Dán nhãn năng lượng trên sản phẩm là cần thiết

Dán nhãn năng lượng trên sản phẩm là cần thiết

Nhiều nguyên nhân dẫn đến sử dụng năng lượng kém hiệu quả

Trong việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan có liên quan thấy rằng để sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả có thể áp dụng rất nhiều các biện pháp, các phương thức, cách thức rất cụ thể. Vấn đề là chọn vấn đề cụ thể nào, điểm dừng đến đâu để quy định mang tính pháp lý trong luật này, còn lại phải thể hiện ở những văn bản hướng dẫn thi hành luật.

Ví dụ, xoay quanh vấn đề về chiếu sáng công cộng thì độ dày, thưa giữa các cột, đèn điện chiếu sáng công cộng ở trung tâm, ở xa trung tâm, ở ven đô như thế nào cũng có cái khác nhau, rồi quy định từ mấy giờ đến mấy giờ thì tất cả các bóng đèn đều sáng, từ mấy giờ đến mấy giờ thì tắt cách quãng, từ mấy giờ đến mấy giờ phố nào, khu nào có thể tắt cả.

Rồi sử dụng bóng đèn thì công nghệ nào, rồi có sử dụng loại bóng đèn áp dụng công nghệ càng về khuya thì tự động mờ dần hoặc là càng về khuya tự động sáng dần... còn rất nhiều biện pháp cụ thể khác. Hay là xoay quanh vấn đề giao thông, thiết kế các ngã tư, các đô thị nhỏ thì ngã tư xe đi thẳng, nhưng ở Hà Nội thì lại phải thiết kế một giải phân cách vừa cứng, vừa mềm để rồi đi vòng thì mới đi được, nhưng chắc chắn mình cũng không thể để lâu như vậy và nhiều biện pháp khác nữa.

Việt Nam có đường bờ biển dài rất thích hợp phát triển năng lượng gío.

Việt Nam có đường bờ biển dài rất thích hợp phát triển năng lượng gío.

Để tiết kiệm năng lượng một cách hiệu quả, đại biểu Nguyễn Danh (đoàn Gia Lai), Trần Văn (đoàn Cà Mau) nêu ý kiến: Hoạt động dán nhãn năng lượng là biện pháp có hiệu quả nhằm đưa các định hướng chính sách của Chính phủ về tiết kiệm năng lượng áp dụng vào thực tiễn trên diện rộng toàn quốc. Việc làm này sẽ tiến tới loại bỏ ra khỏi thị trường các phương tiện, thiết bị có công nghệ lạc hậu, giảm cường độ năng lượng trong sản xuất, tiết kiệm năng lượng trong mọi hoạt động của xã hội.

Chia sẻ với quan điểm này, đại biểu Đinh Xuân Thảo (đoàn Kiên Giang) cho rằng: Thực hiện dán nhãn năng lượng sẽ tạo ra sức ép thúc đẩy các nhà sản xuất luôn phấn đấu đưa ra thị trường các sản phẩm có hiệu suất cao; buộc các nhà buôn bán, nhập khẩu thiết bị phải chọn các sản phẩm đạt hoặc vượt tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng đã quy định và đảm bảo các thông số ghi trên nhãn, giúp người tiêu dùng chọn đúng các các sản phẩm tiết kiệm năng lượng hoặc sản phẩm có hiệu suất năng lượng mong muốn đang lưu thông trên thị trường. Với hàng triệu các sản phẩm sử dụng năng lượng có hiệu suất cao được dùng rộng rãi trong đời sống sẽ tổng hợp thành mức tiết kiệm lớn, đưa lại hiệu quả kinh tế cao cho toàn xã hội. Trong số các biện pháp thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chương trình dán nhãn năng lượng được đánh giá là chương trình rất thành công, đưa lại hiệu quả kinh tế cao ở nhiều nước trên thế giới.

Chưa có quy định về sử dụng năng lượng hiệu quả

Đại biểu Quốc hội Trần Văn (đoàn Cà Mau) đề nghị Quốc hội, xem xét lại việc chưa quy định nội dung về phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo thành một chương mới, mà chỉ lồng ghép trong một số điều liên quan đến chính sách của Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Đại biểu Trần Văn cho biết thêm, hiện nay, dựa trên tiềm năng thế mạnh về năng lượng tái tạo của đất nước, nhiều nhà đầu tư tư nhân đang tích cực tìm kiếm cơ hội phát triển năng lượng gió, năng lượng mặt trời. Đây là nhu cầu chính đáng và là một xu hướng rất đáng trân trọng, đặc biệt khuyến khích các nhà đầu tư phát triển năng lượng tái tạo. Tôi đề nghị Quốc hội xem xét lại việc đưa chương này trở lại dự thảo luật, quy định rõ ràng minh bạch, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển năng lượng tái tạo vì lợi ích chung của quốc gia. Lợi ích của chương này càng rõ trong bối cảnh Quốc hội đang thảo luận Luật thuế môi trường, trong đó có thuế đánh vào các nguồn năng lượng hóa thạch như than đá vốn gây ô nhiễm nhiều nhất và thải khí cacbon nhiều nhất. Việc đưa chương này trở lại dự thảo luật là cơ sở pháp lý để Chính phủ ban hành nghị định về vấn đề này. Sau khi thực hiện trong thực tế sẽ góp phần tích cực cho việc tổng kết thực tiễn để khi có đủ điều kiện thì nâng lên thành Luật về năng lượng tái tạo như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với Bộ Công thương mà Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dẫn ra, tiến tới những cơ chế mới về trao đổi, mua bán hạn ngạch phát thải hay thuế phát thải thuế cacbon. Hướng tới thúc đẩy hơn nữa phát triển năng lượng sạch với chi phí cạnh tranh nhất trong nỗ lực chung của toàn cầu chống biến đổi khí hậu.

