Nhiệm vụ quan trọng đầu tiên được Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh là chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 6 bắt đầu từ năm học 2021-2022. Trong đó có việc chuẩn bị sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương và chuẩn bị đội ngũ giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý. Các giáo viên được lựa chọn dạy lớp 6 phải là người có năng lực, tinh thần trách nhiệm và được bồi dưỡng chu đáo.
Song song với đó, quan tâm tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông mới ngay từ chương trình hiện hành bằng việc thực hiện tốt công văn số 4612 với các nội dung quan trọng: Thực hiện có hiệu quả việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường; Đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; Đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá; Tăng cường chỉ đạo, quản lý hoạt động dạy học, giáo dục.
Với nhiệm vụ giáo dục STEM, Thứ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi các sở GD&ĐT triển khai thực hiện giáo dục STEM trong giáo dục trung học. Trong đó nêu rõ, tùy thuộc vào đặc thù từng môn học và điều kiện cơ sở vật chất, các trường có thể áp dụng linh hoạt các hình thức tổ chức giáo dục STEM như: Dạy học các môn khoa học theo bài học STEM; tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM; tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, kĩ thuật.
Nhiệm vụ thứ 4 Thứ trưởng đề cập đến là tổng kết 10 năm thực hiện Đề án 959 về phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 – 2020, từ đó xác định mô hình trường chuyên trong tương lai. Thứ trưởng yêu cầu các địa phương tổng kết, gửi báo cáo về Bộ GD&ĐT sớm nhất để phục vụ cho sự kiện tổng kết dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới.
Nhiệm vụ tiếp theo, Thứ trưởng yêu cầu đặc biệt quan tâm đến việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trung học . Thực hiện quản lý, đánh giá đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục trung học theo tiêu chuẩn chức danh Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng GD&ĐT; tiêu chuẩn chức danh Giám đốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT; chuẩn nghề nghiệp giáo viên; chuẩn hiệu trưởng.
Rà soát, thống kê số lượng, cơ cấu giáo viên cấp THCS và THPT theo chuẩn đào tạo quy định tại Luật Giáo dục 2019 để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung. Xây dựng và thực hiện kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên THCS theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ... Nhấn mạnh giáo viên, cán bộ quản lý phải có nhu cầu đổi mới tự thân, Thứ trưởng cũng cho rằng cần tạo mọi điều kiện để nhà giáo tập trung cao nhất cho chuyên môn, tạo động lực cho đội ngũ.
Nội dung thứ 6, theo Thứ trưởng là đổi mới quản lý, theo hướng chuyển từ mệnh lệnh, giao, yêu cầu bằng tạo môi trường làm việc tốt; tạo được động lực cho đội ngũ và theo hướng là quản lý chất lượng.
Cuối cùng, cần tăng cường phát triển mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị trường học để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học…
Tại hội nghị, lãnh đạo Vụ Giáo dục Trung học, Vụ Giáo dục Tiểu học, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã trực tiếp trao đổi, giải đáp nhiều vấn đề địa phương nêu ra. Với những chia sẻ của địa phương, Thứ trưởng cũng yêu cầu các cục vụ nghiêm túc tiếp thu để có giải pháp phù hợp trong thời gian tới.