(GD&TĐ) - Phấn đấu hoàn thành và vượt dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2012 đã được phê duyệt; quản lý chặt chẽ công tác hoàn thuế, bảo đảm đúng đối tượng và theo đúng chế độ quy định; tăng cường quản lý chi NSNN, bảo đảm tiết kiệm, chặt chẽ và hiệu quả… Đó là những yêu cầu Chính phủ đặt ra cho các bộ, ngành, các địa phương trên cả nước trong điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính – NSNN những tháng cuối năm 2012.
Chủ động dành nguồn từ ngân sách địa phương cho các nhiệm vụ chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh... |
Đánh giá của các cơ quan chức năng và nhất là những kết quả cụ thể công bố mới đây của cơ quan thống kê nhà nước cho thấy, từ đầu năm 2012 tới nay, các Bộ ngành, địa phương đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2012, nhờ đó tình hình kinh tế - xã hội đã có những chuyển biến tích cực, đúng hướng và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, kinh tế nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; tăng trưởng kinh tế đạt thấp hơn so với mục tiêu nhiệm vụ và thấp hơn cùng kỳ các năm trước, chỉ số tồn kho ở mức cao, sức mua thị trường trong nước tăng chậm, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng; qua đó làm ảnh hưởng đến thu, chi NSNN, huy động vốn cho NSNN và đầu tư phát triển.
Để phấn đấu hoàn thành mức cao nhất và bảo đảm sự chủ động trong điều hành nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2011 theo dự toán đã được Quốc hội phê duyệt, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương... tập trung, chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Về thu NSNN, cần bám sát tình hình thực tế, chủ động có giải pháp phù hợp trong chỉ đạo điều hành để phấn đấu hoàn thành và vượt dự toán thu NSNN năm 2012 đã được phê duyệt, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ: Rà soát, nắm chắc các nguồn thu và đối tượng thu nộp ngân sách trên địa bàn, phấn đấu thu ở các lĩnh vực, ngành nghề có điều kiện để bù đắp các phần giảm thu do thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thời hạn nộp thuế; Kiểm tra, kiểm soát việc kê khai, quyết toán thuế của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào NSNN.
Đôn đốc thu đối với số thuế được gia hạn đến hạn phải nộp vào ngân sách. Quản lý chặt chẽ công tác hoàn thuế, bảo đảm đúng đối tượng và theo đúng chế độ quy định; Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra thuế và phối hợp giữa cơ quan thu, cơ quan tài chính và các lực lượng chức năng trong công tác quản lý thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng; Tăng cường phòng, chống, gian lận thương mại, chuyển giá, gian lận giá nhập khẩu và buôn lậu qua biên giới, nhất là các mặt hàng xăng, dầu thuốc lá, khoáng sản. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện quy định về quản lý giá, thuế, phí đối với những mặt hàng thuộc danh mục nhà nước định giá, mặt hàng thực hiện bình ổn giá, những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống.
Về chi NSNN, cần phải tăng cường quản lý chi NSNN, bảo đảm tiết kiệm, chặt chẽ và hiệu quả. Nghiêm túc thực hiện chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên, rà soát, sắp xếp lại, cắt, giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết, tiết giảm tối đa chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu, chi phí lễ hội, khánh tiết, hội nghị, hội thảo, đi công tác trong và ngoài nước...; Rà soát, sắp xếp và phân loại các nhiệm vụ chi theo thứ tự ưu tiên và thực hiện chi trong phạm vi nguồn thu được hưởng theo phân cấp và dự toán được giao, đúng tiêu chuẩn, chế độ, định mức chi tiêu đã quy định.
Hạn chế tối đa việc bổ sung ngoài dự toán và ứng vốn, trừ trường hợp thật sự cần thiết, cấp bách và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Cơ quan tài chính và Kho bạc Nhà nước các cấp tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chi NSNN, đảm bảo chi ngân sách đúng chế độ.
Chỉ cho phép chuyển nguồn để thực hiện chế độ tiền lương mới, chuyển nguồn của các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp thực hiện theo cơ chế tự chủ về tài chính, chi cho các đề tài nghiên cứu khoa học theo Nghị quyết của Quốc Hội; tập trung thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư phát triển, nhất là đối với nguồn vốn đầu tư từ NSNN, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra các khoản chi ngân sách trong phạm vi quản lý và theo chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm sử dụng ngân sách đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả và theo đúng chế độ quy định.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ khả năng thu để chủ động tổ chức điều hành chi ngân sách địa phương. Trường hợp thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất) giảm so với với dự toán giao, sau khi đã thực hiện các biện pháp tiết giảm chi mà vẫn không bù đắp được số giảm thu, các địa phương chủ động sử dụng các nguồn lực tài chính của địa phương, như nguồn cải cách tiền lương còn dư sau khi đã đảm bảo nguồn cải cách tiền lương theo lộ trình, tăng thu ngân sách địa phương năm 2011 sau khi đã dành nguồn để thực hiện cải cách tiền lương theo quy định (nếu có), quỹ dự trữ tài chính và kết dư ngân sách địa phương năm 2011 theo quy định của Luật NSNN... để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương.
Đối với số thu tiền sử dụng đất, trường hợp giảm thu so với dự toán thì thực hiện cắt giảm, hoặc hoãn, giãn tiến độ thực hiện của công trình, dự án được bố trí chi từ nguồn thu này; Chủ động dành nguồn từ ngân sách địa phương và sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để tập trung cho các nhiệm vụ chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và xử lý các nhu cầu cấp thiết về an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh tại địa phương.
Điểm nhấn cuối cùng trong chỉ đạo của Chính phủ giao cho các bộ ngành, các địa phương là hạn chế tối đa đề nghị Trung ương hỗ trợ, ứng vốn, trừ trường hợp đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ quyết định; trường hợp ngân sách địa phương trong quá trình điều hành bị thiếu hụt tạm thời do nguồn thu chưa tập trung kịp; sau khi đã chủ động sử dụng các nguồn lực tài chính của địa phương mà vẫn không đủ đáp ứng các chu cầu chi, địa phương có báo cáo về Bộ Tài chính để xử lý.
Thanh Tuấn