- Các sân khấu tỉnh thường được các nghệ sĩ trẻ ưu ái vì có thể kiếm được cát xê khà hời nếu chịu khó “chạy”. Ở vị trí và đẳng cấp như anh, vì sao phải tự làm mình vất vả trong khi hoàn toàn không còn chịu áp lực về việc này?
- Hát các chương trình truyền hình hay show tỉnh trước tiên là để giới thiệu ca khúc mới và quảng bá hình ảnh, còn nếu muốn kiếm tiền là phải nhắc đến các show event. Một show event có thể có cát xê bằng 2, 3 đêm chạy show tỉnh là chuyện bình thường.
Nhiều nghệ sĩ chọn tập trung vào tập trung vào sân khấu tỉnh hoặc các chương trình lớn có lẽ vì không đủ khả năng để làm cùng lúc. Nếu có đủ sức hút và khả năng làm được hai cái thì đây chính là điều đáng mơ ước của bất cứ ai.
- Anh không ngần ngại nhận lời những sân khấu "chuồng gà"?
- Ngoài các sân khấu ở vùng sâu vùng xa phải di chuyển vào bằng ghe máy, thì các tụ điểm ở tỉnh bây giờ cũng không có gì khác biệt với các thành phố lớn.
Ngay cả khán giả bây giờ rất thông minh. Họ đã được xem quá nhiều các chương trình truyền hình, nên họ có quyền đòi hỏi những ca sĩ tên tuổi chứ không phải đưa ai ra cũng xem được. Ngay cả người bầu show nếu làm ăn không đàng hoàng chắc chắn không bán được vé thì lỗ là chuyện bình thường.
- Làm việc miệt mài, anh có lo lắng cho sức khỏe?
- Năm qua tôi làm việc nhiều, ngủ ít có đêm chỉ được 3 tiếng, hát đến mức giọng khàn, chưa kể phải lo lắng những chuyện khác. Trong Tết này lịch diễn của tôi đã lên đến gần 120 show, nhưng tính ra diễn trong Tết lại khỏe hơn những ngày bình thường vì buổi sáng được nghĩ ngơi hoàn toàn. Chỉ có điều phải di chuyển liên tục vào ban đêm có phần hơi nguy hiểm.
19 năm qua, tôi chưa có dịp đón giao thừa ở nhà mà đều ở cùng khán giả. Bù lại sáng mùng 1 tôi đều chạy về để sum họp gia đình. Riết rồi cũng quen, sau này nếu không cón duy trì được điều này, tôi sợ mình lại buồn.
"19 năm qua, tôi chưa có dịp đón giao thừa ở nhà". |
- Gần 20 năm không đón Tết tại nhà, anh có kỷ niệm đáng nhớ cùng các fan?
- Có những bạn đi theo tôi suốt từ điểm diễn cho đến khi lên xe về đến nhà mà không đón giao thừa cùng gia đình. Nếu có dịp gặp gỡ, chúng tôi cùng nhau ăn uống, nhận lì xì và xông đất.
Thông thường tôi không công bố lịch diễn trong đêm 30 Tết vì sợ các fan đi theo, nhưng mọi người vẫn cách nào đó tìm ra qua các thông tin quảng cáo trên báo chí và tìm đến để ủng hộ. Đôi khi tôi phải đóng “vai ác”, la và khuyên các bạn về nhà, nhưng rồi lại đi theo tiếp. Thấy các bạn như vậy, tôi vừa áy náy nhưng cũng được an ủi phần nào.
- Anh sẽ ứng xử như thế nào khi “đụng độ” fan cuồng?
- Tôi cảm thấy tội nghiệp và có phần khó xử khi gặp những fan có tâm lý hơi bất thường. Có những bạn đã lớn nhưng vẫn đứng trước nhà la ó, có bạn bỏ nhà bỏ học từ quê vào đây đề nghị tôi cùng làm đám cưới, nói tôi và bạn là vợ chồng kiếp trước.
Có lần tôi diễn ở miền Bắc, một khán giảđến tặng hoa rồi hỏi “Chiếc nhẫn anh hứa tặng em đâu rồi?”, tôi nghe vậy không khỏi tá hỏa, không biết mình đã hứa khi nào. Mãi lúc sau mới hiểu và tìm các khuyên nhủ bạn riêng. Cũng có khi tôi phải tìm cách dò hỏi số điện thoại người thân để đến đón về.
Những trường hợp này thật sự không khiến tôi vui, vì tôi chỉ muốn các bạn yêu mến mình một cách tỉnh táo, xem tôi như nguồn động lực để sống và học tập tốt hơn chứ không phải điên cuồng một cách mù quáng như vậy.
- Đây là lý do quyết định hạn chế chia sẻ về gia đình?
- Tôi thấy mình nói quá nhiều đó chứ còn gì gọi là hạn chế nữa. Tôi còn sợ có bao nhiêu chuyện nói hoài lại bị trùng, khiến khán giả nhàm chán. Mặt khác, tôi muốn cuộc sống gia đình phải có một góc nhỏ của riêng mình chứ không phải bao nhiêu “ruột gan phèo phổi” cũng phơi bày cho mọi người cùng biết.
Như việc tôi và Tiên đi du lịch là khoảnh khắc riêng của cả hai người, nên khi Tiên chia sẻ lên trang cá nhân, tôi có la cô ấy rằng hạnh phúc chỉ hai người biết là đủ, đâu cần hô hào lên làm gì.
Còn với fan, có người chúc phúc cho mình, cũng có người có tí chạnh lòng, còn tổn thương thì chắc không có. Có một chuyện rất vui là từ khi tôi kết hôn, các bạn cũng lập gia đình rồi cùng nhau dẫn chồng, dẫn vợ, con cái đi xem tôi hát.
