(GD&TĐ) - Từ cuối tháng 10, dân số thế giới đã đạt mốc 7 tỉ người, và điều này có nghĩa là 7 tỉ nhân khẩu sẽ chia nhau số tài nguyên giới hạn với khả năng tự tái tạo thấp của hành tinh. Sự phân chia vốn không đồng đều sẽ càng bất công hơn nữa khi con người tranh giành tài nguyên bằng tất cả những phương tiện nào có thể dùng được. Áp lực dân số sẽ rất lớn, từ việc chinh phục các nguồn năng lượng sạch đến hình thái của các thành phố lớn trong những năm tới.
Nạn nhân đầu tiên là môi trường
Tờ Time đã có một bài phân tích lý giải lý do tại sao “nạn nhân thực sự của dân số đông đúc sẽ là môi trường”. Mới đây Roger Martin, chủ tịch tổ chức dân số NGO Population Matters, đã viết trên tờ Guardian: “Ngày thế giới 7 tỉ người 31.10 đúng dịp Halloween là một nhắc nhở đáng lo ngại cho tương lai trước mắt của hành tinh. Cứ mỗi giờ, dân số loài người lại tăng lên 10.000. Tính toán “nhẹ nhàng” nhất của LHQ cũng là 9,3 tỉ người vào năm 2050, so với 2,5 tỉ người vào năm 1950. Mức tăng này có thể ít hơn tùy theo cách đối phó của chúng ta với quả bom dân số”. Mỗi nhân khẩu ra đời sẽ tốn thêm một số thực phẩm, nước uống và năng lượng, đồng thời cũng cho ra chất thải và ô nhiễm nhiều hơn. Người mới sinh chia bớt khẩu phần của người đến trước và làm bẩn thêm hành tinh. Người giàu bao giờ cũng chiếm hữu, tiêu thụ và gây ra tác hại cho trái đất nhiều hơn người nghèo. Tổng số thiệt hại và ảnh hưởng của từng người là nhỏ nhưng khi được nhân lên cho dân số 7 tỉ người sẽ là vô cùng lớn. Ý thức tiết kiệm giữ gìn môi trường của từng người cũng nhỏ nhưng khi nhân lên cho cả loài người cũng sẽ rất lớn. Nói vậy để thấy, tất cả những vấn đề môi trường và xã hội sẽ dễ được giải quyết hơn, khi trái đất có ít người hơn, và sẽ có lúc không thể giải quyết được nữa, nếu loài người quá đông đúc.
Sự phát triển dân số đã trở thành vấn đề quốc tế từ thập niên 1970, khi thuyết dân số Malthus được quan tâm trở lại và các nước như Ấn Độ và Trung Quốc phải có những bước đi mạnh mẽ để ngăn chặn đà tăng dân số. Hành động này được xem là sự chuyển biến quan trọng khi trước đó các nhà môi trường có tư tưởng hữu khuynh không muốn liên kết dân số với các chính sách bất công và không muốn xem dân số là một yếu tố ảnh hưởng đến môi trường. Lý do là họ không muốn đổ lỗi cho chủ nghĩa tư bản. Thế giới hiện nay đã rất khác so với thế giới 6 tỉ người cách nay 12 năm. Khác cả về những bước đi mang tính đột phá liên quan đến dân số. Chúng ta sẽ thoải mái hơn nhiều khi dân số tăng cùng với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, thế giới hòa bình hơn và nhiều tài nguyên có khả năng tái tạo mới được khám phá hơn. Nhưng thực tế không được như vậy. Thế giới năm 2011 vẫn còn nhiều khoảng tối, thậm chí nguy hiểm và bấp bênh hơn so với cách nay vài chục năm. Những thay đổi địa chính trị và chuyển dịch khu vực phát triển kinh tế đã làm bộc phát những cuộc săn lùng tài nguyên và tính toán riêng ích kỷ, thủ lợi cho mình trên sinh mạng và cuộc sống của người khác. Chúng ta tỉnh thức mỗi sáng để thấy có thêm nhiều miệng ăn cần nuôi hơn trong khi cung cấp lại giới hạn. Thái độ thủ thế và tự vệ là không thể tránh khỏi. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi vấn đề chống nhập cư lại bùng lên ở nhiều nước, kể cả Mỹ và châu Âu. Những tiên đoán về ngày tận thế cũng được nói đến nhiều hơn trước “cơn hồng thủy dân số”.
