Trước "làn sóng" tự tử nêu trên, nhiều người đổ lỗi cho đại dịch Covid-19, nhưng nguyên nhân thực sự xuất phát từ… truyền thống.
Tăng đột biến trong đại dịch
Thái Lan là quốc gia Đông Nam Á có diện tích 513.120 km2 và dân số gần 70 triệu người. Năm 2019, trước khi bị ảnh hưởng của Covid-19, họ đã là quốc gia có tỷ lệ tự tử cao: 14,4/100.000 dân.
Cùng năm này, theo thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ tự tử trung bình toàn cầu là 10,5/100.000 người. Tại khu vực Đông Nam Á, nếu trừ Thái Lan, tỷ lệ này dao động từ 3,2 (Philippines) - 11,2 (Singapore)/100.000 dân.
Trung bình cứ sau mỗi 10 phút, Thái Lan lại có một vụ tự tử. Vào năm 2020, số các vụ tự tử đột ngột tăng mạnh. Theo báo cáo từ WHO, chỉ trong nửa đầu năm 2020, số vụ tự tử ở đây đã lên tới 2.551, tăng 22% so với nửa đầu năm 2019.
Phần lớn người Thái Lan tự tử là dân cư thuộc tầng lớp nghèo. Họ bao gồm những nông dân từ quê ra tỉnh mưu sinh, người hành nghề mại dâm, nhân viên du lịch… Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng tự tử là ảnh hưởng từ đại dịch.
Nền kinh tế Thái Lan phụ thuộc nhiều vào ngành du lịch, đặc biệt là du khách nước ngoài. Chỉ riêng doanh thu từ dịch vụ du lịch ngoại quốc đã chiếm 12% tổng thu nhập quốc nội. Nó tạo dựng công ăn việc làm cho hàng triệu người.
Năm 2020, Covid-19 hoành hành khắp thế giới. Tại Thái Lan, nó cướp đi hàng triệu công ăn việc làm. Giữa mùa đại dịch, Unyakarn Booprasert (59 tuổi) rơi vào tình cảnh thất nghiệp, không một xu dính túi và không có ai để nhờ vả. Bà buộc phải chia gói mỳ ăn liền thành 3 phần, chống đói qua 3 bữa 1 ngày.
Hy vọng duy nhất của Booprasert là được chính phủ duyệt đơn xin trợ cấp. Nửa đầu năm 2020, Thái Lan có chính sách hỗ trợ người nghèo đói vượt qua Covid-19 bằng gói 15.000 baht/3 tháng/người (khoảng 11,2 triệu đồng). Sau khi tiến hành thực thi gói cứu trợ này, họ nhận được hàng chục triệu đơn. Trong số đó, có 15 triệu đơn bị từ chối, do “chưa đủ điều kiện”.
Booprasert nằm trong số 15 triệu người bị trả đơn. “Khi tôi đến Bộ Tài chính khiếu nại, họ không buồn nghe tôi nói”, bà bức xúc. Quá giận dữ, Booprasert uống thuốc diệt chuột tự tử ngay trước cổng bộ. “Tôi muốn lấy chính tính mạng của mình ra thể hiện nỗi bất mãn”, bà nói.
Ảnh hưởng của tín ngưỡng
Nếu như ở Nhật Bản, tự sát là “hành động danh dự”, được thực hiện như cách thức chuộc tội hoặc nhận trách nhiệm thì ở Thái Lan, nó đại diện cho sự phản kháng và buông bỏ. Tín ngưỡng Phật giáo ở Thái Lan quan niệm, “đời là bể khổ” và “người đàn ông chỉ có thể thoát khỏi đau đớn khi tự kết liễu bản thân”. Thay vì nỗ lực vượt qua khó khăn, người Thái Lan có xu hướng tự vẫn, đặt hy vọng vào kiếp sau.
Tại khu vực phía Bắc của Thái Lan, nếu người dân phải chịu đựng khốn khổ, túng quẫn hoặc bị nghi oan thường tìm đến giải pháp cuối cùng là tự tử. Họ tự treo cổ hoặc uống các chất độc hại có sẵn trong nhà.
