“Tôi đã nhìn thấy nó khi mới bắt đầu bơi được vài mét. Tôi thấy một tấm bia có hình thù khá kỳ lạ. Tôi quyết định lặn xuống và mò nó lên, nó trông như một đền thờ của người Ai Cập nằm giữa Địa Trung Hải”, Rafi Bahalul cho biết.
“Tấm bia kỳ lạ mà Rafi Bahalul phát hiện là một mỏ neo làm bằng đá của người Ai Cập, có niên đại 3.400 năm tuổi”, ông Jacob Sharvit, người đứng đầu cơ quan bảo vệ cổ vật Israel, cho hay.
Chiếc mỏ neo Ai Cập hiện đang được cất giữ và trưng bày tại Bảo tàng quốc gia Israel.
Theo các nhà khảo cổ Israel, chiếc mỏ neo này là phần nhỏ của một bức phù điêu lớn, được trang trí vô cùng công phu. Sau khi bức phù điêu bị vỡ vì nguyên nhân nào đó, một mảnh của nó đã được đục lỗ và tận dụng để làm mỏ neo.
Hiện cổ vật đang được nghiên cứu và trưng bày tại Bảo tàng quốc gia Israel (Ảnh: ABC News).
“Những thuyền viên đã làm mất chiếc mỏ neo hoặc chiếc thuyền sử dụng nó đã bị đắm ngoài khơi Địa Trung Hải”, Ben Dor Evian – một nhà khảo cổ nói về xuất xứ của chiếc mỏ neo.
Những ký tự cổ của người Ai Cập được sử dụng từ khoảng 5.000 năm trước cũng được khắc trên chiếc mỏ neo này. Một số cụm từ trên chiếc mỏ neo Ai Cập được các nhà khảo cổ dịch ra như sau:
“Phiến đá nằm trên tay của Seshat (nữ thần sáng tạo của người Ai Cập cổ), “tình yêu, ngôi nhà và những cuốn sách”.