Dân khốn khổ vì dự án nửa vời

GD&TĐ - Hàng chục hộ dân thuộc diện tái định cư bản Piềng Trang (xã Trung Xuân, Quan Sơn, Thanh Hóa) đang “sống dở, chết dở” vì dự án định canh định cư nửa vời. 

Đời sống các hộ sau khi chuyển ra nơi ở mới còn khó khăn hơn nơi ở cũ
Đời sống các hộ sau khi chuyển ra nơi ở mới còn khó khăn hơn nơi ở cũ

Đã 4 năm trôi qua, những thứ thiết yếu nhất phục vụ cuộc sống mà chủ đầu tư hứa hẹn tốt hơn hẳn nơi ở cũ chỉ là lời nói xuông, để người dân tự xoay xở với cuộc sống mới nơi đất mới.

Hoành tráng trên… giấy tờ!

Tháng 2/2011, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định phê duyệt Dự án đầu tư thực hiện định canh, định cư tập trung cho đồng bào dân tộc thiểu số bản Piềng Trang. 

Tổng số vốn được phê duyệt ban đầu là hơn 34,6 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng là 22,572 tỷ đồng; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 4,353 tỷ đồng; hỗ trợ định cư 2,019 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án hơn 465 triệu đồng; tư vấn xây dựng là hơn 1,674 tỷ đồng; chi phí khác là hơn 380 triệu đồng và hơn 3,1 tỷ đồng dành cho chi phí dự phòng.

Tiến hành triển khai dự án, đơn vị thi công là Công ty CP xây dựng và đầu tư phát triển nông thôn miền Tây (Thanh Hóa). Nhưng sau hơn 4 năm, mới chỉ có 34 hộ gia đình trong tổng số 64 hộ ra ở. 

Đơn vị thi công cũng mới thi công san lấp mặt bằng đất ở khu tái định cư, làm đường giao thông, cống thoát nước, đập, các bể nước sinh hoạt… còn một số hạng mục chưa thi công. Không chỉ thế, nhiều công trình thi công đến nay tuy dự án chưa kết thúc đã có dấu hiệu hư hỏng.

Trong các công trình đã thi công, dọc tuyến cống dẫn thoát nước nhiều đoạn đã bị gãy, nứt không còn sử dụng được. Một số bể chứa nước sinh hoạt cho người dân bị nứt, nước rò rỉ khiến người dân thiếu nước sinh hoạt. 

Hơn 4 năm dự án thi công, và từ khi người dân ra ở đến nay nhưng đường điện theo dự án vẫn chưa được xây dựng. Tiền hỗ trợ xây nhà, di chuyển, hỗ trợ 6 tháng tiền ăn ban đầu tuy đã qua nhiều năm nhưng các hộ mới được nhận vài ngày nay. Riêng tiền đền bù giải phóng mặt bằng cũng chưa được giải quyết.

Người dân lãnh đủ!

Phần lớn các bể nước đều khô cạn hoặc bị rò rỉ từ trước khi bàn giao cho dân
Phần lớn các bể nước đều khô cạn hoặc bị rò rỉ từ trước khi bàn giao cho dân 

Ông Lữ Văn Chức - Bí thư chi bộ lâm thời bản Piềng Trang - chia sẻ: “Gia đình tôi đã chuyển ra đây ở khoảng một năm nay, gia đình có 4 khẩu, đời sống đã khó khăn, nay ra khu ở mới lại càng khó khăn hơn. 

Nước sinh hoạt thì liên tục thiếu, đất canh tác cũng chưa được bàn giao gia đình đang làm tạm vài sào đất trồng ngô, mỗi năm thu hoạch từ ngô chỉ bán được vài triệu đồng, không đủ tiền mua gạo ăn”.

Gia đình anh Lữ Văn Dũng đã ra ở nơi đất mới ngay từ những ngày đầu được vận động, không nén nổi bức xúc: “Vợ chồng tôi còn trẻ, sức lao động có, các cháu cũng đã lao động phụ giúp bố mẹ được, nhưng ở chỗ này không có việc gì để làm. 

Sinh hoạt thì cái gì cũng khó. Ngoài điện nước thiếu, đất canh tác cũng không có nhiều vì dự án chưa bàn giao. Việc học của các cháu rất vất vả, phải đi vào các điểm trường chính trong trung tâm để học, rất vất vả và đặc biệt nguy hiểm vào những ngày mưa”.

Được biết dự án thiết kế có đầy đủ các điểm trường thế nhưng cả năm nay người dân đã đến ở vẫn không có trường. Thu nhập như gia đình anh Dũng chỉ trông chờ vào vài ba sào đất đang làm tạm, nhưng đất chỉ trồng được ngô. 

“Nhà có 6 miệng ăn nhưng tiền ngô bán đi chỉ đủ mua gạo vài tháng, ngoài ra không có thu nhập nào khác. Chúng tôi rất mong các cấp chính quyền, đơn vị thi công nhanh chóng hoàn thành các công trình của dự án như ban đầu để chúng tôi có đất sản xuất, có nước, có điện, có cái trường cho bọn trẻ nó học chữ” - Anh Dũng bùi ngùi.

Trao đổi vấn đề trên với ông Lò Văn Quyến - Chủ tịch UBND xã Trung Xuân cho biết: “Các hộ thuộc dự án định canh định cư bản Piền Trang đã ra ở có cuộc sống còn khó khăn hơn nơi ở cũ. 

Ban đầu thực hiện dự án thì không khí rất hoành tráng, hứa hẹn cuộc sống người dân sẽ tốt hơn, nhưng nay trong quá trình thực hiện lại không như mong đợi, nhiều hạng mục chưa được thi công, một số công trình làm xong nhưng đã có dấu hiệu hư hỏng. Chúng tôi đã kêu lên kêu xuống nhưng vẫn chưa được”.

Một dự án với số vốn hơn 34,6 tỷ đồng, phục vụ cho 64 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhưng sau nhiều năm vẫn chưa hoàn thành. Chính việc nhiều công trình chưa được thi công, thi công xong chưa bàn giao đã có dấu hiệu hư hỏng và việc hỗ trợ các hộ dân không kịp thời là nguyên nhân dẫn đến việc các hộ chưa ra ở đầy đủ như dự án ban đầu. Chẳng biết bao giờ lời hứa “tốt hơn hẳn nơi ở cũ” được thực thi để người dân an cư lạc nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.