Cách đây tròn 100 năm, trên tạp chí Nam Phong xuất bản ở Hà Nội, đăng liên tiếp 3 kỳ ký sự Một tháng ở Nam kỳ của Phạm Quỳnh, với những mô tả chi tiết về Sài Gòn thời đó.
Chuyến đi năm đó của Phạm Quỳnh, chủ nhiệm tạp chí Nam Phong, kéo dài từ cuối tháng 8 đến cuối tháng 9/1918. Ông đi từ Hải Phòng trên chiếc tàu thủy Porthos, sau 4 ngày cập cảng Sài Gòn để ghi nhận những ấn tượng về một vùng đất mới.
Loạt ký sự Một tháng ở Nam kỳ của ông được đăng trên Nam Phong - tạp chí trong ba kỳ không liên tục, từ tháng 11/1918 đến tháng 2/1919. Gần đây, bài du ký này đã được in trong cuốn Mười ngày ở Huế của Nhà xuất bản Văn học (2001), hoặc in riêng thành một quyển (NXB Hội nhà văn, 2018).
Ông kể lại: “Tàu đi cả thảy hai ngày rưỡi ba đêm, đường đi tới hơn một ngàn rưởi km. Tang tảng sáng ngày thứ tư đã vào tới cửa Sài Gòn. Sài Gòn cách biển những 60 km nên từ cửa Cần Giờ vào, đi ngược con sông Sài Gòn, còn phải mất mấy giờ đồng hồ. 7h sáng thì tàu vừa ghé bến. Trông dưới bến đã thấy nhan nhản những người ra đón anh em bà con sắp ở tàu xuống”.
Cầu Khánh Hội
Phạm Quỳnh tả lại cảm tưởng đầu tiên khi tiếp xúc với cảnh sắc, khí vị của Sài Gòn: “Khi đã ngồi trên xe kéo, chạy qua cầu Khánh Hội, hô hấp cái không khí mát buổi sáng, mới bắt đầu tiếp xúc cái cảnh sắc, cái khí vị đất Sài Gòn từ đấy.
Ngay lúc mới đầu ấy đã biết ngay cái cảnh sắc ấy là cảnh sắc một nơi thành phố Tây, cái khí vị ấy là khí vị một chốn đô hội lớn. Nhân thể đi dạo chơi trong mấy đường phố lớn. Đường có tiếng nhất ở Sài Gòn là đường Catinat (đường Đồng Khởi ngày nay)”.
Đường Catinat
Ông mô tả về đường Caninat cách đây 100 năm: “Kể to lớn thì đường Catinat chưa phải là to lớn nhất ở Sài Gòn. Nhưng cũng như đường Paul Bert ở Hà Nội (nay là phố Tràng Tiền) là nơi người Tây đến lập phố trước nhất, rồi sau mỗi ngày một bành trướng mãi ra, thành nơi trung tâm, đâu đâu cũng đổ xô về đấy, các đường mở sau đều tiếp phụ xung quanh. Đông đúc phồn thịnh đến nỗi đã phải mở một con đường chạy dọc theo, to lớn rộng rãi hơn nhiều, gọi là đường Charner (đường Nguyễn Huệ ngày nay)”.
“Nhất là ngày Chúa nhật, sau khi tan lễ nhà Thờ Chánh, không cảnh tượng gì đẹp bằng đường Catinat chừng hồi 9-10h. Đàn ông, đàn bà, con trai, con gái, người Tây, người Nam, ăn bận rất lịch sự, ở nhà thờ ra đi dạo qua các cửa hàng, lũ lượt như ngày hội. Thật là nghiễm nhiên ra cái cảnh tượng một nơi đại đô hội, đương buổi quốc dân phong phú, thiên hạ thái bình”.
