Thu nhận hồ sơ: Làm việc cả thứ 7, Chủ nhật
Theo lịch của Bộ GD&ĐT, từ 1 - 20/4/2018 thí sinh đăng ký dự thi (ĐKDT); các điểm tiếp nhận hồ sơ ĐKDT nhận hồ sơ, phiếu ĐKDT và nhập dữ liệu của thí sinh vào phần mềm quản lý thi. Công việc triển khai yêu cầu thí sinh và các đơn vị ĐKDT tổ chức khẩn trương và khoa học để thực hiện đúng kế hoạch và đảm bảo tránh sai sót, giúp cho việc tổ chức tốt kỳ thi.
Hầu hết, các Sở GD&ĐT đã có chỉ đạo cụ thể với thí sinh và các nhà trường, đặc biệt nhấn mạnh tổ chức nhập phiếu ĐKDT của thí sinh để tránh sai sót; tập huấn kỹ nội dung liên quan cho tất cả các thành viên của tổ trước khi triển khai thực hiện nhiệm vụ; hướng dẫn thí sinh ghi phiếu vào các mục trên phiếu ĐKDT đúng quy định.
Các đơn vị thành lập bộ phận thu nhận hồ sơ có trách nhiệm hướng dẫn thí sinh thông tin liên quan đến hoàn thiện phiếu ĐKDT; chuẩn bị các hồ sơ liên quan, đặc biệt giấy tờ của thí sinh được hưởng ưu tiên, khuyến khích; phân công giáo viên chủ nhiệm, nhân viên vừa thu nhận hồ sơ, vừa đối chiếu với giấy tờ (đối chiếu giữa bản gốc với các thông tin; giữa phiếu ĐKDT số 1, số 2 đảm bảo thống nhất).
Tại Phú Thọ, thủ trưởng đơn vị dự thi trực tiếp chỉ đạo Bộ phận hồ sơ và có sự phân công để thường trực và xây dựng lịch làm việc, kể cả thứ 7 và Chủ nhật; bố trí phòng tiếp đón thí sinh ĐKDT và rà soát kỹ thông tin trước khi nhập vào phần mềm quản lý thi. Việc nhập dữ liệu đảm bảo mỗi máy nhập có 3 người (1 người nhập, 1 người đọc, 1 người soát).
Sau khi tiến hành nhập dữ liệu của mỗi lớp, in danh sách yêu cầu giáo viên chủ nhiệm tổ chức cùng HS và người quản lý hồ sơ (văn thư) soát kỹ thông tin của từng thí sinh (đối chiếu lại với phiếu ĐKDT và các hồ sơ gốc) và yêu cầu thí sinh ký vào dòng thông tin của mình; giáo viên chủ nhiệm và người quản lý hồ sơ ký xác nhận vào cuối danh sách của lớp.
Tổ chức kiểm tra, kiểm tra chéo thông tin thí sinh ĐKDT, đăng ký xét côngnhận tốt nghiệp THPT, đặc biệt lưu ý các thông tin về diện ưu tiên, điểm khuyến khích trong xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Dự kiến, việc đăng ký và nhập dữ liệu của tỉnh này về cơ bản sẽ hoàn thành trước ngày 16/4/2018; sẽ rà soát hoàn thành trước ngày 20/4/2018 đảm bảo chính xác về dữ liệu và đảm bảo đúng quyền lợi thí sinh dự thi.
Tại Gia Lai, ông Lê Duy Định – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT - đã ký ban hành kế hoạch tổ chức thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ 2018. Theo đó, tỉnh tổ chức 1 cụm thi cho tất cả thí sinh của địa phương. Các điểm thi tại trường THPT, THCS ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố nhằm tạo điều kiện tối đa cho thí sinh tham dự kỳ thi.
Để phục vụ kịp thời trong trao đổi thông tin 2 chiều giữa Sở GD&ĐT, các nhà trường, Sở GD&ĐT Gia Lai yêu cầu ĐKDT phải sử dụng email đã đăng ký với Sở, kiểm tra thư hàng ngày để kịp thời trao đổi thông tin.