“Là công dân của một đất nước có nhiều nắng và gió, tôi cũng mong rằng dự án Luật về năng lượng tái tạo sẽ được các đại biểu Quốc hội ủng hộ và đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XIII” - đại biểu Trần Văn nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Dũng (đoàn Đắc Lắk) cho biết, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chính là vì nguồn năng lượng hóa thạch của chúng ta không nhiều như chúng ta nhầm tưởng và chỉ một thời gian nữa sẽ cạn kiệt. Mặc dù Quốc hội sẽ quyết định một luật là Luật khoáng sản, nhưng theo tôi vẫn cần bổ sung vào luật này dù chỉ là một đoạn ngắn.

Chúng ta biết rằng các nhà khoa học địa chất cho biết nguồn tài nguyên dầu khí có khả năng thu hồi của các bể trầm tích Đệ Tam của ta là 4.300 triệu tấn tính theo dầu quy đổi. Trong đó lượng phát hiện là 1.208 triệu tấn và trữ lượng có khả năng thương mại là 814,7 triệu tấn. Đến ngày 02/9/2009 Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã khai thác được 300 triệu tấn dầu quy đổi. Với sản lượng khai thác như hiện nay với khoảng 20 triệu tấn dầu quy đổi thì chắc chắn 30 năm nữa chúng ta sẽ cạn kiệt dầu khí.

Về than cũng vậy. Hiện nay các đồng chí lãnh đạo ngành than cho biết chúng ta sẽ phải nhập khẩu mỗi năm khoảng 8 triệu tấn than vào năm 2012, nghĩa là chỉ 2 năm nữa mà thôi. Thậm chí có khi có tiền cũng không mua được than như các đồng chí đó nhận xét. Dự kiến năm nay chúng ta xuất khẩu 10 triệu tấn than trong khi nhu cầu than là 37 triệu tấn. Nhưng nhu cầu than sẽ tăng lên 94 triệu tấn vào năm 2015 và 308 triệu tấn vào năm 2025. Như vậy năm 2015 chúng ta phải nhập 34 triệu tấn than, năm 2025 nhập 228 triệu tấn than. Đây là lý do quan trọng để không những phải sử dụng tiết kiệm và hiệu quả mà còn phải có những biện pháp đột phá để tìm kiếm thêm các nguồn dầu khí, các nguồn than mới, trong đó có mỏ than ngầm nằm dưới lòng phía sâu đồng bằng sông Hồng, một tài nguyên có nên khai thác hay không hiện đang còn ý kiến rất trái ngược nhau.

Về tiết kiệm xăng, dầu không thể không gắn liền với việc cải thiện hệ thống giao thông hiện nay. Tôi rất lo ngại với việc xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam mà một nhà khoa học nước ngoài gần đây bình luận là một kim tự tháp công nghiệp sẽ làm cạn kiệt nguồn tiền để sửa chữa, nâng cấp các phương tiện giao thông đường bộ và đường sắt hiện tại. Việc tắc nghẽn giao thông làm từng đoàn xe nối nhau dừng lại nhưng vẫn phải nổ máy chính là một sự lãng phí rất lớn trong khi giá xăng, dầu đang dự tính tăng cao. Cải tiến ngăn ngã tư nhằm tạo dòng xe không tắc nhưng vì làn đường quá hẹp nên khi có một xe quay ngang ra là chắn luôn cả hai đầu. Lãng phí xăng, dầu từ những chuyện nhỏ như vậy có ai xem xét đến hay không?

Khí sinh học biogas là một tiềm năng lớn đối với một nước sản xuất nông nghiệp truyền thống như nước ta, nhưng phải tiến hành có quy hoạch khoa học, chặt chẽ nếu không khí mêtan sẽ bay hết qua các nắp bể sai quy cách như nhiều nơi đang làm và lại trở nên lãng phí rất lớn về kinh phí xây dựng. Hơn nữa khi chăn nuôi đi vào tập trung thì không thể phát triển rộng rãi các bể khí sinh học một cách quá rộng rãi như mong muốn của nội dung luật này. Trong các nguồn năng lượng tái tạo tại sao luật không đề cập đến nguồn địa nhiệt tức là năng lượng lấy từ nhiệt năng của lòng đất và tại sao không đề cập đến năng lượng thuỷ triều, đó là một ưu thế của một nước có bờ biển dài đến 3260 km, một điều kiện thiên nhiên thuận lợi không dễ lúc nào cũng có được một bờ biển chạy dọc suốt đất nước từ Bắc đến Nam.

Quang Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Họa sĩ Ngô Xuân Bính trình bày về tác phẩm chủ đạo trong triển lãm gốm 'Hiện linh'.

Gốm của 'kỳ nhân'

GD&TĐ - Triển lãm gốm nghệ thuật 'Hiện linh' của tác giả Ngô Xuân Bính đã thu hút đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước.