Đảm bảo người dân có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn sau khi thu hồi đất thực hiện dự án

GD&TĐ - Chiều 10/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc–Cần Thơ-Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa-Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên

Triển khai sớm việc đền bù tái định cư

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên bày tỏ nhất trí cao với Tờ trình, Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội và dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư đường bộ cao tốc giai đoạn 1 tuyến Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng; Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột; Biên Hòa-Vũng Tàu.

Đại biểu cho rằng, việc thông qua chủ trương đầu tư và triển khai thực hiện các dự án này là rất cần thiết nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua. Đồng thời, việc đầu tư các tuyến cao tốc này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các vùng có tuyến cao tốc đi qua, giúp tăng cường việc bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Theo đại biểu, các Dự án được lập cơ bản phù hợp với Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua; Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phù hợp với quy hoạch có liên quan và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Các dự án này đã kết nối với những vùng trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội của các tỉnh, thành phố nơi đường cao tốc đi qua, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo tiền đề phát triển lâu dài và bền vững cho cả vùng kinh tế.

Trong nghiên cứu tiền khả thi của dự án, đại biểu đề nghị làm rõ hơn công tác kiểm đếm phương án đền bù tái định cư, cần có phương án giải quyết đồng bộ, cụ thể và triển khai sớm. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị các địa phương tập trung thực hiện để sớm ổn định đời sống người dân, đẩy nhanh tiến độ dự án.

Về phương án cho nguyên vật liệu, đại biểu cho rằng cần nghiên cứu, xem xét, tính toán kỹ phương án vận chuyển để không làm ảnh hưởng đến đời sống người dân. Ngoài ra, để phát huy hiệu quả quỹ đất hai bên đường cao tốc, đại biểu đề nghị các tỉnh, thành phố sớm triển khai việc xác định quy hoạch các khu đô thị, công nghiệp xung quanh, đưa vào điều chỉnh trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia, để phát huy hiệu quả sử dụng đất đai xung quanh đường cao tốc.

Cần tính toán lại phương án thiết kế điểm dừng xe khẩn cấp

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, thiết kế bố trí điểm dừng xe khẩn cấp thay vì làn dừng khẩn cấp liên tục là chưa hợp lý. Đại biểu làm rõ, nếu vì mục đích dừng khẩn cấp nhưng do sự cố nguy hiểm hay tai nạn thì xác suất xảy ra tại các điểm dừng này là rất là thấp, nên là tác dụng của các điểm dừng khẩn cấp là sẽ không phát huy tác dụng.

Bên cạnh đó, thì việc bố trí điểm dừng sẽ tạo điều kiện cho một số người chưa có ý thức khi lưu thông trên đường cao tốc sẽ dừng xe để nghỉ ngơi, để chụp ảnh, ăn uống, thậm chí là vệ sinh cá nhân…. Đại biểu nêu rõ việc vào ra điểm dừng khẩn cấp như vật sẽ có nguy cơ rất cao gây ra các tai nạn nguy hiểm trên đường cao tốc.

Do đó, trong trường hợp không có đủ kinh phí để làm làn dừng xe khẩn cấp liên tục, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị Bộ Giao thông vận tải tính toán lại tổng số tiền làm các điểm dừng khẩn cấp này để làm các hạng mục gồm hộ lan nhựa di động và các thùng nhựa chuyên dụng đựng đầy nước; cứ 20 km sẽ là một lối rẽ và có một khu vệ sinh công cộng cho lái xe, hành khách.

Trong một đoạn dài và dựa vào quy hoạch về các đường kết nối với tuyến đường khác thì nếu còn dư vốn sẽ tạo thêm các lối rẽ chờ để sau này thuận lợi cho việc kết nối giao thông với các tuyến đường khác.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cũng lưu ý về hướng tuyến của đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột là hướng Đông Đông Nam đến Tây Tây Bắc. Như vậy hướng buổi chiều đi lên Buôn Ma Thuột sẽ rất chói nắng và tùy theo mùa trong năm hướng mặt trời cũng thay đổi.

Đại biểu đề nghị trong thiết kế phải ưu tiên lợi thế tự nhiên của đồi núi, cây xanh để đảm bảo lái xe không bị chói nắng, đặc biệt là qua các đường cong và bảo đảm giữ lại các khu vực mà có cây xanh hiện hữu, có tác dụng che nắng cho các phương tiện. Đại biểu đề nghị là có kế hoạch trồng cây che nắng.

Quan tâm đến chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh thống nhất với chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) như trong Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Đại biểu khẳng định, đây là các tuyến đường đã được đưa vào quy hoạch trong hệ thống giao thông quốc gia và việc đầu tư 3 tuyến đường ở giai đoạn này là cần thiết và phù hợp, nhằm giải quyết điểm nghẽn về giao thông, đồng thời kết nối giao thông, nhằm phát triển kinh tế xã hội.

Đại biểu cũng ủng hộ chủ trương đầu tư các tuyến giao thông theo quy hoạch, mang tính định hướng để dẫn dắt và là điều kiện cần thiết để tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của các vùng, mà không phải căn cứ vào lưu lượng phương tiện giao thông.

Phân tích sự cần thiết đầu tư 3 dự án, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng, sau khi được triển khai sẽ phát huy hiệu quả ngay sau khi hoàn thành. Đại biểu cũng đồng tình với đề xuất của Chính phủ và Ủy ban Kinh tế về sử dụng vốn đầu tư công cho 3 dự án này trong nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn năm 2021-2025 và nguồn được bố trí cho chương trình phục hồi kinh tế.

Đại biểu đoàn TP Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ và các địa phương quan tâm đến chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án, đảm bảo đời sống của người dân có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn sau khi thu hồi đất. Ngoài ra, Chính phủ có giải pháp để đảm bảo tiến độ của dự án và chất lượng của các công trình sau khi hoàn thành.

Trước đó, ngày 6/6, Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1). Quốc hội cũng thảo luận tại tổ về nội dung này. Tổng Thư ký Quốc hội đã có Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận gửi các đại biểu Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận các nội dung đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra và gợi ý thảo luận của các cơ quan thẩm tra, trong đó tập trung vào các nội dung: sự phù hợp của dự án quy hoạch; kế hoạch, phạm vi, quy mô, hình thức đầu tư; nhu cầu sử dụng đất; phương án giải phóng mặt bằng; tổng mức đầu tư; nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; phân kỳ tiến độ thực hiện dự án; phương án thu phí để thu hồi vốn, hoàn trả ngân sách trung ương; các cơ chế, chính sách của Chính phủ đề nghị áp dụng cho dự án.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.