Khách sạn Continental Sài Gòn
“Các cửa hàng lớn, hàng tây, hàng ta (phần nhiều người Bắc kỳ), hàng Chà (phần nhiều người Bombay bên Ấn Độ), hàng khách, chen nhau xin xít. Lại thêm có mấy nhà khách sạn lớn, nhà chớp bóng, nhà hát, nên chiều chiều cứ từ 5h trở đi kẻ đi người lại như nước chảy.
Người sang trọng, kẻ thượng lưu, tất mỗi buổi phải dạo qua đường Catinat một lượt mới là nền. Những trai thanh gái lịch đất Sài Gòn lấy đấy làm chốn cực phẩm phong lưu.
Trên đường thì xe hơi không biết mấy trăm mấy chục mà kể, tiến lên êm như ru, như vô số những làn sóng tự ngoài xa đưa lại, dạt cả bên bờ nhà".
Chợ Bến Thành
Phạm Quỳnh bình luận về đường phố Sài Gòn: “Người ta thường gọi Sài Gòn là cái “hạt báu của Á Đông” (la perle de l’Extrême-Orient). Tôi chưa từng được biết những nơi đô hội lớn ở Á Đông, như Hương Cảng (Hong Kong), Thượng Hải, Tân Gia Ba (Singapore), nhưng chắc rằng những nơi ấy tuy có lớn, có đông, có sầm uất phồn thịnh hơn, mà về cách sửa sang sắp đặt, về cái quy mô các đường phố, các lâu đài, về cái vẻ chỉnh đốn sạch sẽ, mĩ miều khả ái, trơn chu mà sán lạn như hạt châu mới rửa, thì còn kém Sài Gòn nhiều”.
“Đường phố như vẽ bằng tay, kẻ bằng thước, đều đặn, thẳng thắn, rộng rãi khang trang, nhiều đường ở giữa lại để những khoảng rộng trồng cỏ, đặt những tượng đồng kỷ niệm, chiều đến hàng trăm cái đèn điện lớn chiếu sáng như một dãy dài những quả ba lông (bóng bay) lấp loáng thả phấp phới ngay trên giữa đường phố, coi rất là ngoạn mục”.
Dinh Norodom 1873
Phạm Quỳnh bày tỏ sự thán phục đặc biệt với kiến trúc Dinh Norodom, nơi làm việc của Thống đốc Nam kỳ và sau đó là Toàn quyền Đông Dương (tòa nhà đã bị phá hủy thời chính quyền Việt Nam Cộng hòa, sau được xây lại thành Dinh Độc Lập ngày nay): “Đẹp nhất, coi trang nghiêm nhất là con đường đi thẳng vào phủ Toàn quyền (người Sài Gòn thường gọi là tòa Chánh soái).
Hai bên có hai khu vườn trồng những cây lớn, tối trông như hai đám rừng nhỏ, ở giữa một con đường rộng chạy thẳng băng tự đầu tỉnh đằng kia cho tới ngang cửa phủ. Coi thật là có bề thế, có vẻ tôn nghiêm, xứng đáng với một nơi tướng phủ. Mà phủ Toàn quyền ở đây, quy mô cũng đẹp hơn ở Hà Nội”.
“Sài Gòn còn nhiều những dinh thự cùng các nhà công sở đẹp lắm, như nhà dây thép, tòa án, dinh quan Thống đốc Nam Kỳ (tức trong ấy gọi là dinh Phó soái), nhà hát tây…”, nhà báo, học giả nổi tiếng nhận xét...
Tòa Thị sảnh
...“Nhưng đẹp nhất là nhà Thị sảnh Sài Gòn (Hôtel de ville, trong ấy gọi là nhà “xã tây”, vì ông đốc lý thành phố tục kêu là ông xã tây)”.
Tòa đô sảnh
Ông mô tả cho độc giả của mình về tòa thị sảnh Sài Gòn: “Kiểu đại khái cũng giống như các nhà thị sảnh bên Tây, trên có cái chòi vuông mấy từng cao chót vót. Mặt trước trông thẳng ra đường Charner (đường Nguyễn Huệ ngày nay) vừa dài vừa rộng, đi đằng xa lại, coi cũng có cái vẻ trang nghiêm, xứng đáng làm nơi công sở của một chốn đô hội lớn như Sài Gòn. Chẳng bì với nhà Đốc lý Hà Nội ta, thật so sánh mà thẹn thay. Mà Hà Nội lại là nơi thủ đô của Đông Dương”.
