Đánh giá 63 Cổng dịch vụ công cấp tỉnh, thành phố: Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến chỉ đạt 17%

GD&TĐ - Chuyên gia đánh giá tỷ lệ hồ sơ trực tuyến vẫn chưa đạt yêu cầu và chất lượng dịch vụ trên cổng dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế.

Đánh giá 63 Cổng dịch vụ công cấp tỉnh, thành phố: Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến chỉ đạt 17%

Ngày 21/8, tại Hà Nội, diễn ra tọa đàm “Đánh giá 63 Cổng Dịch vụ công (DVC) cấp tỉnh từ góc độ người dùng năm 2024” do Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức.

Đánh giá 63 Cổng dịch vụ công cấp tỉnh 1.JPG
Toàn cảnh tọa đàm “Đánh giá 63 cổng dịch vụ công cấp tỉnh từ góc độ người dùng năm 2024".

Tọa đàm có sự tham gia của ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam (VDCA); bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam; bà Đỗ Thanh Huyền, Chuyên gia Phân tích Chính sách công, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam; ông Nguyễn Đức Lam, Cố vấn chính sách, Viện nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông IPS và 240 đại biểu đại diện từ Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp và Văn phòng UBND của 63 các tỉnh, thành phố trên khắp cả nước, tham dự trực tiếp và trực tuyến.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch VDCA đánh giá các cổng dịch vụ công trực tuyến đã đáp ứng đúng nhu cầu của kỳ vọng của người dân, tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm hạn chế.

“Trong bối cảnh Chính phủ số, các cổng dịch vụ công trực tuyến giữ vai trò then chốt, kết nối Nhà nước với người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, dù đã có nhiều cải tiến từ năm 2021, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến chỉ vẫn chưa đạt yêu cầu và chất lượng dịch vụ còn hạn chế", ông Hồng phát biểu.

Đánh giá 63 Cổng dịch vụ công cấp tỉnh 2.JPG
Ông Nguyễn Minh Hồng phát biểu tại tọa đàm.

Giải thích cho vấn đề tỷ lệ hồ sơ trực tuyến thấp, ông Nguyễn Đức Lam, Cố vấn chính sách, Viện nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông IPS, đưa ra nhiều lí do, nguyên nhân chính xuất phát từ quy trình, thủ tục hành chính phức tạp và thiếu công khai, minh bạch.

“Một trong những nguyên nhân gốc rễ của những bất cập, vướng mắc trong cung cấp DVC trực tuyến hiện nay là chưa giải quyết được quy trình, thủ tục hành chính vốn đã phức tạp, chồng chéo, qua nhiều tầng nấc, khâu trung gian, nhiều yêu cầu về giấy tờ, thủ tục được xem là không cần thiết. Bên cạnh đó, quy trình giải quyết thủ tục hành chính chưa được công khai đầy đủ, dễ thấy trên Cổng DVC, gây khó khăn cho người dùng trong việc nắm bắt cũng như theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ của mình", ông Lam chia sẻ.

Đánh giá 63 Cổng dịch vụ công cấp tỉnh 3.JPG
Ông Nguyễn Đức Lam trình bày kết quả nghiên cứu.

Về chất lượng dịch vụ, kết quả nghiên cứu cho thấy, có đến 60 Cổng DVC chưa đạt ở tiêu chí về bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư; 39 Cổng DVC chưa đạt ở tiêu chí về mức độ tiếp cận đối với người khuyết tật.

Hầu hết các Cổng DVC mới chỉ đạt mức trung bình về độ tương thích với cả máy tính và điện thoại thông minh.

Không có cổng DVC nào đạt quá 50% số tiêu chí ở mức "tốt" và sự khác biệt về điểm số đánh giá giữa các nhóm tỉnh, thành phố là không đáng kể.

Đánh giá 63 Cổng dịch vụ công cấp tỉnh 4.png
Kết quả rà soát hiệu quả phục vụ người dùng của 63 Cổng DVC phân theo 5 mức độ

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, cho biết, so với kết quả rà soát năm 2023, nhiều địa phương đã nâng cấp cổng dịch vụ công để bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ công trực tuyến cho người khuyết tật.

Tuy nhiên, như nghiên cứu này đã chỉ ra, cần cải thiện hơn nữa các dịch vụ công trực tuyến bảo đảm tính thuận tiện, tính dễ sử dụng và dễ tiếp cận cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người dân còn nhiều khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo và nhóm dân cư dễ bị bỏ lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số.

Đánh giá 63 Cổng dịch vụ công cấp tỉnh 5.JPG
Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc.

Theo báo cáo nghiên cứu tại tọa đàm, điều quan trọng nhất sự cần thiết phải chuyển đổi tư duy về môi trường số, tập trung vào việc xây dựng các chính sách và triển khai DVC trực tuyến từ góc độ "quản trị số", trong đó chú trọng thúc đẩy tương tác tự nhiên trên môi trường số giữa bên cung ứng và bên sử dụng DVC trực tuyến.

Ứng dụng công nghệ số và kết nối dữ liệu cần được thực hiện một cách linh hoạt để gỡ bỏ các rào cản hành chính, đồng thời đảm bảo dữ liệu được chia sẻ và kết nối hiệu quả.

Các văn bản pháp luật liên quan tới quy trình, thủ tục hành chính cần được sửa đổi để phù hợp hơn với môi trường số.

Việc thực hiện các thủ tục hành chính không theo địa giới hành chính cũng cần được chú trọng. Trong thời gian tới, có thể hướng đến 2030, cần thiết lập một đầu mối quốc gia cung cấp DVCTT tại một Cổng DVC chung duy nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.