Từ những năm đầu tiên của thế kỷ XXI, tỷ lệ tự tử ở Thái Lan khoảng 7 - 8/100.000 người. Nó cao hơn ở nam giới trong độ tuổi từ 25 - 29, với tỷ lệ 21,9/100.000 người.
“Mọi người sẵn sàng chết để được giải thoát”, Antonio L Rappa (nhà văn Thái Lan) giải thích. Sau khi được cấp cứu, Unyakarn tuyên bố: “Tôi tin rằng, chính phủ chỉ muốn thoát khỏi người nghèo”. Trường hợp của bà khiến Bộ Tài chính phải tái xem xét, phê duyệt đơn và cấp trợ cấp.
Áp lực lên ngành y
Chăm sóc sức khỏe tinh thần người dân là một trong các ưu tiên hàng đầu của Bộ Y tế Thái Lan.
Trước Covid-19, khoa Sức khỏe Tâm thần của họ có 10 số điện thoại đường dây nóng ngăn chặn tự tử, hoạt động 24/7.
Trong đại dịch, toàn bộ các đường dây nóng này đều bị quá tải. Bộ Y tế buộc phải gia tăng gấp đôi. Dù vậy, bình quân người gọi vẫn phải đợi từ 10 - 12 phút mới có nhân viên trả lời. Hiện tại, tỷ lệ tắc nghẽn đường dây nóng rơi vào khoảng 40 - 45%.
Amornthep Sanju (30 tuổi) xuất hiện các triệu chứng trầm cảm và tâm thần phân liệt cách đây 5 năm. Nhiều lần, anh nghĩ đến chuyện “hay là chết cho xong” và gọi vào đường dây nóng, xin tư vấn. “Không ít lần, tôi nhấn hết số này đến số khác mà không có người trả lời” - Sanju phàn nàn - “Với tôi đã vậy, thì với người khác chắc cũng chẳng khác”.
Thực tế, ngành y tế Thái Lan thiếu hụt các chuyên gia, nhân viên thuộc khoa tâm thần. Vì lượng người bệnh cao, thời gian chờ khám chữa tại các bệnh viện công rất dài.
Mặc dù, họ cũng có nhiều bệnh viện tư, nhưng chi phí điều trị quá cao. “Điều cần thiết nhất bây giờ là tăng cường nguồn lực cho khoa sức khỏe tâm thần”, Varoth Chotpitayasunondh, người phát ngôn của Bộ Y tế Thái Lan cho biết.
Nửa cuối năm 2020, các quan chức Thái Lan từng thảo luận kế hoạch gom hết người vô gia cư (nhóm có tỷ lệ mắc bệnh rối loạn tâm thần và nguy cơ tự tử cao nhất), chia vào các khu tập trung. “Chúng tôi phải xin họ hãy để yên cho những người không nhà không cửa, đừng dồn ép hết vào một chỗ rồi thực hiện lệnh giới nghiêm”, Adchara Saravari, nhân viên của Tổ chức Issarachon (Issarachon Foundation) kể.
Cuối cùng, chính phủ Thái Lan quyết định lập nhóm Đội đặc nhiệm Hy vọng (Hope Task Force). Họ bao gồm các tình nguyện viên và chuyên gia sức khỏe tinh thần, kết nối với toàn bộ người vô gia cư bằng các ứng dụng mạng xã hội như Facebook, TikTok… Bằng cách này, họ vừa thuận lợi theo dõi tình hình,vừa nhanh tay ứng cứu kịp thời.
“Ngay lúc này, chúng tôi đang thiếu nguồn lực trầm trọng, nhưng tuyệt đối không bỏ cuộc” - Varoth thừa nhận và khẳng định - “Chúng ta có thể giải quyết bằng cách giao tiếp nhiều bên, hợp tác nhiều tổ chức, tạo nhiều cơ hội cho mọi người dân Thái Lan kết nối, giúp đỡ lẫn nhau”.
Hiện tại, chính quyền Thái Lan đang tích cực hợp tác với các nhóm phi lợi nhuận, công ty công nghệ, thậm chí là cả ngành công nghiệp giải trí. Họ cố gắng hạn chế sự gia tăng của tỷ lệ người tự vẫn.