Văn kiện trình Đại hội là sản phẩm của toàn Đảng, toàn dân
Trình bày báo cáo của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, các báo cáo lần này được thực hiện công phu, chặt chẽ, bài bản và là sản phẩm của toàn Đảng, toàn dân.
Tổng Bí thư khẳng định, Đại hội XIII của Đảng là sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, Đất nước và dân tộc; có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước.
Trong những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã phát huy tinh thần đoàn kết, vượt qua khó khăn, đạt nhiều thành tựu khá toàn diện. Nhiều yếu kém, hạn chế đã được giải quyết, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, lạm phát được kiềm chế, cán cân thương mại được cải thiện, xuất khẩu tăng nhanh, thực hiện 3 đột phá chiến lược, môi trường cạnh tranh được tăng lên, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt.
Tổng Bí thư khẳng định, công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng được tiến hành đồng bộ, nhiều vấn đề phức tạp đã được giải quyết và có nhiều chuyển biến rõ rệt; công tác kiểm tra giám sát, chỉnh đốn Đảng được thực hiện nghiêm túc; nhiều vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử được nhân dân đánh giá cao…
Năm 2020, đại dịch, thiên tai gây nhiều thiệt hại nhưng với nỗ lực vượt bậc, nước ta vẫn có những phát triển vượt bậc, tăng trưởng vẫn dương, là một trong những nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất thế giới.
Có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của toàn dân trong và ngoài nước, chúng ta đã kiểm soát, ngăn chặn được dịch Covid-19, hạn chế tối đa sự ảnh hưởng, từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh. Việt Nam được thế giới ghi nhận, coi là điểm sáng về đạt mục tiêu kép, vừa khống chế dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho người dân, vừa phát triển kinh tế.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, thời gian tới, cần tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, khơi dậy khát vọng của Nhân dân; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; phấn đấu để đến giữa thế kỷ 21 nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Để đạt được mục tiêu này, ngoài tham khảo quốc tế, chúng ta cũng đề ra những mục tiêu cụ thể đến năm 2025, 2030, 2045 và sẽ được xây dựng những chiến lược cụ thể…
5 bài học kinh nghiệm
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu lên 5 bài học kinh nghiệm:
Một là xây dựng, chỉnh đốn Đảng cần thường xuyên, quyết liệt, hiệu quả. Kiên định vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin. Thường xuyên tăng cường củng cố đoàn kết trong Đảng. Xây dựng nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, kiểm soát quyền lực, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, công tác cán bộ phải thực sự là then chốt của then chốt. Phát huy tinh thần gương mẫu của Đảng viên, vị trí càng cao thì gương mẫu càng cao.
Hai là quán triệt quan điểm dân là gốc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Kiên quyết thực hiện dân biết, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng.
Ba là, trong lãnh đạo, chỉ đạo phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phát huy mọi nguồn lực và tính ưu việt của CNXH, phát huy sức mạnh đồng bộ của cả hệ thống chính trị.
Bốn là tập trung ưu tiên xây dựng thể chế, đảm bảo giữa đổi mới kinh tế, đổi mới chính trị, văn hóa; giữa tăng trưởng kinh tế và văn hóa phát triển con người; giữa phát triển kinh tế xã hội với quốc phòng an ninh; giữa độc lập tự chủ và hội nhập…
Năm là chủ động nghiên cứu, nắm bắt tình hình, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ. Kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ. Chủ động hội nhập trên cơ sở tự chủ, độc lập.
5 quan điểm chỉ đạo
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu 5 quan điểm chỉ đạo của Đảng trong thời gian tới.
Thứ nhất, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; kiên định đường lối đổi mới của Đảng, các nguyên tắc xây dựng Đảng, bảo đảm cao nhất lợi ích của quốc gia, dân tộc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đây là nền tảng vững chắc của Đảng.
Thứ hai, Chiến lược phát triển tổng thể của đất nước là, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo đảm gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.
Thứ ba, động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nền văn hóa, con người Việt Nam; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó có nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất.
Thứ tư, nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc là tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, xây dựng Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Với một Đảng cách mạng chân chính, trong sạch, vững mạnh, có đủ bản lĩnh, trí tuệ kinh nghiệm, uy tín lãnh đạo như Đảng ta, được nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ, chúng ta sẽ có một sức mạnh to lớn, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, không thế lực nào ngăn cản nổi dân tộc ta đi lên, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Thứ năm, trong nhiệm kỳ 2021-2025 và những năm tiếp theo, mục tiêu tổng quát: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN. Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại. Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định. Phấn đấu đến giữa thế kỷ 21 nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN.