Đảm bảo an toàn trường học trước mùa mưa bão

GD&TĐ - Tình hình thiên tai từ đầu năm 2021 đến nay diễn biến dị thường, không theo quy luật. Đặc biệt, mưa lũ khu vực Bắc bộ đến muộn hơn trung bình nhiều năm.

Tại một số địa phương, học sinh cũng đã được đi học trở lại sau thời gian học trực tuyến, do đó việc đảm bảo an toàn trường học luôn là vấn đề cấp thiết.

Ứng phó thiên tai, an toàn của học sinh đặt lên hàng đầu

Để đối phó với mùa mưa bão năm học 2021-2022, nhiều địa phương đã khẩn trương rà soát toàn bộ hệ thống trường lớp học, đồng thời sớm thực hiện những giải pháp cấp bách nhằm bảo đảm an toàn cho các em học sinh trên địa bàn.

Đặc biệt ở những huyện miền núi, các địa phương nơi có các trường học ở vùng cao luôn phải đối mặt với tình trạng sạt lở, lũ quét, nhà trường đã tiến hành rà soát toàn bộ hệ thống trường lớp học, đồng thời chuẩn bị các phương án, sẵn sàng đối phó với thiên tai, ảnh hưởng của mưa lũ.

Các trường học xây dựng phương châm bảo đảm an toàn tính mạng cho các em học sinh ở cả trường chính và các điểm lẻ, nhất là vào những thời điểm nhạy cảm của thời tiết như giai đoạn giao mùa xuân – hè vào tháng 4 và 5; tháng 8 và 9 hàng năm.

Trường học chủ động cắt tỉa cây xanh đảm bảo an toàn cho cán bộ, giáo viên, học sinh.
Trường học chủ động cắt tỉa cây xanh đảm bảo an toàn cho cán bộ, giáo viên, học sinh.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, tại nhiều địa phương, học sinh không thể đến trường mà học trực tuyến, tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn chủ động trong việc rà soát, kiểm tra để đảm bảo sẵn sàng cho việc học sinh trở lại trường được an toàn cả về dịch bệnh và an toàn trước thiên tai.

Như tại Lạng Sơn, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã yêu cầu các trường học tiến hành kiểm tra, rà soát, gia cố, tu sửa toàn bộ cơ sở vật chất phòng, lớp học, đặc biệt là những phòng đã xuống cấp, những vị trí có nguy cơ xảy ra mất an toàn. Riêng đối với vấn đề cây xanh trong khuôn viên, Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các đơn vị, nhà trường tổng kiểm tra, rà soát, chặt, tỉa bớt cành cây cản gió; chặt, đốn cây già cỗi, có nguy cơ đổ gây nguy hiểm cho người, công trình và cơ sở vật chất khác của đơn vị, đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến trường. Đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về môi trường giáo dục an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh, sinh viên.

Ngoài ra, tại một số địa phương, cũng do dịch Covid-19 nên học sinh do học sinh vẫn phải tới lớp học tập trong mùa mưa bão nên công tác rà soát, đảm bảo an toàn trường học càng được nhà trường chú trọng hơn. Cụ thể như rà soát lại hệ thống cơ sở vật chất phòng học, mái lợp, tường bao quanh khuôn viên trường, đánh giá thực trạng và sửa chữa. Đồng thời rà soát các cây xanh trong khuôn viên nhà trường. Trong trường có nhiều cây to, trồng lâu năm nên phải tính toán các phương án cắt tỉa cành cây, đề phòng sự cố có thể xảy ra.

Ngoài vấn đề cây xanh, hiện nay, các nhà trường còn tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống tai nạn đuối nước, bạo lực học đường, an toàn giao thông đường bộ. Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý học sinh các giờ chính khoá, cũng như các hoạt động ngoại khoá; phối hợp với gia đình học sinh tổ chức quản lý, giám sát, hướng dẫn học sinh đảm bảo an toàn phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước thường xuyên

Tuyên truyền, phổ biến học sinh các kĩ năng tự bảo vệ mình

Mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhiều địa phương học sinh không thể đến trường, tuy nhiên, việc tuyên truyền, phổ biến các quy định về đảm bảo an toàn cho học sinh trong trường học, trong đó chú ý đến những nội dung: Đảm bảo an toàn về phòng, chống cháy nổ, điện giật, an toàn về giao thông đường bộ; đặc biệt cách cứu nạn dưới nước; phòng tai nạn đuối nước trong dịp mùa mưa, lũ...vẫn được thực hiện bằng nhiều hình thức trực tiếp, trực tuyến.

Các trường học cũng tăng cường công tác quản lý học sinh các giờ chính khoá cũng như các hoạt động ngoại khoá; kiểm tra sĩ số trước khi vào lớp và trong suốt quá trình giảng dạy, học tập, hoạt động. Khi thấy có học sinh vắng mặt sẽ chủ động liên lạc với cha mẹ, gia đình học sinh để tìm hiểu nguyên nhân và có biện pháp giáo dục, xử lý kịp thời.

Phối hợp với gia đình học sinh tổ chức quản lý, giám sát hướng dẫn học sinh đảm bảo an toàn phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước một cách thường xuyên.

Trước tình hình thiên tai đang được dự báo có nhiều diễn biến phức tạp, việc giáo dục, trang bị cho học sinh những kiến thức, kỹ năng ứng phó với thảm họa, thiên tai như bão, lũ lụt... là vô cùng quan trọng.

Thông tin từ Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Từ năm 2016 đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản để tăng cường các giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em, học sinh, sinh viên.

Bộ đã chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đôi Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và các tổ chức đoàn thể khác ở địa phương chỉ đạo quản lý, tạo sân chơi lành mạnh, an toàn cho trẻ em, học sinh.  Phát động và tổ chức các lớp học bơi và kỹ năng an toàn phòng chống đuối nước cho học sinh trong dịp nghỉ hè.

Tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình quản lý, giám sát học sinh trong thời gian học trực tuyến tại nhà, thời gian được nghỉ học, nghỉ hè để đảm bảo an toàn, phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước.

----

Đây là bài viết truyền thông về phòng, chống thiên tai – Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tàu sân bay USS Harry S. Truman tại Biển Đỏ.

Mỹ phóng 200 tên lửa đối phó Houthi

GD&TĐ - Theo War Zone, Hải quân Mỹ phóng gần 400 quả đạn, trong đó có hơn 200 tên lửa, để đối phó các đòn tập kích của Houthi trong hơn 10 tháng qua.

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.