Đảm bảo an ninh năng lượng và nguồn nước cho Đà Nẵng – Quảng Nam: Cần phương án tích nước dài hơi

GD&TĐ - Ngày 15/11, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) đã làm việc với đại diện các nhà máy thủy điện tại Quảng Nam, các công ty khai thác công trình thủy lợi, nhà máy nước của Quảng Nam và Đà Nẵng.

Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) làm việc với các nhà máy thủy điện, công ty thủy lợi của Quảng Nam, Đà Nẵng và Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng
Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) làm việc với các nhà máy thủy điện, công ty thủy lợi của Quảng Nam, Đà Nẵng và Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng

Theo đó, nguy cơ hạn hán trên lưu vực Vu Gia – Thu Bồn vào mùa khô 2019 là rất lớn; các thủy điện cần phối hợp với hai địa phương để điều tiết vừa bảo đảm an ninh năng lượng và cấp nước cho hạ du.

Gọi là lũ nhưng thực tế là hạn

Ông Châu Trần Vĩnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận xét: Năm nay rất đặc biệt, gọi là mùa lũ nhưng thực tế là hạn, lượng nước ở các hồ thủy lợi, thủy điện thiếu hụt 70 - 80%, sông Tranh thiếu đến 90%. “Lượng nước thiếu hụt ảnh hưởng rất lớn cho mùa cạn sang năm; nếu không có giải pháp tích nước, nguy cơ xảy ra hạn hán ở các sông Vu Gia – Thu Bồn là rất cao”.

Ông Ngô Xuân Thế - Phó Tổng Giám đốc Công ty Thủy điện A Vương - cho biết, năm nay mưa trên lưu vực gần như nhỏ nhất trong chuỗi thủy văn quan sát từ năm 1977, lưu lượng dòng chảy giảm dần, chưa kể là sẽ xảy ra hiện tượng El Nino, khô hạn sẽ tăng. Nếu phía trên lưu vực A Vương không có mưa và dòng chảy giảm dần thì nguy lớn hơn sẽ rơi vào mùa cạn 2019. Đại diện thủy điện A Vương kiến nghị cần có phương án tích nước sớm nếu không thì trong năm 2019 “nhiều thời điểm, chúng tôi sẽ không thực hiện được việc cấp nước hạ du lẫn an ninh năng lượng trong hệ thống điện”.

Theo giải thích của ông Hồ Hương - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng, nguyên nhân thiếu nước sinh hoạt kéo dài trong những ngày đầu tháng 11 là do nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn tăng đột biến. Trong khi đó, các hồ chứa của thủy điện ở Quảng Nam đã ngang mực nước chết nên không thể cung cấp nước đảm bảo đẩy lùi độ mặn. Ông Hương cũng cho biết, ống truyền tải nước thô từ trạm bơm An Trạch về Nhà máy nước Cầu Đỏ có công suất 210.000m3/ngày đêm nên nếu trạm bơm An Trạch vận hành hết công suất (217.000m3/ngày đêm) thì sẽ ảnh hưởng đến an toàn của tuyến đường ống. 

Cùng trên hệ thống sông Vu Gia, ông Nguyễn Sơn - Phó Tổng Giám đốc Nhà máy Thủy điện Sông Bung nhận định, năm nay lượng nước về là ít nhất, chỉ bằng 26% của năm trước. Từ ngày 16/10, Nhà máy Thủy điện Sông Bung 4 không phát điện nữa do trong hồ chứa chỉ có 64 triệu m3 nước. “Trong tình hình thiếu nước của Đà Nẵng vừa qua, từ ngày 14/11, Sông Bung 4 đã phát điện trở lại. Nếu tiếp tục phát điện và xả nước, năm 2019 sẽ thiếu nước trầm trọng hơn” - đại diện Thủy điện Sông Bung nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Lân - Phó Tổng Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh khẳng định đã có văn bản gửi Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia và tỉnh Quảng Nam để giảm phát điện, tích nước phục vụ 2019 vì “sẽ bị mặn ở Hội An và ảnh hưởng Duy Xuyên”. Theo như phân tích của đại diện Thủy điện Sông Tranh, lưu lượng nước về hồ tháng 10 là 70m3/s chỉ bằng 27% trung bình nhiều năm. Đến tháng 11 lượng nước về hồ chỉ còn 43m3/s, bằng 10% hằng năm. Đây là mức thấp kỉ lục trong vòng 45 năm qua. Thủy điện Sông Tranh cho biết sẽ tiết kiệm nước tối đa để dành cho vụ đông xuân và tham gia đẩy mặn cho Hội An.

Ưu tiên cao nhất là nước sinh hoạt

Tại buổi làm việc, ông Châu Trần Vĩnh nhận xét: Cả 4 hồ thủy điện A Vương, Sông Tranh, Sông Bung và Đăk Mi 4 thì chỉ có Đăk Mi 4 là trên mực nước chết. “Mặc dù vậy, các thủy điện vẫn ưu tiên xả nước về hạ du giúp Đà Nẵng đẩy mặn. Tuy nhiên, có hai đợt thiếu nước do nhiễm mặn đột biến trên sông Cầu Đỏ từ 1.000mg/l trở lên. Với diễn biến thời tiết khó lường như hiện nay, chưa thể nói trước điều gì về khả năng nhiễm mặn. Vì vậy, cùng với việc lấy nước thô trên sông Cầu Đỏ, phải tiến hành song song việc bơm nước từ An Trạch về Nhà máy nước Cầu Đỏ để giảm mặn” – ông Vĩnh nhấn mạnh.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước lưu ý từ nay đến hết mùa lũ còn một tháng, phải tiết kiệm nước tối đa, giải pháp cao nhất là phải lấy nước từ An Trạch và huy động các nhà máy có công suất nhỏ. Còn 9 tháng rất khó khăn mới lại đến mùa mưa bão năm sau, “các chủ hồ, công ty khai thác thủy lợi Quảng Nam, Đà Nẵng và Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng phải có thông tin chặt chẽ, tiết kiệm nước, cố gắng trường hợp không có lũ thì đảm bảo có tích nước”.

Như vậy theo ông Châu Trần Vĩnh, nguồn nước từ An Trạch đáp ứng được việc đẩy mặn, nhưng phương án lấy nước, giải pháp vận hành nhà máy còn chưa phù hợp nên dẫn đến tình trạng thiếu nước. Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng cần sớm có giải pháp nâng cao khả năng vận hành để đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho nước cho người dân.

Ông Vĩnh cũng nêu rõ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản gửi về các tỉnh lưu ý tích nước hồ chứa và tiết kiệm nước và phải ưu tiên nước sinh hoạt cho người dân, không thể để đời sống sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.