Thực hiện nhiệm vụ đổi mới giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW, ngày 6/3/2014 Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch số 103/KH-BGDĐT về việc tổ chức hội thảo “Đổi mới kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập môn Ngữ văn trong trường phổ thông”.
Hội thảo nhằm nghiên cứu cơ sở lý luận và xây dựng kế hoạch triển khai việc đổi mới phương thức kiểm tra đánh giá kết quả học tập môn Ngữ văn ở trường phổ thông theo định hướng phát triển năng lực người học với cách thức xây dựng đề thi/kiểm tra và đáp án theo hướng mở; tích hợp kiến thức liên môn; giải quyết vấn đề thực tiễn.
Để chuẩn bị cho Hội thảo (dự kiến được tổ chức tại Hà Nội trung tuần tháng 4/2014), báo Giáo dục và Thời đại giới thiệu một số bài thảo luận về vấn đề nêu trên.
Xin mời các ý kiến trao đổi, góp ý cho bài viết này gửi về các địa chỉ sau: nthoan@moet.edu.vn;
ttkdung@moet.edu.vn;
pthien@moet.edu.vn
Trân trọng cảm ơn!
1.1 Về năng lực và năng lực viết
Để có thể trao đổi về đánh giá năng lực viết (ĐGNLV) cần có sự thống nhất về khái niệm năng lực viết (NLV).
NLV là một khái niệm được phát triển từ khái niệm năng lực (NL) được coi là một mục đích trong giáo dục. Năng lực được cấu thành từ những bộ phận cơ bản :
- Tri thức về lĩnh vực hoạt động;
- Kĩ năng tiến hành hoạt động;
- Những điều kiện tâm lí để tổ chức và thực hiện tri thức, kĩ năng đó trong một cơ cấu thống nhất và theo một định hướng rõ ràng, chẳng hạn ý chí - động cơ, tình cảm- thái độ đối với nhiệm vụ,…
Những yếu tố cấu thành trên cho thấy: NL là mục tiêu của giáo dục và của quá trình học tập của học sinh (HS), NL không phải là đối tượng học tập.
Nếu HS được học các kiến thức, kĩ năng, được hình thành các thái độ và hành vi, được vận dụng tổng hợp các kiến thức, kĩ năng, thái độ và hành vi đã học vào giải quyết những vấn đề có thực trong các bối cảnh khác nhau thì HS sẽ có NL.
Phát triển NL cần dựa trên cơ sở phát triển các thành phần của NL (các kiến thức, kĩ năng, thái độ, ...) - trong đó phải được “thực hành”, huy động tổng hợp các thành phần trong các tình huống cụ thể.
Một người có thể có các cấp độ thành thạo khác nhau đối với một NL trong các bối cảnh khác nhau.
Nhìn chung, sự thành thạo một NL được phát triển khi chúng được áp dụng trong các bối cảnh với sự phức tạp tăng dần và một dải các áp dụng.
NLV theo quan niệm trên về NL gồm có các bộ phận cấu thành sau:
- Tri thức về văn bản viết và chiến lược viết (kiểu loại văn bản, cấu trúc văn bản, quá trình viết)
- Kĩ năng viết (viết chữ, viết chính tả, viết theo phong cách ngôn ngữ viết, sử dụng từ và mô hình ngữ pháp trong bài viết, lập dàn ý và phát triển ý bằng tư duy độc lập ...)
- Khả năng thực hiện những nhiệm vụ viết trong các tình huống khác nhau để đáp ứng việc học tập và để đáp ứng cuộc sống
1.2 Cách đánh giá năng lực trong giáo dục
NL là mục tiêu của quá trình giáo dục, điều đó có nghĩa là việc đánh giá kết quả giáo dục theo mục tiêu phải là việc đánh giá năng lực.
Một người học thể hiện được năng lực A hay năng lực B nào đó tức người này phải thể hiện mình có khả năng thực hiện một nhiệm vụ có thực (trong học tập, trong đời sống) ở trong một tình huống.
