Cần sớm chuyển thanh toán tiền mặt sang thanh toán số
Đánh giá ban đầu về kinh tế số ở Việt Nam, ông JustinWood (chuyên gia Ngân hàng Thế giới - World Bank) cho rằng: Việt Nam hiện nay cũng như nhiều quốc gia khác chủ yếu dựa vào nền kinh tế “tiền mặt”. Trong khi đó, các quốc gia phát triển kinh tế số thì chủ yếu thực hiện thanh toán điện tử, thanh toán bằng thẻ.
Những yếu tố hỗ trợ phát triển nền kinh tế số, chẳng hạn như việc thanh toán bằng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, rồi cách sử dụng các loại thẻ ngân hàng để thanh toán trong thương mại điện tử. Hay như vấn đề thời gian vận chuyển hàng hóa trong thương mại điện tử, người tiêu dùng có thể quan tâm sẽ mất bao nhiêu thời gian để họ nhận được hàng hóa mua trên mạng... Những vấn đề đó hết sức quan trọng trong việc doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử.
Ông JustinWood cũng cho rằng, việc Việt Nam thông qua Luật An ninh mạng mới đây là rất cần thiết. Điều này phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế số, phù hợp với xu hướng chung trên thế giới. “Những khuôn khổ pháp lý sẽ giúp bảo vệ các dữ liệu thương mại điện tử, cũng như bảo vệ người tiêu dùng. Ví dụ, khi chúng ta mua gì đó qua online trên Internet, nếu mặt hàng không đảm bảo chất lượng như quảng cáo thì chúng ta hoàn toàn có quyền trả lại hàng cho người bán” - chuyên gia nêu dẫn chứng cụ thể.
Liên quan đến tỷ lệ người sử dụng các mạng xã hội để mua hàng, với câu hỏi: Người tiêu dùng mua gì qua trực tuyến thông qua mạng xã hội? Một khảo sát đã cho thấy phần lớn người tiêu dùng mua quần áo, các phụ kiện thời trang, trang sức, mỹ phẩm...
Nếu Việt Nam ứng dụng công nghệ số nhiều hơn sẽ hỗ trợ tốt hơn cho hội nhập tài chính. Trong khi tỷ lệ thanh toán điện tử ở Việt Nam đang còn ở mức thấp. Số người có tài khoản ngân hàng chiếm khoảng 40%. Vì vậy để hội nhập tài chính tốt hơn nữa cần phải cân nhắc nhiều vấn đề, trong đó có việc sử dụng tài chính số (thanh toán số) trong thương mại.
Việt Nam đang phát triển kinh tế số ở mức độ nào?
Thẻ ngân hàng đã thanh toán được tiện lợi qua hình thức post |
“Việt Nam đang nằm ở mức trung bình của thế giới trong phát triển số hóa (dựa theo nhiều dữ liệu, yếu tố). Về khía cạnh kết nối, tỷ lệ người sử dụng mạng 3G ở Việt Nam hiện nay tương đối cao, nhưng với công nghệ 4G và thế giới đã có 5G thì Việt Nam mới chỉ đạt 3% về số người sử dụng 4G.
Tuy nhiên, tôi cho rằng rất ít quốc gia trên thế giới đạt được tỷ lệ người dân sử dụng 3G cao như ở Việt Nam. Tôi biết rằng, Việt Nam đã đầu tư rất nhiều vào công nghệ 3G. Tuy nhiên, trong tương lai việc đầu tư cho 4G cần tính đến sớm, bởi tỷ lệ 3% người sử dụng 4G lại là tương đối thấp. Mặc dù chi phí đầu tư vào 4G cao, nhưng tôi nghĩ rằng Việt Nam vẫn phải cân nhắc đến sự đầu tư này” - chuyên gia World Bank phân tích.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đã phát biểu trong hội thảo về kinh tế số mới đây, cho biết: Kinh tế số được xác định là một trong những trụ cột tất yếu, có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, tạo ra bước đột phá cho mỗi quốc gia, trong bối cảnh thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Xu hướng số hóa, hay công cuộc chuyển đổi số ở Việt Nam đang phát triển trong mọi lĩnh vực (thương mại, thanh toán, giáo dục, y tế, vận chuyển, du lịch…). Nền kinh tế số dựa trên nền tảng công nghệ số, tích hợp các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất. Nhất là những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn như lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối (Blockchain) đang được đầu tư phát triển trên thế giới, làm thay đổi căn bản nền sản xuất.