Chuẩn bị các điều kiện triển khai đổi mới Chương trình, SGK GDPT

GD&TĐ - Trong những kiến nghị được cử tri gửi tới Bộ GD&ĐT thời gian qua, rất nhiều ý kiến quan tâm tới lộ trình thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) và SGK mới, cũng như chế độ, chính sách cho đội ngũ nhà giáo. Có thể chia thành hai vấn đề cụ thể:

Chuẩn bị các điều kiện triển khai đổi mới Chương trình, SGK GDPT

- Cử tri đề nghị Bộ GD&ĐT cần có lộ trình để triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về lùi thời điểm thực hiện Chương trình GDPT và SGK mới cho phù hợp. Trong đó, chú trọng đến việc chuẩn bị nội dung SGK, đào tạo, tập huấn cho giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ để đáp ứng yêu cầu khi triển khai chương trình.

- Đề nghị Bộ GD&ĐT trình Chính phủ xem xét để các nhà giáo đang công tác tại các Sở, Phòng GD&ĐT được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo.

Các vấn đề này được Bộ GD&ĐT trả lời:

Trước hết, về lộ trình để triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về lùi thời điểm thực hiện Chương trình GDPT và SGK mới.

Ngày 21/11/2017, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 51/2017/QH14 điều chỉnh lộ trình thực hiện Chương trình, SGK GDPT mới theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội. Thực hiện Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội, Bộ GD&ĐT đã xác định lộ trình triển khai chương trình mới như sau: Năm học 2019 - 2020 triển khai ở lớp 1; năm học 2020 - 2021 triển khai ở lớp 2 và lớp 6; năm học 2021 - 2022 triển khai ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2022 - 2023 triển khai ở lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2023 - 2024 triển khai ở lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Để tăng cường chuẩn bị các điều kiện triển khai đổi mới Chương trình, SGK GDPT bảo đảm chất lượng, hiệu quả và đúng tiến độ theo yêu cầu của Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội, Bộ GD&ĐT đã và đang tiến hành các hoạt động sau:

Hoàn thiện dự thảo các chương trình môn học, hoạt động GD và tổ chức lấy ý kiến góp ý, thực nghiệm, thẩm định; phê duyệt, ban hành Chương trình GDPT mới.

Tổ chức biên soạn một bộ SGK; tổ chức thẩm định SGK và phê duyệt, cho phép sử dụng SGK; hướng dẫn việc lựa chọn SGK để dạy và học theo Chương trình GDPT mới.

Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên để đáp ứng yêu cầu và lộ trình thực hiện Chương trình SGK GDPT mới.

Triển khai thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình GDMN và GDPT theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội. Ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học và đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học; quản lý, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có; ưu tiên ngân sách địa phương, tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở vật chất cho cơ sở GDPT.

Đẩy mạnh công tác truyền thông rộng rãi trong xã hội về mục tiêu, yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình và điều kiện thực hiện đổi mới Chương trình, SGK GDPT.

Như vậy, việc đổi mới chương trình, SGK GDPT đang được triển khai theo kế hoạch, đảm bảo tính kế thừa, đồng bộ, đảm bảo sự phù hợp với xã hội và điều kiện thực tế của đất nước để triển khai trên thực tế đạt kết quả tốt nhất.

Về đề nghị Chính phủ xem xét để các nhà giáo đang công tác tại các Sở, Phòng GD&ĐT được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo, Bộ GD&ĐT cho biết: Các nhà giáo khi được điều động về làm công tác quản lý ở Phòng/Sở GD&ĐT, trở thành công chức và chịu sự điều chỉnh của Luật Cán bộ, công chức, được hưởng các chế độ của công chức (gồm phụ cấp công vụ 25%, phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 và Điều 3 Nghị định số 34/2012/NĐ-CP ngày 15/4/2012 của Chính phủ).

Bộ GD&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 42/2011/QĐ-TTg ngày 5/8/2011 quy định về bảo lưu chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo được điều động làm công tác quản lý GD tại Phòng/Sở GD&ĐT. Theo đó, nhà giáo được cấp có thẩm quyền điều động về công tác tại Phòng/Sở GD&ĐT được bảo lưu phụ cấp ưu đãi tối đa là 3 năm (kể từ ngày quyết định điều động có hiệu lực); chính sách này hiện chỉ còn hiệu lực với những quyết định điều động trước ngày 1/6/2015.

Hiện nay, theo quy định tại khoản 6 Điều 9 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc, “Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định đã đóng bảo hiểm xã hội bao gồm phụ cấp thâm niên nghề sau đó chuyển sang ngành nghề không được hưởng phụ cấp thâm niên nghề và trong tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ tính lương hưu không có phụ cấp thâm niên nghề thì được lấy mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tại thời điểm nghỉ hưu, cộng thêm khoản phụ cấp thâm niên nghề (nếu đã được hưởng) tính theo thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội bao gồm phụ cấp thâm niên nghề, được chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định tại thời điểm nghỉ hưu để làm cơ sở tính lương hưu”.

Theo Bộ GD&ĐT, với chính sách này, các nhà giáo đang giảng dạy được điều động về công tác tại các cơ quan quản lý GD cũng yên tâm vì đỡ thiệt thòi so với đồng nghiệp khi nghỉ hưu.

(còn nữa)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.