Damascus sụp đổ, đất nước Syria sẽ bị chia cắt?

GD&TĐ - Chính quyền của ông Bashar al-Assad sụp đổ có thể dẫn tới việc lãnh thổ Syria sẽ chia năm sẻ bảy bởi các lực lượng ủy nhiệm của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Damascus sụp đổ, đất nước Syria sẽ bị chia cắt?

Mỹ tuyên bố không cho phép Thổ Nhĩ Kỳ đánh người Kurd

Sau khi chính quyền của ông Bashar al-Assad sụp đổ ở Syria dưới sự tấn công của Hay’at Tahrir al-Sham (HTS), giao tranh đang mở rộng giữa các nhóm vũ trang được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn và người Kurd Syria, những người được Mỹ hỗ trợ và hiện đang kiểm soát các khu vực lãnh thổ phía bắc của đất nước.

Trận chiến giữa hai phe nhóm vũ trang được nước ngoài hậu thuẫn diễn ra kể từ ngày 8 tháng 12 và vào ngày 9 tháng 12, các trang công khai của “Quân đội Quốc gia Syria” (SNA) thân Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa tin về các trận chiến tại Raqqa, thủ đô tự phong của tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS), cho đến khi người Kurd chiếm lấy nó như vũ bão.

Để hỗ trợ cho lực lượng ủy nhiệm ở Syria, giới chính khách Hoa Kỳ đã kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Tiêu biểu là Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Lindsey Graham đã tuyên bố sẵn sàng phát triển các đạo luật chống lại Thổ Nhĩ Kỳ nếu các nhóm vũ trang Syria được Ankara hậu thuẫn triển khai cuộc chiến với Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), với nòng cốt là “Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd” (YPG).

Theo vị Thượng nghị sĩ Mỹ, Nếu Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện hành động quân sự chống lại lực lượng người Kurd ở Syria, điều đó sẽ gây nguy hiểm nghiêm trọng cho lợi ích của Washington.

Trước đây, Lindsey Graham đã soạn thảo các lệnh trừng phạt chống lại Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này thực hiện hành động quân sự chống lại người Kurd, lực lượng đã giúp Tổng thống Donald Trump tiêu diệt IS, và hiện nay ông này sẵn sàng thúc đẩy các đạo luật này đạt được sự đồng thuận của lưỡng đảng.

Ông Lindsey Graham nhấn mạnh, lực lượng vũ trang của người Kurd Syria đang giam giữ khoảng 50 nghìn tay súng IS và không thể để những kẻ khủng bố này được thả ra.

Bên cạnh đó, giới chức Israel cũng là một thế lực nước ngoài có vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ người Kurd, để tạo đối trọng với Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Thiếu tướng dự bị Noame Tivone cho biết, Israel từ lâu đã nỗ lực hậu thuẫn cho nhóm dân tộc bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là “tổ chức khủng bố” và chính quyền Tel Aviv “rất quan tâm đến việc thành lập một nhà nước của người Kurd ở Syria”.

Trong khi đó, có rất nhiều người trong ê kíp chính quyền tương lai của Tổng thống Donald Trump cũng ủng hộ một nền độc lập cho người Kurd.

Triển vọng lập quốc cho người Kurd

Trên thực tế, vấn đề độc lập cho người Kurd đã được Mỹ ấp ủ từ trước đây rất lâu nhưng nó khó có triển vọng thành công khi lực lượng quân sự Nga hiện diện mạnh mẽ ở Syria, chính quyền của ông Bashar al-Assad còn vững vàng, trong khi các nhóm phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn bị giam chân ở Idlib, còn người Kurd ổn định trong khu vực có lực lượng Mỹ trấn thủ, hình thành một cục diện chân vạc khó bị phá vỡ.

Tuy nhiên, loạn thế đã tạo ra cục diện mới. Trong bối cảnh Moscow đang sa lầy trong cuộc xung đột ở Ukraine, còn chính quyền thân Nga vừa mới sụp đổ, cuộc chơi ở Syria hiện chỉ còn là sự đấu đá của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Vì vậy, rất có thể Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và các lực lượng ủy nhiệm ở Syria dưới sự chỉ huy của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cố gắng đánh bại người Kurd ngay cả trước lễ nhậm chức của tân tổng thống Mỹ (ngày 20/01/2025), nhằm đặt ông Donald Trump trước “một tình thế đã rồi”.

Tuy nhiên, Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) là một đội quân được trang bị tốt (do Mỹ cung cấp), thiện chiến (được Mỹ huấn luyện và trải qua thực chiến lâu dài với IS và thậm chí là Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ), có tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao (xuất phát từ khát vọng lập quốc của người Kurd) nên họ sẽ không dễ bị đánh bại.

Thêm vào đó, mặc dù có bất cứ mâu thuẫn gì nhưng Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ về bản chất vẫn là đồng minh trong NATO và sự thỏa hiệp giữa hai nước này là điều hoàn toàn có thể xảy ra, nếu điều đó đồng nghĩa với việc loại bỏ được ảnh hưởng của Nga và Iran ở Syria.

Do đó, giới phân tích cho rằng, triển vọng thành lập một quốc gia riêng cho người Kurd là hoàn toàn khả thi, với “lằn ranh đỏ” của Ankara là lãnh thổ người Kurd sẽ giới hạn từ biên giới Iraq đến bờ đông sông Euphrates, còn phần bờ Tây con sông sẽ là lãnh thổ do lực lượng được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