Với ý kiến này của cử tri, Bộ GD&ĐT cho biết:
Thứ nhất, đối với các trường dạy hòa nhập cho NKT:
Chế độ phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên dạy hòa nhập cho NKT được thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 7 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ. Theo đó: Phụ cấp ưu đãi giảng dạy NKT = Tiền lương 01 giờ dạy của giáo viên x 0,2 x Tổng số giờ thực tế giảng dạy ở lớp có NKT.
Đối với giáo viên mầm non (GVMN) dạy hòa nhập thực hiện theo khoản 3, Điều 4 Thông tư số 48/2011/TT-BGDĐT ngày 25/10/2011 quy định chế độ làm việc GVMN: Giáo viên dạy lớp có trẻ khuyết tật học hòa nhập, cứ có 1 trẻ khuyết tật/lớp mỗi giáo viên được tính thêm 0,5 giờ dạy/ngày.
Căn cứ Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ, cán bộ quản lý, nhân viên trong các trường mầm non, phổ thông dạy hòa nhập không được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi dạy NKT.
Thứ hai, đối với các trường chuyên biệt dạy HS khuyết tật: Thực hiện theo Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006. Mức phụ cấp 70% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với nhà giáo, cán bộ quản lý GD đang công tác tại trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật.
Nhà giáo, cán bộ quản lý GD đang công tác tại trường chuyên biệt được hưởng hệ số phụ cấp trách nhiệm 0,3 so với mức lương tối thiểu.
Thứ ba, chế độ phụ cấp cho nhân viên hỗ trợ GD NKT: Hiện nay Bộ GD&ĐT đã ban hành về tiêu chuẩn chức danh (Thông tư liên tịch số 19/2016/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 22/6/2016 quy định tiêu chuẩn nhân viên hỗ trợ GD NKT trong các cơ sở GD công lập) và vị trí việc làm của nhân viên hỗ trợ GD NKT (Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 quy định khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm cơ sở giáo dục phổ thông công lập). Trên cơ sở này và thực tế công tác, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ nghiên cứu, đề xuất trong lộ trình cải cách chính sách tiền lương của Chính phủ.
Không để giáo viên mầm non thiệt thòi
Một số ý kiến cử tri lại đề cập tới chế độ làm việc đối với GVMN theo Thông tư số 48/2011/TT-BGDĐT ngày 25/10/2011 quy định là 40 giờ/tuần. Nhưng thực tế, GDMN làm việc hơn quy định 40 giờ/tuần, vì phải đến sớm nhận trẻ và phải về muộn chờ phụ huynh đón trẻ, bên cạnh đó còn chuẩn bị đồ dùng dạy học...
Bộ GD&ĐT cho biết:
Chế độ làm việc của GVMN được thực hiện theo Thông tư số 48/2011/TT-BGDĐT ngày 25/10/2011 của Bộ GD&ĐT. Theo đó, mỗi giáo viên dạy trên lớp đủ 6 giờ/ngày (đối với nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày), 4 giờ/ngày (đối với nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 1 buổi/ngày) và thực hiện các công việc chuẩn bị cho giờ dạy trên lớp cũng như các công việc khác do hiệu trưởng quy định để quy đổi đảm bảo làm việc 40 giờ/tuần. Quy định này đã được tính toán dựa trên các cơ sở khoa học phù hợp chương trình nuôi dưỡng, chăm sóc, GD trẻ và đặc thù nghề nghiệp của GDMN nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả lao động của GVMN.
Tuy nhiên, hiện nay ở một số địa phương do thiếu giáo viên theo định mức, đặc biệt ở một số địa phương phụ huynh có nhu cầu tăng giờ trông trẻ (làm việc theo ca kíp) nên tổng số giờ làm việc của GVMN vượt quá quy định trên dẫn đến tình trạng giáo viên phải làm thêm giờ. Đối với những trường hợp này, đề nghị các địa phương thực hiện việc chi trả chế độ làm thêm giờ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 8/3/2013.
Về lâu dài, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương ưu tiên bố trí đủ số lượng GVMN theo định mức quy định.
(còn nữa)