Dễ phát sinh các tranh chấp
Trái đất có nuôi được 7 tỉ người? Đây là câu hỏi ám ảnh nhiều nhà dân số học. Một số người trả lời là được! Bảy tỉ người đứng sát nhau chỉ mới lấp đầy bang Texas Mỹ. Mật độ dân số thế giới cũng chỉ mới bằng mật độ dân số New York City. Joel Cohen thuộc Đại học Rockefeller viết trên tờ New York Times: chúng ta hiện có dư thực phẩm, nước uống và các thứ cần thiết khác để nuôi sống 7 tỉ người, thậm chí nhiều hơn nữa “một cách đàng hoàng”. Nếu đo đếm, nhân chia cụ thể, thế giới có dư khả năng cung cấp chỗ ở và các nhu cầu hằng ngày khác cho dân số trên 7 tỉ người. Từ năm 1820, bình minh của thời đại kỹ nghệ, đến 2008, lúc nền kinh tế thế giới đi vào suy thoái, sản lượng kinh tế tính theo đầu người tăng 11 lần. Tuổi thọ tăng gấp 3 lần sau vài ngàn năm để đạt đến tuổi thọ trung bình 70 tuổi hiện nay. Số con cho mỗi phụ nữ lập gia đình chỉ còn 2,5 so với 5 vào năm 1950. Dân số thế giới tăng trưởng 1,1%/năm, chỉ bằng phân nửa đỉnh cao của thập niên 1960. Mức tăng trưởng chậm cho phép các gia đình và cộng đồng tập trung tốt hơn vào việc chăm sóc con cái. Số lượng con cái đã bị chất lượng nuôi dưỡng đẩy lùi.
Có một số nhà khoa học cho rằng, bản thân dân số đông đúc không tạo áp lực lên hành tinh mà là những gì chúng ta đang sản xuất và tiêu thụ. Tăng trưởng dân số không xảy ra tại các nước giàu mà tại khu vực hạ-Sahara của châu Phi và tại thế giới đang phát triển. Tuy nhiên, ở các nước có mức tăng dân số nhanh nhất như Uganda và Nigeria, người dân chỉ sử dụng một phần nhỏ tài nguyên của thế giới so với người dân tại các nước phương Tây, dù dân số ở đây ổn định. Một nhà dân số học nói: “Có người cảnh báo với tôi về những vấn đề gây ra cho thế giới từ các nước có sinh suất cao như Kenya với 30 triệu dân, nhưng họ nên hiểu Kenya không phải là gánh nặng của thế giới vì mức tiêu thụ tại nước này không đáng kể do với các nước giàu. Vấn đề thực sự cho thế giới là mỗi người dân Mỹ trong 300 triệu dân tiêu thụ gấp 32 lần người Kenya. Nói rõ hơn, với dân số gấp 10 lần Kenya, nước Mỹ tiêu thụ gấp 320 lần Kenya!
Con người tồn tại trên sinh mạng các loài vật khác
Hiện nay, cứ 7 người trên thế giới thì có một người đói, nhưng không do hành tinh không thể nuôi sống họ mà do nhiều người trong số đó không thể tiếp cận với lương thực họ cần vì nhiều lý do khác nhau. Phân nửa số lương thực sản xuất trên thế giới bị lãng phí trong và sau thu hoạch; ví dụ để hư hỏng ngoài đồng, ngoài chợ hay ôi thiu trong tủ lạnh. “Chúng ta có thể nuôi sống 7,8 hay 9 tỉ người nếu biết cách, biết thể hiện sự quyết tâm, biết chia sẻ và không để tình trạng lãng phí xảy ra” - một nhà dân số học nhận định. Chúng ta không thể dự đoán chính xác tương lai của loài người do tác động của dân số. Nhưng phải thừa nhận là đến thời điểm này, con người đã đối phó khá tốt với các thách thức của hành tinh. Trở ngại nếu có, chỉ là sự thiếu quyết tâm chính trị và nhận thức về vấn đề. Vì vậy, luôn luôn có nhũng nguy cơ tiềm ẩn đến từ dân số tăng. Con người hiện sống khoẻ mạnh hơn, an toàn và sung sướng hơn những loài vật khác trên hành tinh. Một nghiên cứu đăng trên tờ Science cho thấy, mỗi năm có khoảng 52 loài có vú, chim và loài bò sát sắp bị diệt chủng. Gần 1/5 loài có xương sống bị đe dọa cùng với 41% loài bò sát. Một nghiên cứu khác trên tờ Science cảnh báo là con người đang tiêu diệt những động vật săn mồi như cọp, chó sói và cá voi. Điều đáng buồn là khi dân số loài người gia tăng, dân số các loại động vật khác vẫn tiếp tục giảm. Một nghiên cứu đăng trên tập san Nature cho thấy trái đất đang đi vào giai đoạn tuyệt chủng lớn gọi là “làn sóng thứ 6”. Nhu cầu nguyên liệu, thực phẩm, khí thải carbon, sự lãng phí của con người đã khiến các sinh vật khác không còn nhiều không gian để sống, trừ những thú nuôi trong nhà. Hệ quả là chúng bị suy giảm dần vì thiếu ăn, không còn chỗ dung thân và bị săn bắt.
Hồng Hải
(Theo Time và The Economist và CS Monitor)