Một trường hợp bệnh nhân là cụ ông gần 70 tuổi bị đột quỵ não mới được chuyển đến Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Đáng chú ý, quá trình khai thác bệnh sử, các bác sĩ giật mình với cách xử trí nguy hiểm của gia đình bệnh nhân.
Cụ thể, bệnh nhân bị đột quỵ não tại nhà, lúc này, người con trai nhớ đã nghe đâu đó cách sơ cứu chích máu ở tai. Người này liền lấy một con dao sắc cứa tai bệnh nhân để chích máu ra. Sau đó, anh cuống cuồng đi tìm kim để chích máu các đầu ngón tay, nhưng không tìm thấy.
Rồi bệnh nhân nhanh chóng được gia đình đưa đến bệnh viện tỉnh. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu não cấp do tắc mạch lớn.
Các bác sĩ tiến hành điều trị tiêu sợi huyết sau khi đánh giá các tổn thương ở tai bệnh nhân không quá nguy hiểm, có thể cầm máu, đồng thời chuyển bệnh nhân tới Trung tâm Đột quỵ, Bạch Mai để lấy huyết khối cơ học.
Sau điều trị, hiện sức khỏe bệnh nhân hiện cải thiện; vết thương ở tai đã khô sạch và không chảy máu.
Tương tự bệnh nhân trên, các bác sĩ cho biết, thực tế, có nhiều trường hợp nghe theo lời mách truyền miệng, thậm chí theo lời khuyên không có cơ sở từ người quen dẫn tới hậu quả nguy hiểm cho bệnh nhân như trường hợp một bệnh nhân hơn 60 tuổi khác ở Hà Nội.
Bệnh nhân trước đó có thể trạng sức khỏe rất tốt. Thời gian 6 tháng gần đây, ông đi kiểm tra sức khỏe thì phát hiện ra loạn nhịp tim hoàn toàn.
Vì lo lắng và để phòng ngừa các biến cố tim mạch, đột quỵ não, các bác sĩ kê thuốc sintrom chống đông, giải thích lợi ích nguy cơ và dặn dò ông cần tuân thủ chặt chẽ và tái khám thường xuyên để kiểm soát đạt mục tiêu điều trị.
Một lần cách đây 2 tháng, bệnh nhân được một người bạn khuyên nên bỏ thuốc vì nguy cơ chảy máu khó cầm do thuốc làm máu loãng, ông liền nghe theo mà không hỏi ý kiến bác sĩ.
Vì hành động này khiến mới đây, bệnh nhân phải vào Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng nhồi não cấp do tắc động mạch lớn, nguyên nhân là do loạn nhịp tim.
Tại đây, ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ Trung tâm Đột quỵ và Điện quang đã áp dụng các biện pháp điều trị tối đa: Lấy huyết khối cơ học, tập phục hồi chức năng… Tuy nhiên, tổn thương trên não quá lớn, kèm với bệnh tim phức tạp, nên cơ hội phục hồi của bệnh nhân chỉ được phần nào.
Các bác sĩ nhận định, nếu bệnh nhân tuân thủ lời dặn của bác sĩ, không bỏ thuốc, đi khám thường xuyên thì có lẽ đã không xảy ra sự việc đáng tiếc này.
Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng lưu ý đặc biệt, người nhà tuyệt đối không áp dụng những kiến thức truyền miệng sơ cứu đột quỵ hoàn toàn sai lầm như trường hợp bệnh nhân nêu trên.
Theo y học cổ truyền vẫn sơ cứu cho những người bị đột quỵ bằng cách chích máu ở mười đầu ngón tay (huyệt thập tuyền). Tuy nhiên, nên sử dụng bút đo đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường để trích máu, tránh đau cho người bệnh.
Đặc biệt, phải lưu ý là chỉ trong trường hợp đã xác định rõ người bị đột quỵ mới được thực hiện, sau đó phải đưa người bệnh đến bệnh viện gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Do đó, chỉ chích máu ở đầu ngón tay khi xác định rõ bệnh nhân đột quỵ.
Các bác sĩ cho biết, nhiều triệu chứng của đột quỵ não rất dễ nhầm với các nhóm bệnh khác mà chỉ người có chuyên môn mới phân biệt và cấp cứu đúng.
Do vậy, khi thấy ai đột ngột xuất hiện các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, tê bì, tự nhiên ngã ra, ngất xỉu... nếu không phải người có chuyên môn, tuyệt đối không được can thiệp bằng việc châm, chích, không được cho ăn uống bất kỳ gì mà phải để bệnh nhân bất động, gọi cấp cứu 115, hoặc nhanh chóng cố định bệnh nhân trên xe, trên cáng, tránh va đập khiến tình trạng có thể trầm trọng hơn, sau đó đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Bác sĩ đặc biệt khuyến cáo với người bị hạ đường huyết khi chích máu đầu chi có thể làm tình trạng trở nên trầm trọng.