Nhà thờ Đức Bà
Tác giả cũng so sánh Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn với Nhà thờ Lớn Hà Nội: “Nhà thờ Sài Gòn tuy không có cái nền đá cao như Nhà thờ Hà Nội, mà có hai cái tháp nhọn cao ngất trời, những khi trời sáng sủa đi từ ngoài VũngTàu (Cap Saint Jacques) cũng trông rõ.
Nhà thờ Đức Bà và Bưu điện Sài Gòn
Lại nhà dây thép (Bưu điện Sài Gòn), trong gian giữa có cái tượng đồng người đàn bà ngồi trên quả địa cầu, để biểu hiện cái tin tức của người ta nhờ dây thép mà truyền được đi khắp thế giới, coi cũng mạnh mẽ và có ý tứ lắm”.
“Chợ Mới Sài Gòn cũng có cái nhà chòi ở cửa giữa thật là vĩ đại, vừa cao vừa vững vàng lực lưỡng, coi như một cái pháo đài vậy”, Phạm Quỳnh miêu tả chợ Bến Thành và tiếp tục so sánh với Hà Nội.
“Mà trong chợ thì rộng mênh mông, chợ Đồng Xuân Hà Nội chẳng thấm vào đâu. Nói tóm lại, cái hình thức của thành phố Sài Gòn sánh với thành phố Hà Nội còn hơn nhiều. Từ cách đặt đường phố cho đến cách dựng cửa nhà, từ cách thắp đèn điện cho đến cách đặt máy nước ở các nhà, cho đến cách tuần phòng vệ sinh trong phố xá, nhất nhất đều có tiến bộ hơn Hà thành ta cả”.
Lăng Ông Bà Chiểu
Ngoài Sài Gòn, Phạm Quỳnh cũng đi thăm tỉnh lị Gia Định, thăm những thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh này là Lăng Ông và Lăng Cha Cả. Ông giải thích: “Lăng Ông” tức là mộ quan Tả quân Lê Văn Duyệt, “Lăng Cha Cả” tức là mộ cụ Giám mục Bách Đa Lộc (évêque d Adran).
“Hai người đều có công to với Đức Cao Hoàng ta ngày xưa (vua Gia Long). Nay mộ các ngài người dân kêu là “lăng” là có ý suy tôn cái công nghiệp lớn của hai ngài. “Lăng Ông” ở ngay giữa tỉnh lỵ, sau có cái điện thờ, gọi là “miếu”.
Lăng cha Cả
“Lăng Cha Cả thì ở xa hơn về phía Bắc một chút. Nơi đó mát mẻ thanh thú, tĩnh mịch êm đềm, thật là xứng đáng làm chỗ ở sau cùng của một bậc đạo nhân đôn hậu. Lăng xây kín như kiểu một cái đình lối ta. Chính mộ Cha Cả là cái sập đá to ở giữa, xung quanh đặt cửa bức bàn. Sau lưng lăng Cha Cả có cái mộ địa chôn các cố đạo”.
Phạm Quỳnh kết luận về Sài Gòn nói riêng và lục tỉnh Nam kỳ 100 năm trước: “Ở Sài Gòn thật là có cái cảm giác một nơi đô hội mới, nghĩa là một nơi đô hội theo lối tây. Vào đến Chợ Lớn thì lại ra cái cảm giác một nơi đô hội theo lối tàu. Còn các châu thành khác ở lục tỉnh, thì những nơi quan sở là tây mà chốn phố phường là tàu, phần An Nam thật ít lắm. Xét về phương diện đó thì những đô hội Bắc kỳ tuy coi cũ kỹ mà còn có cái vẻ An Nam hơn”.