Trong thời gian tuyển sinh ĐH, CĐ, trung cấp, Sở này yêu cầu trường THPT, trung tâm mở phòng máy tính để thí sinh sử dụng điều chỉnh nguyện vọng bằng phương thức trực tuyến.
Tại Phú Thọ, ông Nguyễn Minh Tường – Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Năm 2018, dự kiến toàn tỉnh có 59 đơn vị có thí sinh dự thi (44 trường THPT, 15 cơ sở GD thường xuyên) với khoảng trên 13.000 thí sinh dự thi (số lượng thí sinh tăng dự tính khoảng 1.000 thí sinh và tăng 1 điểm thi).
“Chúng tôi cũng chỉ đạo các trường chuẩn bị và huy động tối đa cơ sở vật chất, các điều kiện tổ chức thi và phục vụ tổ chức kỳ thi tại đơn vị; phối hợp với các sở, ngành, trường ĐH, CĐ, trung cấp và các cơ quan trên địa bàn trong bố trí chỗ ở, sinh hoạt cho cán bộ, giảng viên, giáo viên các trường đại học và các trường THPT tham gia tổ chức kỳ thi” – ông Nguyễn Minh Tường cho hay.
Chỉ đạo ôn tập từ đầu năm học
Ngay từ đầu năm học, nhiều Sở GD&ĐT đã chỉ đạo để đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong các nhà trường nắm bắt cũng như thực hiện tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá, tổ chức ôn tập cho HS; triển khai bám sát nội dung chương trình học. Đặc biệt, chú ý năm 2018, có nội dung thi nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12 THPT.
Sau khi Bộ GD&ĐT công bố bộ đề thi tham khảo Kỳ thi THPT quốc gia 2018, các địa phương đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ ôn tập theo bộ đề cho giáo viên; ban hành văn bản chỉ đạo các nhà trường trong công tác dạy - học, ôn tập cho HS lớp 12 định hướng theo đề thi tham khảo.
Nhiều Sở trên cơ sở đề thi tham khảo đã tiến hành xây dựng ngân hàng đề thi và tổ chức các kỳ khảo sát HS lớp 12. Đặc biệt, tại Phú Thọ, 2 đợt khảo sát tất cả các bài thi, môn thi đều do Sở GD&ĐT chi trả toàn bộ kinh phí.
Qua khảo sát, tiến hành phân tích, đánh giá chỉ ra kiến thức HS còn hạn chế để có biện pháp tăng cường ôn tập cho thí sinh, đồng thời chỉ ra tồn tại của cán bộ, giáo viên rút kinh nghiệm cho việc tổ chức coi thi và tồn tại của thí sinh khi làm bài.
Các cơ sở GD có thí sinh dự thi THPT quốc gia đều tiến hành rà soát phân loại năng lực học tập của HS lớp 12, xây dựng kế hoạch dạy học, phụ đạo, bồi dưỡng của từng bộ môn phù hợp với từng đối tượng HS; tăng cường các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học và kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển kỹ năng vận dụng kiến thức của HS. Có địa phương đã thành lập tổ giáo viên cốt cán để ôn luyện miễn phí cho các em HS lớp 12 trên trang Trường học kết nối.
Việc kiểm tra công tác tổ chức ôn thi THPT quốc gia và thực hiện đánh giá học viên cuối năm cũng bắt đầu được tiến hành tại các địa phương. Như Ninh Bình, hoạt động này sẽ được bắt đầu từ ngày 23/4 - 27/4/2018.
Trong các ngày trên, Sở GD&ĐT sẽ đến kiểm tra đột xuất về công tác quản lý, chỉ đạo việc tổ chức ôn tập thi THPT quốc gia; thực hiện đánh giá và quản lý kết quả học tập, rèn luyện của học viên; hồ sơ chuyên môn của đơn vị và giáo viên và dự một số giờ dạy trên lớp của giáo viên (kể cả tiết dạy ôn tập buổi chiều).