|
Khi sinh ra, trẻ được học dựa trên cái nhìn, quan sát và bắt chước lặp lại. Ảnh minh họa: internet. |
Tham gia Hội nghị Nhi Khoa thế giới lần thứ 8 tổ chức tại London (Anh), Bác sĩ Anh Nguyễn (Bệnh viện ĐH Worcester, Anh quốc) và TS.BS Sallis (Viện Y Khoa UC Riverside, Mỹ) có cùng quan điểm về trí thông minh và sự phát triển toàn diện của não bộ.
BS Anh Nguyễn nghiên cứu dinh dưỡng và sự hoàn hảo của não bộ trong 7 năm đầu đời, một bước quyết định cho sự thông minh và thịnh vượng khi trẻ lớn. Trong khi đó, TS Sallis nghiên cứu về cách ứng xử của cha mẹ và cách cha mẹ ứng xử trong 7 năm đầu đời, quyết định sự toàn diện về não bộ trong sự hình thành nhân cách ở trẻ.
Theo BS Anh Nguyễn, việc hiểu về não bộ và sự phát triển của trẻ rất có ý nghĩa trong việc dạy con. Ngay từ lúc sinh và thậm chí ngay từ khi còn trong bụng mẹ, trẻ được lập trình như "một người tò mò" và luôn muốn học hỏi. Trẻ học cách nhận ra thế giới xung quanh từ cái chạm của mẹ, từ giọng nói ấm áp của cha, cách nói chuyện thân thiết của ông bà, cha mẹ và những người xung quanh.
Khi sinh ra, trẻ được học dựa trên cái nhìn, quan sát và bắt chước lặp lại từ những chuỗi đơn giản đến những bước phức tạp như nhoẻn miệng cười với mẹ. Nụ cười của mẹ khi nhìn bé, được bé phản ánh bởi hàng triệu tín hiệu thần kinh để phân tích làm sao bé tập nhếch môi, mở mắt rạng rỡ, và cười lại với mẹ.
Tất cả các chuỗi hoạt động trên được bé bắt đầu học từ 1 tháng tuổi nhưng phải đến 3 tháng tuổi, bé mới biết cách cười với mẹ. Rồi đến việc bé tập ăn, tập nhai, học cách cảm nhận vị thức ăn, hàng trăm vấn đề bé đều phải học và trải qua sự thất bại hàng trăm lần đến khi bé có thể làm được.
Cha mẹ nào từng trải nghiệm cảm giác sung sướng khi bé lần đầu làm được, nhưng chưa hẳn biết để làm được điều đó bé đã hàng trăm lần thất bại, và hàng triệu tế bào thần kinh được huy động để phân tích và bắt chước.
|
Dẫn dắt trẻ thành công không áp lực là cách mà cha mẹ tạo nên sự thịnh vượng trong cuộc đời trẻ. Ảnh minh họa: internet. |
Tuy nhiên, chính lập trình tự nhiên này làm bé cảm thấy sợ. Bé sợ nhất là ai đó đặt mục tiêu cho bé. Nghiên cứu của TS. Sallis cho thấy, khái niệm sự thành công của người châu Á và người phương Tây là khác biệt khá lớn.
Cha mẹ châu Á luôn đặt mục tiêu cuối cùng cho bé như bé phải là bác sĩ, bé phải làm kĩ sư, phải đậu đại học, phải học tiến sĩ... Trong khi, cha mẹ phương Tây chỉ nhìn vào quy trình con cố gắng mà khuyến khích, khen ngợi và tiếp tục dẫn trẻ đến mục tiêu, từng bước khen và khích lệ.
Khi trẻ ngã, cha mẹ Tây chỉ khích lệ trẻ đứng lên, khi trẻ thành công cha mẹ Tây rất vui, nhưng luôn biết rằng trẻ thành công là hiển nhiên, vì cả quy trình bé đều cố gắng như cách trẻ từng làm khi học cách cười, cách nói, cách đi khi còn nhỏ.
Cha mẹ đôi lúc cảm thấy hạnh phúc khi con đạt được mong đợi của cha mẹ, nhưng liệu đó có phải là mong đợi của trẻ? Trong trường hợp trẻ không đạt được mong đợi của cha mẹ, cha mẹ thất vọng và bé là người thất vọng nhất và thiếu tự tin nhất về bản thân vì bé đã chạm đến nỗi sợ hãi lớn nhất trong đời.
Để trẻ thành công trong tương lai, cha mẹ nên nhìn vào quy trình tiến bộ của con và không nên đặt mục tiêu. Cha mẹ nên để mục tiêu đó trong đầu mình và từng bước khuyến khích trẻ đến mục tiêu đó.
Ví dụ, khi trẻ học giải một bài toán, cha mẹ châu Á thường nói: "Con giỏi quá, làm được cả bài toán khó này". Nhưng cách nói khác làm trẻ ít áp lực và luôn làm trẻ thành công: "Con đã làm được, mẹ tự hào về con, chúng ta cùng nhau làm bài tiếp theo nhé".
Dẫn dắt trẻ thành công không áp lực là cách mà cha mẹ tạo nên sự thịnh vượng trong cuộc đời trẻ, cũng chính là sự thịnh vượng của một quốc gia sau này.