Làng Phương Khê (Triệu Sơn, Thanh Hóa) dạo đó là Binh trạm 8 của tuyến đường dây chuyển quân vào Nam chiến đấu. Thời kỳ đó máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc vô cùng ác liệt, vì vậy đoàn quân vào Nam chỉ đi vào ban đêm, ban ngày các anh nghỉ ngơi. Mỗi binh trạm chỉ cách nhau khoảng 20 km nên các anh hành quân khoảng 10 - 11 giờ đêm đã đến binh trạm mới.
Chiến trường rộng lớn, dòng quân đi như thác đổ về chiến trường. Gia đình tôi cũng như nhiều gia đình quê ngày ấy đều đón các anh bộ đội. Họ ở với dân làng một ngày đến chiều tối lại bắt đầu hành quân. Có những hôm trời mưa như trút, các anh vẫn phải lên đường với nặng trĩu ba lô súng ống, nhìn các anh mà dân làng hai dòng lệ chảy dài.
Tuy nhiên hôm đó là một đoàn hoàn toàn khác, đi ngược từ miền Nam ra. Họ không phải hành quân đi bộ mà đi bằng xe. Gần sáng thì dừng lại ở làng.
Đoàn vừa dừng chân một lúc thì bác Thiệp, lúc đó là Binh trạm trưởng, cùng với cán bộ địa phương đến kiểm tra nhà tôi. Gia đình tôi cũng không hiểu chuyện gì xảy ra.
Tôi có được nghe mấy ông cán bộ địa phương nói đây là gia đình cách mạng, có nhiều người đi bộ đội, ông già đi công tác, chỉ có 3 mẹ con ở nhà nên rất yên tâm.
Ông Thiệp cùng cán bộ địa phương còn đi thăm thú khắp nơi, từ hầm trú ẩn, giường nằm, nhà anh ruột tôi cạnh đó cũng được “kiểm tra”.
Thật ra lúc đó tôi cũng không rõ sao lại kiểm tra kỹ đến thế, nhưng đến tối có một đoàn về ở nhà tôi, lại có cả một người lớn tuổi trông khá quan trọng.
Đang là mùa hè, tôi được nghỉ chỉ quanh quẩn ở nhà, nên các hoạt động của đoàn tôi đều biết. Chỉ mình người đàn ông lớn tuổi và hai người cần vụ có tên là Minh và Quyết ở nhà tôi, còn lại khoảng hơn chục người ở nhà anh trai tôi.
Ông mặc bộ đồ bà ba đen, dáng người nhỏ và gầy. Tôi đoán ông khoảng gần 60. Sau này được biết ông chỉ mới 53 tuổi, nhưng ở trong chiến trường nên khắc khổ và gầy.
Những anh bộ đội ở nhà anh trai tôi chủ yếu là những người phục vụ thông tin liên lạc. Mới sáng ra đã thấy các anh chăng dây ăng ten cao ngất. Sau này tôi mới biết đó là máy thông tin 15w.
Các anh che một gian bằng những tấm ny lon thành một nơi kín đặt máy. Hai người thay nhau quay mô tơ phát điện mỗi khi liên lạc. Các anh dịch thông sau đó mang điện lên báo cáo người đàn ông quan trọng kia.
Từ lúc đến nhà tôi, kể cả khi ăn uống, “người lớn tuổi” cũng chỉ ở trong phòng dành riêng. Tôi thấy ông đọc tin đọc điện do anh em mang tới trình rất chăm chú, hai anh Quyết và Minh thì không rời nửa bước.
Cơm trưa của người lớn tuổi do hai anh Quyết và Minh trực tiếp nấu; còn khẩu phần các anh lại được Binh trạm phục vụ. Mà lạ, bao giờ cũng đích thân Binh trạm trưởng dẫn người của trạm đưa cơm đến.
Thật ra lúc đó còn nhỏ và chuyện ai làm gì, tôi cũng không quan tâm. Sau này lớn lên nghe lãnh đạo nói là ông đó to lắm ở chiến trường, cũng chỉ biết vậy.
Bây giờ khi đọc lại những trang viết về cuộc đời của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tôi mới biết được rằng dạo đó ông được Bác Hồ và Bộ Chính trị gọi ra miền Bắc để báo cáo tình hình miền Nam.
Lúc đó ông đang là Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy Quân giải phóng miền Nam. Câu nói nổi tiếng của ông “Nắm thắt lưng địch mà đánh” trở thành câu nói bất hủ và là phương châm chiến lược đánh Mỹ.
Chính vì vậy từ những trận đầu như Núi Thành, Vạn Tường chúng ta đã không sợ Mỹ mà đã đánh thắng tạo nên thế và lực mới của cách mạng.
Đó cũng là chuyến ra Bắc không bao giờ trở lại của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Chiến trường không quật ngã được ông, nhưng một cơn đau tim đột ngột giữa Hà Nội đã cướp ông đi, ngay trước đêm chuẩn bị trở lại miền Nam.
Sự ra đi đột ngột của ông đã làm cho quân đội và nhân dân ngỡ ngàng. Nhà thơ Tố Hữu có bài thơ viết về ông rất cảm động, trong đó có đoạn nhói lòng:
“Tưởng lại đưa Anh ra chiến trường/ Đường về, vó ngựa thắng dây cương/ Ngày mai… Ai biết chiều nay phải/ Vĩnh biệt Anh nằm dưới gốc dương!”.