Tại sao cơ thể lại gầy?
Ăn kém, ngủ kém
Thường xuyên có cảm giác chán ăn hoặc ăn ít do hệ tiêu hóa hoạt động không tốt khiến dinh dưỡng vào cơ thể hàng ngày không đủ, lâu dần dẫn đến tình trạng mệt mỏi, gây bệnh cho các cơ quan trong cơ thể. Ngoài ra, thói quen thức khuya, ngủ ít của một số người cũng dẫn đến tình trạng khó tiêu, đầy hơi, mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng.
Chế độ dinh dưỡng không cân đối
Thói quen kén ăn, hay bữa ăn chỉ tập trung vào 1-2 món chính, ít đổi món của một số gia đình có thể gây ra sự thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng. Những biểu hiện ban đầu có thể chỉ là thể trạng gầy, về sau, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và sự linh hoạt của các cơ quan trong cơ thể.
Ăn uống tốt nhưng không hấp thụ được
Một rắc rối mà nhiều người gầy hay gặp phải là khả năng hấp thu kém. Nhiều người lầm tưởng, cứ ăn được nhiều sẽ béo lên. Tuy nhiên, trên thực tế, cơ thể không thể sử dụng trực tiếp các loại thức ăn chúng ta ăn vào hàng ngày mà cần qua một quá trình chuyển hóa thức ăn thành các chất dinh dưỡng. Quá trình này sẽ bị hạn chế nếu:
- Các lợi khuẩn đường ruột hoạt động kém.
- Cơ thể thiếu một số khoáng chất cần cho quá trình chuyển hóa dinh dưỡng.
- Mắc một số bệnh như đau dạ dày, táo bón... ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan tiêu hóa.
Các giải pháp giúp người gầy tăng cân
Điều chỉnh thời gian ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý
Một thời gian biểu hợp lý, kết hợp vận động, ăn uống, nghỉ ngơi sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh và kích thích cảm giác thèm ăn ở người gầy.
Chế độ ăn cân bằng các chất dinh dưỡng là điều kiện quan trọng cho một quá trình tăng cân bền vững. Theo lời khuyên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một bữa ăn cần có đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng là: đạm (bao gồm cả đạm động vật và thực vật): 12-14%, chất béo 18-20%, chất đường bột chiếm 65-70%, vitamin và chất khoáng.
Tích cực luyện tập thể thao
Động tác 1:
Nằm thẳng xuống sàn, lưng chạm đất, 2 tay đặt phía sau gáy. Chân trái giơ lên, phần đùi và phần bắp chân gập một góc 90 độ, tiếp theo đến chân phải, sao cho 2 chân đặt sát và song song với nhau.
Bắt đầu động tác nâng 1/2 người trên lên, 1/2 người dưới giữ nguyên trong tư thế đó. Nâng lên hạ xuống 8 lần.
Động tác 2:
Giữ đầu và tay trong tư thế nâng lên, kết hợp với bài tập chân. Trong lúc chân co vào và thẳng ra thì đầu và tay vẫn giữ nguyên tư thế đó.
Kéo đồng thời 2 chân thẳng dài hết sức, một góc 45 độ so với mặt sàn. Tiếp sau đó lại co vào ở tư thế ban đầu. Thực hiện 8 lần động tác này.
Động tác 3:
Giữ nguyên chân ở tư thế duỗi thẳng, một góc 45 độ so với mặt sàn. Hai tay kéo thẳng, chéo lên hướng đầu. Giữ tư thế này trong 10 nhịp đếm từ 1 - 10.
Động tác 4
Tiếp theo, vẫn giữ người ở tư thế cuối của động tác 3. Hai tay kéo ngang sang 2 bên rồi chạy xuống song song ở phần trên hông. Đầu rướn lên, không chạm đất.
Hai tay đánh lên, xuống nhanh và mạnh, làm liên tục với 10 nhịp đếm như vậy.
Động tác 5
Co 2 chân ép sát bụng, 2 tay ôm lấy phần đầu gối.
Sau khi thở sâu, đặt 2 tay úp xuống nền sàn, 2 chân giơ thẳng lên trên một góc 90 độ so với sàn.
Giữ tư thế này kết hợp đồng thời với hít vào thở ra 8 nhịp, hơi đẩy phần chân lên.
Động tác 6
Để tay gấp xuống sau gáy, 2 chân để gấp khoanh sao cho 2 mép chân ngoài chạm đất. Giữ tư thế này và chỉ rướn phần đầu lên 8 nhịp.
Kết thúc: Co 2 chân lên ép sát vào phần bụng, 2 tay ôm đầu gối và bật dậy.
Những động tác này tưởng như đơn giản nhưng rất hiệu quả cho việc kích thích cơ vận động và tăng khả năng hấp thụ chất cho cơ thể ngày một tốt hơn.