Thế nhưng, chưa được phê duyệt, dự án này vẫn ngang nhiên san ủi gần 16ha rừng đặc dụng của Vườn quốc gia Chư Yang Sin (tỉnh Đắk Lắk) để thi công.
Phá rừng đặc dụng khi chưa được phê duyệt
Sáng 14/2, thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Lắk cho biết, UBND tỉnh đã yêu cầu đơn vị thi công gói thầu Dự án đường Trường Sơn Đông đoạn đi qua Vườn quốc gia Chư Yang Sin (Đắk Lắk) để chờ rà soát, xử lý do chưa được các cấp đồng ý chủ trương, phê duyệt theo quy định.
Theo ông Đỗ Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Lắk, trước đó thường trực Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị đã kết luận hành vi phá rừng đặc dụng để làm đường khi chưa được phê duyệt là trái pháp luật, cần xử lý nghiêm.
Ghi nhận thực tế tại hiện trường, rừng thông cổ thụ dọc tuyến đường đã bị đơn vị thi công san ủi (khoảng 7km - PV), bị bật gốc, vùi lấp… nằm ngổn ngang hai bên taluy. Một lượng đất đá lớn từ phần taluy dương đổ tràn sang phần taluy âm gây thiệt hại thêm một số cây rừng khác.
Cũng theo ông Dũng, Dự án đường Trường Sơn Đông qua Vườn quốc gia Chư Yang Sin (xã Bông Krang, huyện Lắk) thuộc gói thầu Đ41 có chiều dài 8km (Km 618 đến Km 626).
“Việc chuyển đổi rừng đặc dụng thì phải được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương, các bộ, ngành Trung ương, địa phương phê duyệt mới được thi công. Ở đây, Ban Quản lý dự án 46 - Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng (chủ đầu tư - PV) và Công ty cổ phần xây dựng công trình 412 (trụ sở Hà Tĩnh, đơn vị thi công) ngang nhiên san ủi, hủy hoại gần 16ha rừng đặc dụng là trái pháp luật”, ông Dũng nói.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk, qua kiểm tra tại hiện trường, đất được đào, múc từ phần taluy dương và san lấp, gạt xuống phần taluy âm. Diện tích rừng bị phá trong quá trình thi công đường là 15,45ha. Số diện tích này đều là rừng đặc dụng.
“Hiện nay, chúng tôi mới có báo cáo ban đầu đối với gói thầu và đang tiến hành kiểm tra toàn tuyến để báo cáo sở, UBND tỉnh. Chúng tôi đã gửi văn bản, liên hệ với Ban Quản lý 46 và tuần tới sẽ làm việc cụ thể”, ông Hưng thông tin.
Cũng theo ông Hưng, diện tích rừng bị tàn phá để làm đường chủ yếu là cây thông, thuộc quy hoạch rừng đặc dụng.
“Nếu muốn làm đường theo đúng quy định của pháp luật thì phải được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận chủ trương cho chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, các cấp có thẩm quyền cho phép rồi tỉnh mới có quyết định chuyển đổi. Còn việc ngang nhiên san ủi, hủy hoại rừng khi chưa hoàn tất các thủ tục cần thiết là hành vi phá rừng”, ông Hưng nói thêm.
Được biết, gói thầu Đ41 và H2 (gói thầu xây dựng hầm qua Vườn quốc gia Chư Yang Sin, dài khoảng 1km thuộc địa phận huyện Krông Bông - PV) cũng đang được yêu cầu dừng thi công để xác minh, xử lý sai phạm do chưa đủ hồ sơ pháp lí.
Người trong cuộc nói gì?
Đến nay, đoạn qua huyện M’Đrắk đã hoàn thành, trong đó nhiều lần phải gia cố do xuống cấp. Riêng đoạn đường qua huyện Krông Bông và Lắk đều mắc phải các sai phạm nghiêm trọng, buộc phải tạm dừng để chờ xử lý.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án 46, đường Trường Sơn Đông là dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng được Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Quốc phòng đầu tư từ năm 2005.
“Tất cả các gói thầu khi thực hiện đều được hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết mới được thi công. Riêng gói thầu Đ41, nhà thầu đã tập kết máy móc vào công trường, chủ đầu tư chỉ cho phép nhà thầu chuẩn bị đường hành lang, làm lán trại, chưa cho thi công.
Diện tích rừng bị phá nằm trong phạm vi đã được phê duyệt để thi công, tuy nhiên, chưa hoàn thành thủ tục pháp lý. Có thể do áp lực giải ngân, tiến độ nên đơn vị thi công đã vi phạm. Chúng tôi đã dừng thi công để kiểm tra, chấn chỉnh và hoàn tất các thủ tục cần thiết”, lãnh đạo Ban Quản lý 46 giải thích.
Còn theo lãnh đạo Vườn quốc gia Chư Yang Sin, việc đơn vị không hề hay biết sự việc trên là do cán bộ kiểm lâm đang đi tiêm vắc-xin, bị cách ly y tế...
“Từ cuối tháng 6/2021 đến cuối tháng 10/2021 lực lượng kiểm lâm của Trạm Kiểm lâm số 10 đóng trên địa bàn xã Đưng Knớ (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) chỉ còn lại 3 người, do một số người về cơ quan tại huyện Krông Bông để tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 1.
Sau đó, các kiểm lâm này không qua được Trạm Kiểm lâm số 10 vì chưa tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, không được cho qua chốt kiểm dịch. Trong khi 3 người tại trạm phải thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng khu vực giáp ranh”, đại diện Vườn quốc gia Chư Yang Sin phân trần.
Theo nguồn tin của Báo GD&TĐ cho biết, từ tháng 6/2021 trở về trước, toàn bộ diện tích 16,72 ha của gói thầu Đ41 vẫn còn nguyên hiện trạng. Khoảng tháng 12/2021, Vườn quốc gia Chư Yang Sin thành lập đoàn truy quét những người phá rừng làm nương rẫy, khi đến đầu tiểu khu 1383 mới phát hiện một số dấu vết san ủi.
Đến ngày 31/12/2021, Vườn quốc gia Chư Yang Sin tiếp tục lập đoàn kiểm thì toàn bộ diện tích 16,72 ha của gói thầu Đ41 đã bị san ủi với chiều dài khoảng hơn 7km. Đối với gói thầu hầm H2 sau khi gia cố xong phần cửa hầm diện tích khoảng hơn 0,2 ha và đã khoan vào khoảng hơn 200 mét.
“Vụ phá rừng trái pháp luật để xây dựng tuyến đường Trường Sơn Đông đoạn qua Vườn quốc gia Chư Yang Sin, thuộc gói thầu Đ41 trong 2 tiểu khu 1383 và 1402, hiện đang được Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk thu thập một số hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ việc để xác minh, điều tra”, lãnh đạo Vườn quốc gia Chư Yang Sin thông tin thêm.