Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh, liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017), phóng viên báo Giáo dục & Thời đại đã trao đổi với ông Nguyễn Thành Vũ - Phó chủ tịch UBND huyện Triệu Phong (Quảng Trị) về công tác đề ơn đáp nghĩa.
* Được biết, huyện Triệu Phong là mảnh đất chịu nhiều đau thương do chiến tranh gây ra. Nơi đây có hàng nghìn đối tượng chính sách và hàng trăm bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Vậy công tác chăm lo người công với nước được địa phương thực hiện như thế nào - thưa ông?
- Ông Nguyễn Thành Vũ: Trong hơn 55.000 anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống trên mảnh đất Quảng Trị thì quê hương Triệu Phong - nơi đã từng là chiếc nôi của cách mạng - đã có trên 6.000 anh hùng liệt sỹ yên nghĩ trong lòng đất Mẹ.
Toàn huyện hiện nay có khoảng 3.400 đối tượng đang được hưởng chế độ chính sách người có công với cách mạng, trong đó có hơn 400 bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Hiện nay 11 Mẹ đang còn sống.
Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Triệu Phong luôn coi trọng công tác đền ơn đáp nghĩa và coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng bộ và chính quyền địa phương.
Chúng tôi tập trung cấp dưỡng, chăm lo đời sống cho các Mẹ Việt Nam anh hùng, chăm lo giải quyết các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng và thường xuyên nâng cao chất lượng đời sống để đảm bảo người có công với cách mạng có một cuộc sống bằng và tốt hơn những người dân bình thường.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Triệu Phong có 18 nghĩa trang liệt sĩ. chúng tôi đã tổ chức xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các nghĩa trang, để đảm bảo việc thăm viếng của các thân nhân các anh hùng liệt sĩ trên mọi miền đất nước được chu đáo.
Ông Nguyễn Thành Vũ - Phó chủ tịch UBND huyện Triệu Phong: Thường xuyên nâng cao chất lượng đời sống để đảm bảo người có công với cách mạng có một cuộc sống bằng và tốt hơn những người dân bình thường. |
* Vậy trên địa bàn huyện còn nhiều ngôi mộ liệt sỹ chưa biết tên?
- Ông Nguyễn Thành Vũ: Trên địa bàn huyện Triệu Phong có khoảng trên 6.000 mộ liệt sỹ, thì còn khoảng hơn 2.000 liệt sĩ chưa biết tên. Đa số các mộ này là của những chiến sĩ trên mọi miền đất nước, nhiều nhất là các tỉnh phía Bắc. Chúng tôi cũng rất trăn trở trước nỗi đau mất mát này và hiện đang phối hợp với các bộ, ngành Trung để xác định danh tính của các anh hùng liệt sĩ.
* Vậy, ông có thể cho biết: Công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, nhất là với học sinh đã được Đảng bộ và chính quyền triển khai thực hiện như thế nào?
- Ông Nguyễn Thành Vũ: Chúng tôi xác định công tác đền ơn đáp nghĩa là một việc làm thường xuyên, do đó Đảng bộ và chính quyền luôn coi trọng giáo dục truyền thống này cho thế hệ trẻ, nhất là đối với các em học sinh, sinh viên.
Theo đó, để giáo dục cho lớp trẻ hiểu được những hi sinh mất mát của các thế, hệ ch,a ông trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; chúng tôi tổ chức những việc làm thiết thực như:
Nhận chăm sóc phụng dưỡng bà Mẹ Việt Nam anh hùng; thăm hỏi, tặng quà cho các thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ nhân Ngày thương binh liệt sỹ 27/7 và Ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước 30/4.
Ngoài ra, giao cho Đoàn thanh niên của các trường học nhận chăm sóc các phần mộ và các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chỉ đạo các trường học: thông qua giờ chào cờ đầu tuần và các hoạt động ngoại khóa để giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước của dân tộc cho các em học sinh.
Qua nắm bắt, hiện các trường đã thực hiện khá tốt việc này. Nhiều trường đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho học sinh theo các chuyên đề, chủ đề cụ thể, có gắn lý thuyết và đi thực tế như:
Tổ chức cho học sinh đến thăm các địa danh cách mạng, nói chuyện, trao đổi với các cựu chiến binh - những người trực tiếp tham gia chiến tranh và tổ chức cho các em tham gia lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ nhân Ngày thương binh, liệt sỹ 27/7.
Xin cảm ơn ông Nguyễn Thành Vũ!