Đại hội lần thứ XI của Đảng có trách nhiệm lịch sử to lớn trước toàn dân tộc

Đại hội lần thứ XI của Đảng có trách nhiệm lịch sử to lớn trước toàn dân tộc

(GD&TĐ) - Sáng nay, 12/1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức khai mạc tại trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Thủ đô Hà Nội với sự tham gia của 1.377 đại biểu, đại diện cho hơn 3,6 triệu đảng viên đang sinh hoạt ở gần 54.000 tổ chức cơ sở Đảng. 

>>>Thông cáo ngày làm việc thứ nhất Đại hội Đảng XI

ĐIỆN MỪNG CỦA CÁC ĐẢNG, TỔ CHỨC VÀ BẠN BÈ QUỐC TẾ

Theo thông báo của Đoàn thư ký Đại hội XI của Đảng, trong những ngày này, nhiều Đảng, tổ chức và bạn bè quốc tế đã gửi thư, điện mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng ta, bày tỏ tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của bạn bè quốc tế đối với Đại hội- Sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Tính đến ngày 12/1/2011 Đại hội đã nhận được 121 điện mừng từ 103 Đảng và 14 tổ chức của 69 nước trên thế giới.
Trong 25 năm đổi mới, Đảng ta đã không ngừng mở rộng và tăng cường quan hệ với các Đảng Cộng sản và nhân dân, đảng cánh tả, đảng cầm quyền và các đảng khác ở 115 nước trên khắp các châu lục và thế giới.

Sáng nay 12/1, chính thức khai mạc
Sáng nay 12/1, chính thức khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam

Dự lễ khai mạc Đại hội có các đồng chí: Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Trần Đức Lương; nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; các đồng chí nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội các khóa, các đại biểu lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhân sỹ trí thức tiêu biểu, đại biểu các tôn giáo và đại diện thế hệ trẻ Việt Nam.... Đại hội cũng mời các vị đại sứ, đại diện ngoại giao các nước, các tổ chức quốc tế tham dự.

Nguyễn Minh Triết
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đọc diễn văn khai mạc Đại hội XI của Đảng

Thay mặt Đoàn Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Minh Triết, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước đã đọc diễn văn khai mạc Đại  hội XI. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng diễn ra trong một thời điểm có ý nghĩa rất quan trọng. Sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước đã trải qua 25 năm. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã được thực hiện 20 năm qua; 5  năm qua (2006- 2010), trong bối cảnh tình hình quốc tế  và trong nước có nhiều khó khăn thách thức gay gắt, đặc biệt là ảnh hưởng bất lợi của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, toàn Đảng, toàn dân ta đã nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng, đáng tự hào. Kết quả trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm (2001- 2010) và 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng có trách nhiệm lịch sử to lớn trước toàn dân tộc. Chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, đề cao tinh thần tự phê bình nghiêm túc, để kiểm điểm, đánh giá khách quan, toàn diện những thành tựu và yếu kém, khuyết điểm, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm qua việc thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội 5 năm (2006- 2010), tổng kết chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm (2001- 2010) và 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Trên cơ sở đó, Đại hội quyết định việc bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991; xác định chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm (2011- 2020); đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm (2011- 2015).

Các đại biểu, khách mời danh dự dự Đại hội
Các đại biểu, khách mời danh dự dự Đại hội

Về xây dựng Đảng, Đại hội có trọng trách kiểm điểm sâu sắc, toàn diện công tác xây dựng Đảng và sự lãnh đạo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X; xác định phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng trong thời kỳ mới; bổ sung, sửa đổi một số điểm trong Điều lệ Đảng; bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI gồm những đồng chí thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực lãnh đạo, bản lĩnh và trí tuệ đủ sức đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới, đủ sức lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân hoàn thành những nhiệm vụ to lớn, nặng nề trong những năm tới.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: Đại hội lần thứ XI của Đảng có ý nghĩa trọng đại, định hướng và động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân ta tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Chúng ta nguyện làm hết sức mình, phát huy cao độ trí tuệ, ý thức trách nhiệm và sự đoàn kết, thống nhất cao để hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đại hội, mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước, thực hiện bằng được mục tiêu cao cả, xây dựng đất nước ta dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

dc
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trình bày Báo cáo Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X về các văn kiện Đại hội XI của Đảng

Tiếp đó, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã trình bày trước Đại hội Báo cáo  của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về các văn kiện Đại hội XI của Đảng với chủ đề: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Trong báo cáo có các nội dung quan trọng: Đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng; nhìn lại 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển KT- XH 2001- 2010; 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991; Về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; Quan điểm, mục tiêu chiến lược phát triển KT- XH 2011- 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2011- 2015; Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển  nhanh, bền vững nền kinh tế; Phát triển văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; bảo vệ môi trường; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển; Tăng cường quốc phòng- an ninh; mở rộng hoạt động đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; Đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; bổ sung, sửa đổi điều lệ Đảng.

Về Mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2011- 2020, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị- xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau”.

Chiến lược xác định 3 khâu đột phá:

1. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính.

2.Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển ứng dụng khoa học, công nghệ.

3. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.

Mục tiêu tổng quát trong 5 năm tới là: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; phát triển kinh tế nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị- xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Trong ngày khai mạc, đồng chí Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư đã đọc báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X.

Chiều nay (12/1) và ngày mai (13/1), Đại hội làm việc tại các đoàn đại biểu, tiến hành thảo luận các văn kiện Đại hội XI.

An Kiên 

"Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển nhanh, bền vững đất nước. Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá; đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học; đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, đào tạo. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành. Đẩy mạnh đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình và xã hội; xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời". (trích Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X về các Văn kiện Đại hội XI của Đảng do đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trình bày)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…