Đang ngồi uống cà phê, anh L.H.N. (48 tuổi, nhà ở Quận 2) cảm thấy mệt, khó thở rồi ngất đi. Khi tỉnh lại, anh ngất thêm lần nữa, rơi vào hôn mê và ngưng tim, ngưng thở. Người thân của anh N. vội vã chở đến Bệnh viện Quận 2, TP.HCM để cấp cứu.
Theo bác sĩ Diêu Hà Lam, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quận 2, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng gần như chết lâm sàng: ngưng tim, ngưng thở, không mạch, không huyết áp, da tái nhợt, người lạnh dần. Các bác sĩ quyết giành giật anh với thần chết.
Bác sĩ Diêu Hà Lam, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Quận 2 |
“Bệnh nhân còn quá trẻ, người nhà đau khổ, vật vã. Nhìn cảnh này, chúng tôi nói với nhau, phải làm hết sức để kéo bệnh nhân khỏi cửa tử. Ngay lập tức, êkíp trực tiến hành hồi sức, sốc điện, dùng thuốc kích huyết áp thì bệnh nhân rung thất. Sau đó bác sĩ tiếp tục hồi sức khoảng 5 phút, tim anh N. đập trở lại”, bác sĩ Lam cho biết.
Vì anh N. rung thất trong khi hồi sức, các bác sĩ nghi ngờ anh bị nhồi máu cơ tim, nên lập tức liên lạc với bệnh viện tuyến trên để tiếp tục cấp cứu thông động mạch vành.
Sau khi xem xét tình trạng bệnh, bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Quận 2 đã trực tiếp gọi điện thoại đến Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương nhờ hỗ trợ.
Nhờ cuộc gọi báo động đỏ liên viện này, chỉ trong 20 phút, anh N. được đưa đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định và sẽ xuất viện trong thời gian tới.
Theo bác sĩ Lam, khi một người cảm thấy đau ngực trái, đau lan sang vai, sườn, mệt, choáng váng, vã mồ hôi... cần được đưa ngay vào bệnh viện vì rất có thể bị nhồi máu cơ tim. |
Bác sĩ Lam nhận định, nếu anh N. nhập viện trễ có thể bị tổn thương não không hồi phục. Thời gian tới, bệnh nhân cần kiểm tra sức khỏe định kỳ vì khả năng tái phát nhồi máu cơ tim rất cao.