chương trình ETEP triển khai trong hơn 2 năm qua, nhằm thực hiện có chất lượng các lĩnh vực phát triển năng lực, phát triển chương trình đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, phát triển Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến và hệ thống quản lý thông tin bồi dưỡng (LMS-TEMIS)…
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại cuộc họp |
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc BQL Chương trình ETEP cho biết, sau hơn hai năm triển khai, Chương trình ETEP đã đạt được những kết quả quan trọng, như lĩnh vực tăng cường năng lực các trường ĐHSP chủ chốt, các trường đã xây dựng được lộ trình phát triển trong 5 năm (2017 - 2022), đạt mức 4 và mức 5 theo TEIDI (bộ chỉ số phát triển các trường sư phạm) năm 2019 và 2021. Năng lực xây dựng kế hoạch chiến lược của các ĐHSP chủ chốt được nâng lên;
Lĩnh vực hỗ trợ phát triển nghề nghiệp thường xuyên cho GV và CBQLGD: Đã ban hành thông tư chuẩn hiệu trưởng và chuẩn nghề nghiệp giáo viên để đánh giá sự phát triển nghề nghiệp của giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông hàng năm;
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc BQL Chương trình ETEP phát biểu |
Thiết lập và vận hành được phương thức bồi dưỡng theo hình thức học kết hợp qua mạng và trực tiếp, đã có tác động tích cực đến nhận thức và chất lượng bồi dưỡng GV, được giáo viên ủng hộ, ghi nhận (thể hiện qua hoạt động bồi dưỡng giáo viên cốt cán (GVCC) đối với mô đun 01 về Hướng dẫn thực hiện chương trình GDPT 2018, tổ chức trong tháng 10.2019 vừa qua)...
Tính đến ngày 1/11/2019, toàn ngành đã bồi dưỡng mô đun 1 cho gần 17 nghìn GVCC của 48 tỉnh/thành phố, đạt gần 60% so với kế hoạch.
Hiệu ứng tích cực đối với giáo viên
Lãnh đạo các trường sư phạm chủ chốt tham gia Chương trình ETEP đều thống nhất cho rằng, Chương trình ETEP đã đem lại cho nhà trường cơ hội phát triển, nâng cao năng lực. Đặc biệt trong thực hiện nhiệm vụ mới là bồi dưỡng giáo viên.
Đợt “ra quân” bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cốt cán trong tháng 10 vừa rồi đã đạt kết quả tốt, tạo được dư luận và hiệu ứng tích cực đối với giáo viên.
TS. Nguyễn Thị Minh Hồng |
TS. Nguyễn Thị Minh Hồng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Tp Hồ Chí Minh đánh giá: “Đây là lần thay đổi lớn về chất và lượng trong bồi dưỡng giáo viên triển khai trong khuôn khổ Chương trình ETEP, với một phương thức bồi dưỡng mới vừa trực tiếp, vừa qua mạng và phát triển năng lực người học”.
“Thông qua hoạt động bồi dưỡng giáo viên cốt cán, bước đầu đã phát triển được cộng đồng học tập trong phạm vi địa phương các trường phụ trách, hỗ trợ giáo viên phổ thông thực hiện nhiệm vụ đổi mới” – PGS.TS. Nguyễn Thị Tính, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP-ĐH Thái Nguyên chia sẻ.
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Tính, “Chương trình ETEP đã đem lại cho nhà trường không chỉ nguồn lực để phát triển mà quan trọng là sự kết nối, chia sẻ tài nguyên. Chưa bao giờ các trường ĐHSP liên kết và chia sẻ với nhau tốt như bây giờ”.
PGS.TS. Nguyễn Vũ Bích Hiền chia sẻ |
Đồng quan điểm này, PGS.TS. Nguyễn Vũ Bích Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội khẳng định, những lợi ích từ ETEP mang lại cho nhà trường là rất rõ ràng và nhà trường đã thực hiện nghiêm túc những cam kết. Ban Giám hiệu nhà trường đã nỗ lực triển khai tốt nhiệm vụ bồi dưỡng thường xuyên cũng như xây dựng tài liệu phục vụ cho đợt bồi dưỡng.
PGS. TS. Lê Anh Phương, Hiệu trưởng Trường ĐHSP-ĐH Huế cũng có cho rằng, Chương trình ETEP đang là “kênh” hỗ trợ cho các trường sư phạm chủ chốt phát triển, đổi mới quản trị đại học, phát triển năng lực giảng viên.
Và then chốt là thực hiện được nhiệm vụ mới của nhà trường, bồi dưỡng giáo viên, bồi dưỡng đội ngũ GV cốt cán. Vừa rồi nhà trường đã phối hợp rất nhịp nhàng với các địa phương, bồi dưỡng GV cốt cán đạt chất lượng tốt, nhận được phản hồi tích cực từ GV, Sở GD&ĐT.
PGS. TS. Lê Anh Phương: "Chương trình ETEP đang là “kênh” hỗ trợ cho các trường sư phạm chủ chốt phát triển" |
“Sau hơn 2 năm triển khai Chương trình ETEP, nhà trường có được nhiều đổi mới so với trước đây” – TS. Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh chia sẻ. ĐH Vinh có 2 lĩnh vực triển khai đạt kết quả, thứ nhất là năng lực phát triển theo bộ chỉ số TEIDI để trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường.
Thứ hai là hoạt động bồi dưỡng GV cốt cán với phương thức thức bồi dưỡng kết hợp giữa qua mạng và trực tiếp đã được GV chấp nhận và đánh giá tốt.
Tuy nhiên, BQL Chương trình ETEP cũng nhận thấy, việc chuẩn bị và triển khai Chương trình còn chậm so với thiết kế. Có nhiều nguyên nhân được nêu ra, trong đó, có nguyên nhân từ phương thức đầu tư PfR (theo kết quả đầu ra) là mới mẻ đối với Bộ GD&ĐT nên công tác phối hợp giữa các vụ, cục liên quan chưa nhịp nhàng, hiệu quả; Những công việc đã hoàn thành đều có tính chất phức tạp và đòi hỏi mất nhiều thời gian hơn so với thiết kế ban đầu.