Theo báo cáo chính trị của Đảng bộ Cục Quản lý chất lượng, một trong những kết quả nổi bật của nhiệm kỳ qua là, công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Cụ thể, về công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD), Cục đã tham mưu lãnh đạo Bộ chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng nói chung và công tác KĐCLGD nói riêng. Cùng với sự nỗ lực của nhiều địa phương trên cả nước, công tác KĐCLGD đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Các cấp quản lý giáo dục, các nhà trường được tiếp cận với mô hình quản lý tiến bộ; có sự chuyển biến về nhận thức trong công tác quản lý giáo dục; năng lực quản lý nhà trường và quản lý dạy, học được tăng cường. Hoạt động KĐCLGD và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia tạo động lực cho công tác đánh giá nói chung góp phần thúc đẩy việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Trong 3 năm cuối của nhiệm kỳ, kết quả KĐCL cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo đã có bước phát triển nhanh.
Tính đến ngày 29/2/2020, đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước có 254 cơ sở giáo dục hoàn thành báo cáo tự đánh giá; 142 cơ sở giáo dục ĐH và 8 trường cao đẳng sư phạm được các tổ chức KĐCLGD trong nước đánh giá ngoài. Trong đó, 132 cơ sở giáo dục ĐH và 7 trường cao đẳng sư phạm được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Có 121 chương trình đào tạo được đánh giá ngoài, trong đó có 62 chương trình đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.
Bộ GD&ĐT khuyến khích các cơ sở giáo dục đăng ký đánh giá, KĐCLGD với các tổ chức KĐCLGD nước ngoài có uy tín. Đến nay, có 7 trường ĐH được đánh giá ngoài và được công nhận theo tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục của Hội đồng Cấp cao về Đánh giá nghiên cứu và giáo dục ĐH Pháp (HCERES) và AUN-QA. Trong đó, Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP. Hồ Chí Minh được cả 2 tổ chức trên công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.
Có 156 chương trình đào tạo được đánh giá ngoài và công nhận, trong đó có 119 chương trình được đánh giá bởi AUN-QA, 20 chương trình đánh giá theo chuẩn của Uỷ ban Bằng Kỹ sư Pháp (CTI); 6 chương trình đánh giá theo chuẩn của Hội đồng Kiểm định kỹ thuật và công nghệ - tổ chức uy tín hàng đầu nước Mỹ (ABET), 6 chương trình đánh giá theo chuẩn của Hội đồng Kiểm định các trường và chương trình đào tạo về kinh doanh, Hoa Kỳ (ACBSP), 9 chương trình đánh giá theo chuẩn của Quỹ Kiểm định các chương trình quản trị kinh doanh quốc tế (FIBAA)...
Về công tác quản lý thi, việc tổ chức các kỳ thi trung học phổ thông quốc gia thời gian qua đã được xã hội ghi nhận, đánh giá cao, đánh giá được kết quả dạy và học trong trường phổ thông, là cơ sở để các trường ĐH tuyển sinh. Bên cạnh đó công tác tổ chức thi chọn học sinh giỏi quốc gia và tập huấn các đội tuyển dự thi các Olympic khu vực, quốc tế luôn đạt kết quả cao.
Các kỳ thi chọn học sinh giỏi các năm diễn ra an toàn, đúng kế hoạch, chọn được các học sinh tiêu biểu để trao giải và tham dự các Olympic khu vực quốc tế. Tham dự các Olympic quốc tế và khu vực năm trong nhiệm kỳ đều có 100% học sinh đoạt giải. Trong giai đoạn 2015-2019 kết quả thi Olympic khu vực và quốc tế là cao nhất so với giai đoạn trước đây, nhất là các năm 2017, 2018.
Công tác đánh giá chất lượng giáo dục: Các chương trình đánh giá quốc tế và quốc gia được triển khai đúng tiến độ, đạt hiệu quả. Thực hiện 4 chương trình đánh giá quốc tế là PISA, TALIS, SEA PLM và ANLAS theo tiến độ và yêu cầu. Năm 2019, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã công bố kết quả đánh giá học sinh quốc tế PISA chu kỳ 2018.
Công tác quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ : Đảng bộ đã lãnh đạo Cục tham mưu với lãnh đạo Bộ ban hành các văn bản pháp quy, văn bản hướng dẫn để từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý văn bằng, chứng chỉ
Đã thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trong quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ, nhất là đối với các chứng chỉ ngoại ngữ và tin học để chấn chỉnh hoạt động này theo đúng các quy định của Bộ GD&ĐT. Quy trình công nhận văn bằng đã được chỉnh sửa và hoàn thiện theo đúng tiêu chuẩn ISO 900:2008…