Trong quá trình thể hiện khả năng thực hiện nhiệm vụ, người học sẽ vận dụng những hiểu biết, những kĩ năng, thái độ và hành vi của mình.
Do vậy việc đánh giá năng lực tập trung nhiều vào sự vận dụng trong tình huống.
Các bằng chứng mà nhà giáo dục cần tìm kiếm qua hoạt động đánh giá năng lực là khả năng giải quyết vấn đề, thực hiện một nhiệm vụ gắn với một tình huống cụ thể.
Điều này yêu cầu các tiêu chí, chỉ số, công cụ dùng để đánh giá NL phải bao gồm các tình huống, các nhiệm vụ hoặc vấn đề mà người học cần thể hiện NL.
2. Đánh giá năng lực viết ở cuối cấp tiểu học
Đánh giá NLV cuối cấp tiểu học là loại hình đánh giá tổng kết. Mục đích của đánh giá này là thu thập kết quả học tập về mạch nội dung viết ở toàn cấp tiểu học, từ đó xác nhận kết quả học của HS, tìm ra những điểm giải pháp điều chỉnh về chương trình, tài liệu, phương pháp dạy học nhằm cải thiện chất lượng học viết của HS.
NLV mà mỗi HS cuối cấp tiểu học cần có được thể hiện : HS có khả năng trình bày rõ ràng ý tưởng của cá nhân về thế giới xung quanh các em bao gồm những vật thể tự nhiên hoặc đồ vật, con vật, cảnh quan, con người, sự việc bằng các văn bản có mục đích trần thuật, miêu tả, trao đổi thông tin, báo cáo, thiết lập mối quan hệ giữa mình với người khác.
2.1. Thiết kế các nhiệm vụ, vấn đề
Để ĐGNLV của HS cần phải giao cho HS nhiệm vụ viết một văn bản hoàn chỉnh với một mục đích cụ thể trong một tình huống xác định.
Ví dụ : yêu cầu HS viết một bài văn miêu tả cần phải nói rõ HS tả cái gì nhằm mục đích gì; yêu cầu HS viết bài văn kể chuyện cần phải nói rõ HS kể chuyện gì, kể để làm gì; yêu cầu HS viết thư phải nói rõ viết thư cho ai, để làm gì ... Sau đây là một số đề bài minh họa :
- Đề số 1 : Em đã biết hoặc đã đến thăm một vài cảnh đẹp. Em hãy viết bài tả một cảnh đẹp em thích để giới thiệu cảnh đẹp đó với một người bạn em chưa đến nơi này.
- Đề số 2 : Em đã học hoặc đọc một số câu chuyện nói về tình thương người. Em viết bài kể lại một câu chuyện em thích nhất trong số những câu chuyện nói trên và nói về những điều em học được từ câu chuyện đó.
- Đề số 3 : Em sống xa ông hoặc bà, cô, chú ... Nhân dịp năm mới, em hãy viết thư cho một người thân nói trên để chúc mừng, thăm hỏi người thân, để kể về tình hình gia đình em, việc học của em cho người thân biết.
2.2. Thiết kế các tiêu chí và chỉ số đánh giá
2.2.1. Thiết kế các tiêu chí đánh giá
Căn cứ vào các bộ phận cấu thành của NLV để xác định các tiêu chí ĐG NLV. Có thể xác định những tiêu chí sau để đánh giá NLV của HS cuối cấp tiểu học :
- Tiêu chí 1 để đánh giá tri thức về văn bản : bài viết đúng kiểu loại văn bản, thể hiện đúng mục đích viết để đáp ứng yêu cầu của tình huống cụ thể
Ví dụ: Nếu là bài văn viết theo đề số 1 thì bài viết phải đúng là bài miêu tả, mục đích của bài là trình bày vẻ đẹp của cảnh để người bạn biết cảnh đẹp đó và mong muốn đến thăm cảnh đẹp.
