Đăng ký thi, xét tuyển bằng mã định danh: Tối ưu và thuận lợi

GD&TĐ - Theo dự kiến của Bộ GD&ĐT, năm nay thí sinh thực hiện đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non bằng hình thức trực tuyến.

Sử dụng mã định danh trong đăng ký, xét tuyển ĐH – CĐ là bước đi đột phá trong chuyển đổi số. Ảnh minh họa
Sử dụng mã định danh trong đăng ký, xét tuyển ĐH – CĐ là bước đi đột phá trong chuyển đổi số. Ảnh minh họa

Theo đó, thí sinh sẽ có mã định danh (số căn cước công dân) để đăng ký. Mã này cũng dùng để xác nhận nhập học.

Đối soát dữ liệu

Năm học này, Trường THPT Cẩm Giàng (Hải Dương) có hơn 400 học sinh lớp 12. Thầy Hiệu trưởng Trần Văn Ta – cho biết: 100% học sinh sẽ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và tham gia xét tuyển đại học, cao đẳng trong đó có ngành Giáo dục mầm non. Các em đều có căn cước công dân, nhà trường đã hoàn tất việc đăng ký mã định danh với Sở GD&ĐT Hải Dương; đồng thời cập nhật kết quả học tập từ lớp 10 đến lớp 12 lên cơ sở dữ liệu ngành.

“Tôi tán thành và hoan nghênh giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào thi và xét tuyển đại học của Bộ GD&ĐT. Phương án đăng ký thi và xét tuyển đại học mà Bộ GD&ĐT đề xuất phù hợp với bối cảnh thực tiễn nên có tính khả thi cao. Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi không gặp bất cứ khó khăn gì” – thầy Trần Văn Ta quả quyết, đồng thời cho biết: Nhà trường sẽ tổ chức cho học sinh lớp 12 thử nghiệm phần mềm đăng ký trực tuyến trên Cổng thông tin của Bộ GD&ĐT hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia.

Dự kiến, thí sinh sẽ có mã định danh để đăng ký thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non. Ảnh minh họa: TG
Dự kiến, thí sinh sẽ có mã định danh để đăng ký thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non. Ảnh minh họa: TG

Ủng hộ đề xuất của Bộ GD&ĐT, ông Lê Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đề nghị: Bộ sớm ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non 2022. Theo dự kiến, năm nay, tất cả thí sinh sẽ đăng ký bằng phương thức trực tuyến nên số lượng rất lớn và có thể xảy ra sai sót trong quá trình nhập liệu. Do đó, quy trình kiểm tra, đối soát dữ liệu phải chặt chẽ, phần mềm tuyển sinh phải được hoàn thiện ở mức cao nhất.

“Năm 2021, dù thí sinh đăng ký trực tuyến không nhiều nhưng có em vẫn quên đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng. Đến khi hết hạn mới phát hiện ra sơ suất này. Sở GD&ĐT phải liên hệ với Bộ để cho phép thí sinh đăng ký lại…” – ông Nam nhắc lại, đồng thời lưu ý thí sinh cần cẩn trọng, rà soát thật kỹ trước khi “bấm nút” đăng ký thi, xét tuyển.

PGS.TS Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân  nhìn nhận: Hầu hết cơ sở giáo dục đại học đã hoàn thiện phần mềm xét tuyển, đăng ký nhập học online nên thí sinh sẽ có nhiều thuận lợi. Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng xây dựng phần mềm này. Hiện phần mềm tuyển sinh của trường vẫn hoạt động tốt và tiếp tục được phát huy trong công tác tuyển sinh năm nay.

Thí sinh tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp trước khi có dịch. Ảnh: TG
Thí sinh tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp trước khi có dịch. Ảnh: TG

Chủ động nhập cuộc

Ông Nguyễn Sơn Hải – Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (Bộ GD&ĐT)  chia sẻ: Trong bối cảnh toàn ngành đang đẩy mạnh chuyển đổi số, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non là điều cần thiết.

Theo ông Nguyễn Sơn Hải, thời gian qua, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo sâu sát Cục Công nghệ Thông tin, Vụ Giáo dục Đại học và các đơn vị liên quan về việc đề xuất giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh trong đăng ký thi, xét tuyển đại học; đồng thời hỗ trợ cơ sở giáo dục đại học trong công tác tuyển sinh. “Trên cơ sở Quy chế tuyển sinh, Cục Công nghệ Thông tin sẽ phối hợp chặt chẽ với Vụ Giáo dục Đại học, cơ sở đào tạo để triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và vận hành có hiệu quả; trước mắt là phục vụ Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non sắp tới” – ông Nguyễn Sơn Hải nói.

Nhấn mạnh đến chủ trương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số trong đăng ký thi, xét tuyển, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đồng thời nhắc lại: Năm 2016, công tác tuyển sinh đã có bước chuyển lớn khi thực hiện hướng dẫn thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển thông qua phần mềm. Điều này cho thấy sự thay đổi lớn về ứng dụng công nghệ thông tin vào tuyển sinh và tạo được hiệu ứng tích cực. Kế thừa thành tựu của những năm trước, năm nay, Bộ GD&ĐT tiếp tục chủ trương ứng dụng giải pháp về công nghệ thông tin trong khâu đăng ký thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển cao đẳng ngành Giáo dục mầm non và đại học.

Theo Thứ trưởng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin không những giúp thí sinh đăng ký dễ dàng, mà việc gửi các minh chứng cũng thuận lợi hơn. Mặt khác, việc này sẽ giúp các trường giảm được thí sinh ảo. Với các trường THPT, sở GD&ĐT cũng giảm bớt các công việc hành chính. Ngoài ra, việc cung cấp dữ liệu đã có của ngành, kết hợp với với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thí sinh đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển cao đẳng, đại học nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các em cũng như các cơ sở đào tạo, đồng thời giảm thiểu những sai sót và tăng độ tin cậy trong quá trình xét tuyển.

Bộ GD&ĐT yêu cầu các sở GD&ĐT cần rà soát danh mục mã trường THPT, khu vực ưu tiên. Chỉ đạo trường THPT cập nhật kết quả học tập (lớp 10, lớp 11, lớp 12) lên cơ sở dữ liệu ngành, đồng thời kiểm tra rà soát dữ liệu này sau khi được đồng bộ sang hệ thống quản lý thi và xét tuyển. Mặt khác, chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, cơ sở vật chất... đáp ứng yêu nhiệm vụ khâu tổ chức thi THPT, hỗ trợ thí sinh đăng ký trực tuyến. Sử dụng tài khoản và mật khẩu đã được cấp khi tổ chức thi THPT để nhập dữ liệu phục vụ công tác tuyển sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...