Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lên án quyết định của Mỹ về Jerusalem

GD&TĐ - Phần lớn các thành viên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã cùng bày tỏ thái độ bất bình về quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, bất luận lời đe của ông Trump trong việc sẽ trả đũa những nước biểu quyết chống lại quyết định này bằng cách cắt giảm viện trợ cho các nước này.  

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lên án quyết định của Mỹ về Jerusalem

Đa số phản đối quyết định của ông Trump

Kết quả của cuộc bỏ phiếu cho một nghị quyết yêu cầu Mỹ hủy bỏ tuyên bố ngày 6/12/2017 về thành phố Jerusalem khá đồng nhất, với 128 phiếu ủng hộ, 9 phiếu phản đối, 35 phiếu trắng.

Nghị quyết này chỉ mang tính tượng trưng, không mang tính ràng buộc, tuy nhiên, số phiếu thuận đã cho thấy sự đồng lòng nhất trí của cộng đồng quốc tế về tình trạng của Jerusalem, cũng như phản ứng của các nước đối với quyết định làm đảo lộn chính trị thế giới của Mỹ và góp phần vào sự cô lập ngoại giao của nước này.

Mặc dù một số đồng minh của Mỹ như Australia và Canada bỏ phiếu trắng, nhưng nhiều đồng minh quan trọng của Mỹ như Anh, Pháp, Đức và Nhật Bản đã bỏ phiếu thuận cho nghị quyết của LHQ.

Với quyết định của mình về Jerusalem, cũng là thực hiện lời hứa với những người ủng hộ, ông Trump đã làm đảo lộn chính sách của Mỹ trong nhiều thập kỷ nay về vấn đề này, làm trầm trọng thêm vấn đề nhạy cảm vốn đã manh nha từ cuộc chiến Ả Rập - Do Thái năm 1967, khi người Do Thái chiếm toàn bộ thành phố này.

Nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an kể từ khi đó, có hiệu lực quốc tế, đã cảnh báo rằng tình trạng của Jerusalem chưa được giải quyết, việc tuyên bố chủ quyền của Israel là không hợp lệ, và vấn đề này phải được giải quyết trong các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine.

Việc số lượng lớn các thành viên đồng tình với nghị quyết mới này của LHQ khiến nhiều người băn khoăn liệu ông Trump có thực hiện “lời nguyền” của mình trong việc cắt giảm viện trợ Mỹ đối với các nước đã “phá vỡ hàng ngũ” với Mỹ hay không.

Mặc dù ông Trump có nhiều cơ sở pháp lý để thực hiện điều này, tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho biết sẽ rất khó để cắt giảm một phần lớn viện trợ đối với các nước như Ai Cập và Jordan – các đối tác chiến lược của Mỹ ở Trung Đông.

Nước Mỹ có “thù dai”?

Tất nhiên, Israel đã lên án cuộc bỏ phiếu này, cũng như từng tỏ ra bất bình trước nghị quyết của LHQ năm 1975, trong đó đánh đồng chủ nghĩa Do Thái với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Nhờ các áp lực của Mỹ, trong đó có việc giữ lại các khoản tiền trả cho LHQ, 16 năm sau, nghị quyết năm 1975 đã bị bãi bỏ.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu của Israel cho biết: “Israel hoàn toàn từ chối quyết định thiếu thuyết phục này. Jerusalem là thủ đô của chúng ta, luôn là và sẽ là như vậy”. Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki R.Haley đã gọi cuộc bỏ phiếu là “vô hiệu” và tuyên bố rằng “sẽ chẳng có cuộc bỏ phiếu nào của LHQ tạo nên bất kỳ sự khác biệt nào” đối với kế hoạch di chuyển Đại sứ quán của nước này từ Tel Aviv tới Jerusalem.

“Chúng tôi sẽ nhớ lại vấn đề này khi chúng tôi được kêu gọi đóng góp phần nhiều nhất thế giới cho LHQ” - bà Nikki R.Haley nói - “Và chúng tôi cũng sẽ nhớ lại khi nhiều nước kêu gọi chúng tôi, như họ vẫn thường làm, phải chi trả nhiều hơn và sử dụng ảnh hưởng của chúng tôi vì lợi ích của họ”.

Các đồng minh của Mỹ như Pháp và Anh đã đưa ra lập luận rằng họ chỉ khẳng định lại các nghị quyết của Hội đồng Bảo an về Jerusalem từ năm 1967, vẫn còn hiệu lực, và để phá vỡ sự cô lập của Mỹ.

Đại sứ Pháp, Francois Delattre, cho rằng: “Điều quan trọng hơn bao giờ hết là tập hợp cộng đồng quốc tế xung quanh các tham biến của tiến trình hòa bình”, và “tất nhiên điều này bao gồm cả Mỹ, vì ai cũng biết về vai trò và ảnh hưởng của Mỹ trong vấn đề này”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