Đi săn “lốt xe”
Lấy nhau được 10 năm, có cả nếp cả tẻ, bố mẹ cho tiền, cộng với vay mượn, vợ chồng anh Hải mua được căn chung cư hơn 100 m2, ở 234 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Mấy năm làm ăn khấm khá, hai vợ chồng cũng tích cóp được tiền trả nợ. Cuộc sống hạnh phúc, dư giả nên họ quyết định đi học lái xe rồi sắm ô tô, để đi làm và về quê thăm bố mẹ.
Sau mấy tháng tranh thủ bổ túc tay lái, vợ chồng anh Hải đã có được tấm bằng lái xe hạng B2. Họ quyết định sẽ tậu con xe Vios màu đen, vừa hợp túi tiền, dáng cũng đẹp hơn mấy dòng xe khác cùng tầm tiền. Tuy nhiên, điều mà họ băn khoăn nhất không phải là tiền mua xe mà lại chính là chưa có chỗ để gửi xe.
“Cách đây hai năm, tôi đưa vợ đến xem để mua nhà, tầng hầm tòa nhà rộng thênh thang, chỉ có vài chục xe ô tô. Vậy nên, khi mua nhà ở khu chung cư này, nghĩ mình chưa có tiền nên cũng không đăng ký “lốt xe” với ban quản trị tòa nhà. Vả lại, cũng nghĩ nếu đăng ký mua chỗ gửi ô tô mà không có xe, hàng tháng lại cõng gần 2 triệu đồng thì lãng phí.
Vậy mà giờ có điều kiện mua xe, lại không có chỗ gửi xe, mặc dù mấy tháng nay đã cố gắng tìm kiếm” - anh Hải cho biết. Thực ra, theo anh Hải, trong tòa nhà các “lốt xe” đều đã có chủ. Song, cũng có một số “lốt” bỏ trống bởi chủ bán xe. Dân cư trong tòa nhà nếu có nhu cầu thì phải chấp nhận mua lại với giá 15 - 30 triệu đồng/lốt.
Chị Lệ Thu sống tại khu tái định cư Nam Trung Yên (Cầu Giấy) cũng phân vân chuyện tìm chỗ gửi xe. Nơi họ đang sống vốn thuộc diện đền bù giải tỏa sau cùng khu Ô Chợ Dừa nên tòa nhà chật chội, tầng 1 chỉ đủ để xe máy, khoảng vỉa hè xung quanh hẹp, không có chỗ gửi xe ô tô. Vì thế, nếu mua xe, vợ chồng chị Thu phải chấp nhận gửi ở bãi đỗ xa nhà, với mức phí 2.200.000 đồng/tháng, vừa bất tiện, lại vừa đắt.
Chị Thu Nga, sống ở khu chung cư Tân Hoàng Minh, Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: Tòa nhà quy định, mỗi gia đình được gửi 2 xe ô tô. Cái thứ nhất giá 1,5 triệu đồng/tháng; Cái thứ hai tăng thêm 300.000 đồng/xe. Tuy nhiên, nếu gia đình nào muốn sở hữu vĩnh viễn thì sẽ trả một lần với số tiền 20.000 USD/ “lốt xe”.
Vì đâu nên nỗi
Theo TS.KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam: “Đời sống ngày càng được nâng cao, sắm xe ô tô với người dân không còn là chuyện hiếm. Mua xe thì dễ nhưng tìm chỗ gửi xe mới khó. Đặc biệt, tại các khu chung cư tập trung đông dân ở thành phố lớn như Hà Nội hay TPHCM, do quy hoạch thiếu đồng bộ, các tòa nhà xây dựng san sát, không có không gian riêng.
Các nhà đầu tư chỉ nghĩ đến có nhiều diện tích sàn để bán chứ không nghĩ rằng, tòa nhà càng đông dân, nhu cầu dân sinh, trong đó chỗ gửi xe lại càng cao, nhất là gửi một chiếc ô tô diện tích gấp 4 - 5 lần chiếc xe máy. Chỉ tính một tòa nhà cao hơn 30 tầng, mỗi tầng 10 căn, sẽ có gần 400 gia đình sinh sống. Mỗi gia đình có một xe ô tô thì một tòa sẽ có hơn 300 xe ô tô. Trong khi diện tích tòa nhà chỉ rộng hơn 1.000 m2 sàn, không thể có đủ chỗ trông xe”.
Các nhà quy hoạch đô thị cũng chỉ ra rằng, cơ cấu phương tiện giao thông của Thủ đô Hà Nội chưa hợp lý, gây quá tải với đô thị trung tâm, chưa thuận lợi trong liên kết vùng. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có gần 10 vạn ô tô, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành khác tham gia giao thông. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011 - 2016 của ô tô là 10,2%/năm, trong khi xe máy là 6,7%/năm.
Đất chật, người đông. Dân cư sống trong các tòa chung cư. Nếu chậm một chút, chắc chắn sẽ khó tìm được chỗ gửi xe ô tô ngay trong chính tòa nhà mình ở. Đó là một thực tế hiện nay của người dân thành thị, có tiền mua nhưng khó tìm chỗ gửi xe ô tô.