- Tiêu chí 2 để đánh giá kĩ năng lập ý, bộc lộ thái độ với vấn đề được đề cập : bao gồm các kĩ năng thu thập thông tin cốt lõi từ các nguồn khác nhau, tổ chức thông tin thành các đoạn ý, phát triển ý trong đoạn bằng mô tả, phân tích, suy luận, bộc lộ cảm xúc hoặc tưởng tượng của cá nhân.
Ví dụ: Nếu là bài văn viết theo đề số 1 thì bài viết cần thể hiện dàn ý rõ ràng gồm 3 phần (mở bài, thân bài, kết bài); phần thân bài cần gồm nhiều đoạn ý; mỗi đoạn ý thể hiện một chi tiết về cảnh đẹp, trong đoạn gồm có những thông tin cốt lõi, tiêu biểu về cảnh được kết nối bằng sự mô tả, phân tích, suy luận hoặc bộc lộ cảm xúc của cá nhân.
- Tiêu chí 3 để đánh giá kĩ năng sử dụng ngôn từ : bao gồm, kĩ năng viết chữ và trình bày bài, kĩ năng chính tả; kĩ năng sử dụng từ, đặt câu phù hợp với kiểu văn bản.
Ví dụ: Nếu là bài văn viết theo đề số 1 thì bài viết không mắc nhiều lỗi về kiểu , cỡ chữ viết, về quy tắc chính tả, về dùng từ không chính xác hoặc không gợi tả hình ảnh, âm thanh ... về đặt câu không đúng chuẩn mực ngữ pháp.
2.2.2. Thiết kế các chỉ số đánh giá
Thiết kế các chỉ số đánh giá thực chất là mô tả các mức độ đạt được ở từng tiêu chí đánh giá đã được xác lập.
Chỉ số đánh giá giúp chủ thể đánh giá có thể lượng hóa được kêt quả học tập HS đạt được. Chỉ số đánh giá có đặc điểm là có thể đo được, đếm được, quan sát được.
Chính những chỉ số đánh giá mang đến cho người đánh giá các bằng chứng về kết quả học của HS.
Dưới đây là ví dụ về thiết kế chỉ số đánh giá bài viết của HS theo đề số 1 (miêu tả cảnh đẹp) :
2.3 Thiết kế hướng dẫn chấm điểm
Việc thiết kế hướng dẫn chấm điểm bài viết căn cứ vào các chỉ số đánh giá và căn cứ vào trọng tâm của chương trình. Điểm sẽ được phân bố cho tất cả các chỉ số đánh giá.
Trọng số điểm nhiều hay ít cho từng nhóm chỉ số, từng chỉ số tùy thuộc vào chương trình. Ví dụ ở lớp 5 trọng điểm cho kĩ năng viết chữ, viết chính tả sẽ thấp hơn trọng số này ở lớp 3.
Lí do là các kĩ năng này về cơ bản đã được hoàn thành ở lớp 3, là nội dung trọng tâm của lớp 3. Mặt khác, trọng số điểm cho các chỉ số lập ý ở lớp 5 cao hơn lớp 3 vì kĩ năng lập ý ở lớp 5 là trọng tâm của chương trình, hơn nữa nhiệm vụ viết ở lớp 5 đòi hỏi phức tạp hơn nhiệm vụ viết ở lớp 3. (Xem chú thích điểm trong bảng các chỉ số đánh giá ở mục 2.2.2).
Theo bảng hướng dẫn chấm điểm, giáo viên biết được mỗi HS đạt kết quả từng chỉ số về viết ở mức nào.
GV cũng có thể tổng hợp kết quả về viết ở từng chỉ số của HS toàn lớp, toàn trường để từ đó dùng làm căn cứ cho nhiều hoạt động khác như : lập kế hoạch luyện tập cho HS những kĩ năng còn yếu, bổ sung cho HS những kiến thức bị trống, bồi dưỡng để phát triển những HS có triển vọng vì đã đạt các chỉ số trên chuẩn …