Đạn Uranium xuyên thủng giáp tốt nhất của T-72

GD&TĐ -Với việc được trang bị đạn Uranium nghèo, những xe tăng Challenger 2 đủ sức xuyên thủng giáp tốt nhất trên T-72 của Nga trên chiến trường Ukraine.

Tổng thống Ukraine và Thủ tướng Anh đứng bên xe tăng Challenger 2.
Tổng thống Ukraine và Thủ tướng Anh đứng bên xe tăng Challenger 2.

Trong tuyên bố hôm 21/3, Thứ trưởng Quốc phòng Anh, Annabel Goldie cho biết, loại siêu đạn Uranium nghèo sẽ được trang bị cho những chiếc xe tăng Challenger 2 chuyển cho Quân đội Ukraine trong thời gian tới.

"Cùng với việc cung cấp xe tăng chủ lực Challenger 2 cho Quân đội Ukraine, chúng tôi sẽ chuyển kèm loại đạn xuyên giáp tốt nhất có chứa uranium nghèo cho Kiev. Loại đạn này sẽ dễ dàng đánh bại xe tăng và xe bọc thép của kẻ thù, dù đó là T-72 hay tối tân hơn nữa", Thứ trưởng Annabel Goldie cho biết.

Chính phủ của Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã cam kết cung cấp 14 xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) Challenger 2 cho Quân đội Ukraine. Những chiếc xe tăng này đã ngừng sản xuất hơn 20 năm và hiện có 227 chiếc đang phục vụ trong Quân đội Anh.

Giới chuyên gia cho rằng, tuy chỉ là một phế phẩm trong ngành năng lượng hạt nhân, uranium nghèo giúp đạn xe tăng cứng hơn, xuyên giáp tốt hơn so với loại đạn phủ vonfram truyền thống.

Với khả năng tăng gia tốc cực nhanh, đạn uranium nghèo (còn được biết đến với tên gọi Viên đạn bạc) có thể xuyên thủng lớp giáp dày lên đến 420mm, dày hơn lớp giáp bảo vệ phía trước của dòng tăng T-72 lực lượng Nga sử dụng trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hiện nay.

Tính dẫn lửa của loại vật liệu này khiến đạn dễ dàng gây cháy khi xuyên vào trong lớp giáp, gây ra những thiệt hại lớn bên trong xe tăng.

Biệt danh viên đạn bạc của đạn uranium nghèo xuất hiện trong chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, khi xe tăng của Mỹ sử dụng đạn uranium M230A1 xuyên thủng được lớp giáp dày 570mm từ khoảng cách 2.000m.

Thế hệ mới nhất của seri đạn M829 là M829E4, được thiết kể để có thể xuyên giáp ở cự ly xa hơn so với phiên bản trước đó. Việc sử dụng uranium nghèo để xuyên giáp mang lại cho các xe tăng của Anh và đồng minh những lợi thế nhất định trong các cuộc đối đầu trên bộ.

Tuy nhiên, loại đạn này lại gây ra nguy cơ nhiễm xạ trên chiến trường, có thể gây bệnh ung thư và dị tật bào thai cho người dân và các binh sĩ. Vì vậy, việc Anh quyết định trang bị cho Quân đội Ukraine xe tăng Challenger 2 cùng đạn uranium có thể vấp phải sự phản đối từ chính người dân Ukraine.

Trước đó, người dân Iraq đã vô cùng bất bình sau khi biết Quân đội Mỹ sử dụng hàng trăm nghìn viên đạn uranium nghèo khi tham chiến tại đây năm 2003. Sau đó Mỹ đã cam kết không tiếp tục sử dụng đạn uranium nghèo.

Tuy nhiên, Lầu Năm Góc mới đây thừa nhận đã sử dụng loại đạn độc hại này trong các cuộc không kích nhằm vào các xe tải chở dầu tại khu vực do phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) kiểm soát.

Thử nghiệm đạn uranium nghèo.

Bất chấp sức mạnh khủng khiếp của đạn uranium nghèo, các chuyên gia quân sự Nga từng nhiều lần tuyên bố hệ thống phòng thủ chủ động Afghanit trên xe tăng T-14 Armata có thể đánh chặn hiệu quả loại đạn này.

Hiện giới quân sự phương Tây đang tỏ ra nghi ngờ về tính xác thực của thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