Đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương

GD&TĐ - Kế hoạch đầu tư công trung hạn lần đầu tiên được triển khai là bước đổi mới quan trọng trong quản lý tài chính, ngân sách, đầu tư công trên cơ sở gắn kết giữa kế hoạch trung hạn 5 năm và dự toán hàng năm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Phú Cường tại kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Phú Cường tại kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, sáng ngày 24/7, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Tại Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho rằng, trong thời gian qua (giai đoạn 2016-2020), kế hoạch đầu tư công trung hạn lần đầu tiên được triển khai thực hiện. Đây là bước đổi mới quan trọng trong quản lý tài chính, ngân sách, đầu tư công trên cơ sở gắn kết giữa kế hoạch trung hạn 5 năm và dự toán hàng năm.

Theo đó, nhiều tồn tại, hạn chế của giai đoạn 2011-2015 được từng bước khắc phục. Thể chế pháp luật về đầu tư công từng bước được hoàn thiện. Việc phân bổ vốn cơ bản tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, định mức...

Công tác chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công được quan tâm, nhất là trong điều kiện đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa thúc đẩy phát triển kinh tế.

Các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng trong giai đoạn đã phát huy hiệu quả kinh tế xã hội, tạo động lực quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.

Bên cạnh kết quả đạt được, Ủy ban Tài chính-Ngân sách nhận thấy kế hoạch đầu tư công trung hạn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

Việc hoàn thành các mục tiêu theo Nghị quyết 26 chưa thành công; nhiều dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm chậm tiến độ. Một số công trình phải điều chỉnh tổng mức đầu tư quá lớn. Nhiều trường hợp bố trí vốn không đúng tiến độ, nhiều dự án chưa đủ thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư công.

Đồng thời, việc giải ngân còn chậm, nhất là các dự án sử dụng vốn ODA.... Ủy ban Tài chính-Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ có giải pháp quyết liệt để khắc phục trong thời gian tới.

Về tổng mức đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, về tổng thể, vốn đầu tư công dự kiến tăng so với số kế hoạch giai đoạn 2016-2020 là tích cực.

Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát thận trọng nguồn thu để bảo đảm tính khả thi của kế hoạch, giữ vững an toàn nợ công; bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng với các nhiệm vụ an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững…

Về cơ cấu nguồn vốn, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính-Ngân sách nhất trí với đề xuất của Chính phủ về cơ cấu vốn ngân sách trung ương (NSTW) và ngân sách địa phương (NSĐP) để đảm bảo vai trò chủ đạo của NSTW.

Ủy ban Tài chính-Ngân sách cũng cơ bản nhất trí về danh mục và tổng vốn đầu tư dành cho các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG). Tuy nhiên, việc hoàn thành thủ tục triển khai các CTMTQG cho đến nay là quá chậm.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ rà soát lại nhiệm vụ, mục tiêu, đối tượng, địa bàn để bảo đảm không trùng lắp, gây lãng phí ngân sách.

Hơn nữa, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia, tránh việc chia nhỏ dự án không đúng quy định.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, Ủy ban Tài chính-Ngân sách cũng nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc hỗ trợ thực hiện các dự án kết nối, có tác động liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó kết hợp nguồn vốn chủ đạo của trung ương và địa phương.

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ giải trình, làm rõ một số nội dung về trật tự ưu tiên trong phương án phân bổ. Cụ thể là việc thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, các khoản thuộc nghĩa vụ của NSTW và vốn ứng trước, việc cấp bù chênh lệch lãi suất; các dự án chuyển tiếp; việc phân bổ vốn cho dự án khởi công mới…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