Một số chính trị gia và sĩ quan quân đội phương Tây thường xuyên bày tỏ sự lo ngại xung đột Ukraine có thể lan sang các nước lân cận. Tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ về việc quân đội Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể bảo vệ hiệu quả các quốc gia thành viên và đồng minh của mình hay không.
Mới đây, nhà phân tích quân sự, đại tá Quân đội Ba Lan là ông Piotr Lewandowski cho rằng, các nước thuộc Liên minh Bắc Đại Tây Dương không thể cung cấp đủ lực lượng cho hoạt động phòng thủ chung, hiện nay, sự sẵn sàng chiến đấu của Quân đội NATO đang bị nghi ngờ về tính thực chất.
Ví dụ như Quân đội Đức (Bundeswehr) cam kết cung cấp hai lữ đoàn cho lực lượng chung NATO và toàn bộ Bundeswehr đang tập trung vào việc đảm bảo rằng hai lữ đoàn này có khả năng chiến đấu như đã tuyên bố.
Ông Lewandowski chỉ ra rằng, vấn đề mấu chốt là ngoài việc cử 2 Lữ đoàn tham gia lực lượng chung thì toàn bộ Bundeswehr cũng phải sẵn sàng cho chiến tranh, chứ không chỉ đơn thuần là chỉ có mấy nghìn binh sĩ này.
Vị chuyên gia này bày tỏ mong muốn Quân đội các nước liên minh có thể đảm bảo “sự sẵn sàng thực sự chứ không phải trên giấy tờ” trong trường hợp xảy ra xung đột lớn. Trong tình hình hiện nay, NATO cần nhiều đơn vị có năng lực chiến đấu cao.
Ngoài ra, theo Chuẩn tướng Tomasz Drewniak, lực lượng đồn trú trong nước sẽ có tầm quan trọng lớn trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột.
Họ sẽ phải cầm cự thành công trước đòn đánh phủ đầu của đối phương, tạo điều kiện cho đất nước huy động tiềm lực quốc phòng và NATO kịp thời điều chuyển lực lượng phản ứng nhanh của khối.
Theo các sĩ quan cao cấp Ba Lan, lực lượng bổ sung của khối phương Tây chỉ có thể được chuyển đến Ba Lan trong vòng hai tuần sau khi đối thủ phát động một cuộc tấn công và đó là khoảng “thời gian vàng” mà lực lượng quân sự của đất nước phải phòng thủ thành công.
Hồi tuần trước, NATO công bố quyết định tăng binh lực thêm 35-50 lữ đoàn mới ở khu vực biên giới phía đông, giáp lãnh thổ Nga để đối phó với “sự đe dọa” đến từ Moscow và nguy cơ xung đột Ukraine lan sang các quốc gia láng giềng.
Các lữ đoàn này sẽ được huy động từ nhiều nước khác nhau, đặt dưới sự chỉ huy chung của NATO.
Để thực hiện mục tiêu này, tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington (diễn ra từ ngày 9 đến 11/7), các kế hoạch này đã được làm rõ và bổ sung với trọng tâm là đẩy mạnh quy mô sản xuất trang bị, vũ khí hạng nặng; gia tăng các cuộc diễn tập quân sự đa phương để tăng cường khả năng chỉ huy, điều phối, hiệp đồng và khả năng tác chiến liên hợp.