Hiện tại tôi chỉ mong mình giữ được vị trí và tình cảm trong lòng các khán giả đang dành cho mình tình cảm yêu mến trong suốt thời gian qua, chứ không còn tranh giành fan hay đấu đá những danh vọng nữa. Đó cũng là lý do tôi rút lui hết tại các giải thường để nhường cơ hội lại cho các ca sĩ trẻ.
"Hạnh phúc chỉ hai người biết là đủ, đâu cần hô hào lên làm gì". |
- Công việc và chuyện tình cảm trong năm qua đọng lại trong anh những cảm xúc gì?
- Năm qua là một năm cực kỳ bận rộn của tôi khi vừa phân bổ cuộc sống ở Mỹ gần 6 tháng để chăm lo gia đình cũng như những hoạt động kinh doanh riêng, vừa tập trung cho công việc và sự nghiệp tại Việt Nam. Quãng thời gian làm quen với cuộc sống mới mang đến cho tôi nhiều trải nghiệm rất thú vị.
Có lúc tôi tự chạy xe một mình suốt mấy tiếng đồng để đi đến các thành phố lân cận, cảm giác vô cùng ung dung tự tại, điều mà hàng chục năm nay tôi gần như đã bỏ quên.
Đến khi trở về Việt Nam, tôi dành phần lớn thời gian để thực hiện các sản phẩm âm nhạc liên tục, tham gia show Dấu ấn, thu âm album, quay hình DVD Ký sự miền Tây, các tour diễn khắp mọi tỉnh thành… Năm nay tôi nhận lời hát trong cách sự kiện trực tiếp nhiều nhất.
Có thể nói hình ảnh của tôi ít nhiều được phủ sóng khá rộng rãi, ngoại trừ khoảng giữa năm có hơi im ắng vì đang ở Mỹ, nhưng khi trở lại cũng đã gây ra được một cơn sóng ảnh hưởng không nhỏ.
Dù bận rộn nhưng tôi cảm thấy rất hài lòng về những gì mình đã làm được trong năm qua. Thật sự ban đầu tôi không nghĩ mình lại có thể làm được đầy đủ và tốt đến như vậy, nhưng cuối cùng vẫn đâu vào đấy. Trong năm 2015, tôi chắc chắn mình sẽ làm mọi thứ kỹ càng hơn nữa sau khi cuộc sống đã dần đi vào ổn định cũng như chuẩn bị cho liveshow kỷ niệm 20 năm ca hát diễn ra vào đầu năm 2016.
- Việc ca khúc Anh Ba Khía của anh đã bị một nữ nhà báo đưa ra những bình luận chê bai trên sóng truyền hình trực tiếp đã gây ra nhiều tranh cãi. Tai tiếng từ trên trời rơi xuống này đã tác động đến anh ra sao?
- Thật ra tôi cũng không bận tâm lắm. Tùy người để mình nghe, tùy người để mình cảm nhận. Tôi xem những lời đó như góp ý của khán giả chứ không phải của giới chuyên môn, không có kiến thức trong lĩnh vực âm nhạc, tuổi đời trong nghề cũng không bằng mình. Mà cũng không cần nói nhiều, chỉ cần nhìn phản ứng của dư luận là biết họ đứng về phía ai.
"Dù bận rộn nhưng tôi cảm thấy rất hài lòng về những gì mình đã làm được trong năm qua". |
- Khi các đồng nghiệp cùng thời với anh cũng đã tham gia tại các chương trình truyền hình thực tế thì Đan Trường vẫn mãi tập trung vào việc chạy show. Anh đã nghĩ đến việc thử sức với vai trò mới?
- 2015, tôi sẽ dành thời gian cho công việc tại chương trình truyền hình thực tế sau đã sắp xếp công việc và gia đình ổn định, Một chương trình dành cho thiếu nhi cũng đã ngỏ lời, tôi đang cố gắng thu xếp và cân nhắc trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Tôi thật sự rất thích thú muốn thử sức mình.
Nếu có dịp hợp tác, tôi nghĩ mình sẽ rất hợp với vai trò huấn luyện viên. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn thử cảm giác bị “ném đá” sẽ như thế nào. (cười) Làm nghề cũng gần 20 năm rồi, tôi nghĩ không còn gì có thể làm khó mình được nữa.
Tôi biết làm huấn luyện viên nhạt quá cũng bị nói mà sôi nổi, “tài lanh” quá cũng chưa chắc đã được khen. Thôi thì đành mặc kệ, chương trình có người đóng vai ác, người đóng vai hiền thì mới nhiều màu sắc và hấp dẫn hơn.
- Cách ăn nói, diễn đạt ý là một trong những điều quan trọng để một giám khảo/huấn luyện viên có thể gây ấn tượng với khán giả. Anh đánh giá như thế nào về khả năng này của mình?
- Tôi sẽ nghĩ sao nói vậy, như vậy sẽ hay hơn là chuẩn bị quá nhiều để cuối cùng lại không thể diễn đạt đúng ý. Như khi tuyển chọn các bạn trẻ trong chương trình Song ca cùng thần tượng cách đây vài năm, ai hát dở tôi nói thẳng là hát dở, ai hay thì khen hay chứ không kiêng nể gì.
Nếu làm huấn luyện viên, có thể tôi sẽ giành giật không lại nhưng sẽ thẳng thắn góp ý để các thí sinh hiểu mình được và chưa được những gì. Nếu cảm thấy hợp, các bạn sẽ về với mình.