Thảm họa này xảy ra tại một nhà máy bia, khiến bia tràn ra khu vực chung quanh tạo thành cơn lũ lớn, gây sập nhà và cướp đi mạng sống của nhiều người dân.
“Lũ bia London”, đôi khi còn được ví như “đại hồng thủy bia”, xảy ra vào ngày 17/10/1814. Nguồn cơn của thảm họa xuất phát từ nhà máy bia Horse Shoe đặt tại góc đường Great Russell và Tottenham Court ở St. Giles, trung tâm London, địa chỉ chính thức ở số 269 đường Tottenham Court.
Nhà máy bia này được thành lập vào năm 1764 và nổi tiếng là cơ sở sản xuất rượu bia lớn nhất vào thời đó.
Vào thời điểm năm 1810, nhà máy bia Horse Shoe đã sản xuất bia ở quy mô công nghiệp. Trong năm đó, ở xưởng đã xây dựng thùng ủ men cao 6,7m, có thể chứa 3.500 barrel bia (mỗi barrel khoảng 150 lít). Và nó chính là nơi xuất phát trận lũ bia kinh hoàng hiếm có.
Trong suốt thời kỳ đó, những nhà máy bia ở London luôn tự hào về những thùng ủ bia khổng lồ của mình. Mặc dù vậy, gây ra trận lũ lại không phải là thùng to nhất ở nhà máy bia Horse Shoe, vào thời đó, nhà máy này còn có một thùng chứa đến 18 ngàn barrel bia.
Nhà máy bia Horse Shoe. |
Những thùng ủ bia khổng lồ bằng gỗ này luôn được bảo đảm an toàn với những vòng sắt cứng cáp niềng chung quanh để ngăn chặn áp suất hình thành trong quá trình lên men gây nổ, phá vỡ thùng.
Vào buổi chiều ngày 17/10/1814, George Crick, người thư ký nhà kho trong khi đi kiểm tra đã phát hiện một trong những niềng bằng kim loại của chiếc thùng ủ men cao 6,7m bị lệch. Vì điều này cũng xảy ra 2 đến 3 lần trong năm nên Crick cũng không lo lắng gì nhiều nhưng anh vẫn báo vụ việc đến những người có trách nhiệm.
Tuy nhiên, chủ của Crick trấn an anh rằng sẽ không có gì xảy ra và bảo anh viết một bức thư gửi cho nhân viên cơ khí của nhà máy, đề nghị chỉnh niềng sắt của thùng vào đúng vị trí của nó vào ngày hôm sau.
Nhưng không còn kịp nữa. Chỉ một tiếng đồng hồ sau phát hiện này, Crick nghe một tiếng nổ lớn từ nhà kho, nơi đặt các thùng ủ men.
Tiếng nổ gây ra hiệu ứng dây chuyền, phá vỡ nhiều thùng chứa bia khác. Crick báo cáo có từ 8.000 - 9.000 barrel bia bị tuôn tràn ra khỏi kho.
Nguy hiểm hơn, bia quét qua những lối đi nhỏ hẹp ở khu vực chung quanh, tạo thành những cơn sóng mạnh, ập vào khu nhà ổ chuột St. Giles Rookery của cư dân nghèo gần bên nhà máy.
Vì nơi này không có hệ thống cống thoát nước, nên nhà của những người nghèo nằm dưới thấp bị chìm trong bia. New Street là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất và có nhiều người chết nhất do tai nạn hy hữu này.
Những nguồn tài liệu có khác nhau chút ít khi xác định 8 nạn nhân của trận lũ bia London. Năm (có nhiều tài liệu ghi là bốn) nạn nhân là những người tham dự đám tang của một cậu bé 2 tuổi mới chết vào ngày hôm trước. Họ bị “đuối bia” khi cơn lũ bất ngờ tràn ngập vào đây.
Hai người khác là một phụ nữ và đứa con gái 3 tuổi của bà, cả hai đang ngồi uống trà trong nhà. Hầu hết tài liệu cho rằng cả hai đều chết, nhưng theo một tài liệu khác thì chỉ có đứa bé là nạn nhân mà thôi.
Một nạn nhân khác là cô hầu gái đang rửa những chiếc vại tại một vòi nước đằng sau bức tường của quán rượu Tavistock Arms. Bức tường đổ sập do sức mạnh của lũ bia, hoặc do vụ nổ của thùng ủ men, ập lên người cô. Nạn nhân cuối cùng là một bé gái 3 tuổi.
Lũ bia gây ra đổ nát hoang tàn. |
Có nhiều tin đồn rằng những cư dân trong vùng lợi dụng tình trạng bia chảy tràn lan để thu lợi cho mình. Tuy nhiên, không có tài liệu nào nói rõ chuyện này, thay vào đó là những tường trình về hành động đáng ngưỡng mộ của người dân trong thảm họa.
Nhiệm vụ quan trọng nhất của người dân cần phải làm trong trận lũ bia lạ lùng này là tỏa ra để tìm kiếm những người sống sót, đặc biệt là những người bị kẹt dưới các đống gạch vụn. Theo tường thuật của báo chí vào thời điểm đó, mọi người trong khi tìm kiếm nạn nhân đều cố gắng giữ im lặng để xác định những tiếng kêu yếu ớt của nạn nhân và tìm cách cứu họ nhanh nhất có thể.
Sau khi “trận đại hồng thủy bia” qua đi, một cuộc điều tra được tiến hành và chủ nhân của nhà máy bia không bị kết tội vì trận lũ trên được cho là một “hành động không thể tránh được của Chúa”.
Chẳng những vậy, họ còn được miễn thuế hàng hóa trên hàng ngàn barrel bia bị mất và nhiều ưu đãi khác để bù đắp cho sự thiệt hại này. Điều kỳ lạ là những gia đình có người thân bị mất, cũng như những người nghèo bị mất tài sản trong sự cố trên lại không được bồi thường gì cả.
Hãng Horse Shoe vẫn tiếp tục sản xuất cho đến năm 1921 thì chuyển nhượng cho hãng bia Nine Elms. Năm 1928, nhà máy cũ bị phá hủy và nhà hát Dominion được xây dựng ở vị trí này, hoạt động đến ngày hôm nay.