Thế giới chao đảo trước cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

GD&TĐ - Chính quyền ông Donald Trump đã và đang đẩy mạnh cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, với mức thuế dự kiến khoảng 200 tỷ USD đánh vào các sản phẩm như cá, xăng dầu, hóa chất, túi, đồ dệt may và các sản phẩm khác, nếu Bắc Kinh không thay đổi thực tiễn thương mại của mình.

Thế giới chao đảo trước cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Mức thuế leo thang

Những đe dọa này được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Trump áp đặt mức thuế 34 tỷ USD lên hàng hóa của Trung Quốc, bao gồm robot, các phần của máy bay và vòng bi. Ông Trump tuyên bố đang tiếp tục chuẩn bị mức thuế trị giá 450 tỷ USD nhằm vào các sản phẩm của Trung Quốc.

Trước đó, chính quyền ông Trump đã đưa ra danh sách chi tiết các sản phẩm sẽ phải đối mặt với mức thuế ông Trump đang đe dọa đặt ra, nếu Bắc Kinh không chiều theo các yêu cầu của Mỹ. Nhà Trắng đang ép Trung Quốc giảm thặng dư thương mại với Mỹ, ngăn chặn các hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ và mở thị trường cho các công ty Mỹ. Cả hai bên đều chưa có dấu hiệu nhún nhường. Trung Quốc đã trả đũa mức thuế của ông Trump với mức thuế trị giá tương đương đánh vào hàng hóa của Mỹ như thịt lợn, thép, ô tô và cáp quang, đồng thời tuyên bố sẽ có những đòn trả đũa tiếp theo.

Chính quyền Trung Quốc cho biết sẽ có những biện pháp đối phó mới để chống lại các mức thuế mới và khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới để xử lý các tranh chấp thương mại.

Hiện vẫn chưa có cuộc thảo luận chính thức nào được lên kế hoạch để giải quyết tranh chấp thương mại. Cuộc chiến thương mại đã bắt đầu ảnh hưởng tới kinh doanh ở cả hai nước, bởi chi phí cho các doanh nghiệp phụ thuộc vào chuỗi cung ứng quốc tế, từ nhà sản xuất đến các nhà bán lẻ và người tiêu dùng sản phẩm.

Chính quyền ông Trump cho biết, làn sóng thuế đầu tiên được dự định nhắm vào các sản phẩm công nghiệp mà chính phủ Trung Quốc trợ cấp và giảm thiểu tác động đối với các hộ gia đình Mỹ. Tuy nhiên, trong khi danh sách các sản phẩm thuế tăng lên, thì số lượng người tiêu dùng và doanh nghiệp cũng cảm thấy ảnh hưởng tăng dần. Cách tiếp cận của Mỹ đã làm dậy lên chỉ trích từ các nhà lập pháp, đặc biệt là người dân từ các bang nông nghiệp. Họ cho rằng, ông Trump đang tiến dần đến một vấn đề nghiêm trọng, có thể gây phản tác dụng.

Thị trường sụt giảm

Cuộc chiến thương mại leo thang của Tổng thống Trump với Trung Quốc đã làm rung chuyển thị trường châu Á. Trung Quốc dẫn đầu thị trường chứng khoán khu vực sụt giảm, với thị trường giảm gần 2%, sau khi chính quyền Trump đe dọa áp thuế mới đối với hàng hóa Trung Quốc.

Các cổ phiếu ở Nhật Bản và Hàn Quốc cũng giảm, mặc dù ít hơn. Đồng tiền của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Trung Quốc nắm giữ chặt chẽ giá trị của đồng tiền của mình, nhưng lượng tiền giao dịch bên ngoài biên giới Trung Quốc có sự suy giảm so với đồng USD.

Cuộc chiến thương mại làm tăng thêm những thách thức của Trung Quốc, bao gồm các dấu hiệu cho thấy nỗ lực nhằm chế ngự vấn đề nợ có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế. Các nhà đầu tư đã chuyển sang trạng thái trượt dài, nguy cơ một hiệu ứng domino trong thương mại toàn cầu đang dần hiển hiện.

Tuần qua, chỉ số chứng khoán chính của Trung Quốc đã giảm 1,9%. Ở thành phố phía Đông của Thâm Quyến, nơi nhiều công nghệ mới và các công ty nhỏ hơn được giao dịch, thị trường đã giảm. Tại Hồng Kông, một chỉ số các công ty lớn nhất Trung Quốc niêm yết đã giảm 1,7%.

Phản ứng tiêu cực cũng xuất hiện ở các thị trường châu Á khác. Tại Tokyo, chỉ số chính giảm 1,1%. Các cổ phiếu ở Seoul giảm ít hơn 1%. Tại Mỹ, chỉ số S&P 500 giảm 0,6%, trong khi chỉ số Dow Jones giảm 0,6%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