Quản lý chất lượng và giá khi xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa

Quản lý chất lượng và giá khi xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa

Tạo hành lang pháp lý cho công tác xã hội hóa biên soạn SGK

Trong quá trình thực hiện một chương trình nhiều bộ SGK, xã hội hóa (XHH) biên soạn SGK theo Nghị quyết 88, Bộ GD&ĐT đã phát huy công tác quản lý Nhà nước về giáo dục và về công tác biên soạn SGK.

Để tạo hành lang pháp lý, thu hút được các tổ chức, cá nhân tham gia XHH biên soạn SGK, sau khi thông qua chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) tổng thể (ngày 28/7/2017), ngày 22/12/2017, Bộ đã ban hành Thông tư số 33 quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK.

Sau khi chương trình tổng thể và các chương trình môn học và hoạt động giáo dục được Bộ ban hành tại Thông tư số 32 ngày 26/12/2018 (CTGDPT 2018) thu hút được sự quan tâm tham gia nghiên cứu CTGDPT 2018, đầu tư biên soạn SGK của các đơn vị, NXB có năng lực phù hợp.

Các đơn vị này đã tích cực biên soạn, dự thảo và hoàn thiện bản mẫu SGK gửi về Hội đồng quốc gia thẩm định SGK thẩm định.

Có thể nói rằng thông tư 33 ngày 22/12/2017 là hành lang pháp lý quan trọng để các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK, các Hội đồng quốc gia thẩm định SGK và tổ chức, cá nhân liên quan trong hoạt động này được đảm bảo đặt dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước, mà ở đây là của Bộ GD&ĐT.

Quản lý chất lượng và giá khi xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa ảnh 1
Thông tư 33 là hành lang pháp lý quan trọng để các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK. Ảnh: Bá Hải

Công bằng và khách quan thẩm định sách mẫu

Bộ GD&ĐT đã nhận được 5 bộ sách của các NXB: Giáo dục Việt Nam, NXB ĐH Sư phạm, NXB ĐH Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh; Qua đây cho thấy, công tác biên soạn SGK đã thu hút được trí tuệ, chất xám của đội ngũ đông đảo các nhà khoa học giáo dục, chuyên gia, nhà giáo có uy tín tham gia biên soạn, thể hiện trách nhiệm, tâm huyết với sự nghiệp đổi mới giáo dục.

Bộ GD&ĐT đã thành lập 9 Hội đồng thẩm định SGK các môn học và hoạt động giáo dục lớp 1; Các Hội đồng này với thành viên là các nhà khoa học, chuyên gia, các giáo viên đang giảng dạy giáo dục phổ thông; Đã có 45 đầu sách mẫu được Bộ GD&ĐT chuyển đến cho Hội đồng thẩm định và các thành viên.

Tất cả các bước làm việc của Hội đồng thẩm định đều khách quan, minh bạch, thể hiện sự dân chủ giữa hội đồng thẩm định và tác giả. Hội đồng đã thẩm định qua nhiều vòng; tổ chức đối chất giữa thành viên Hội đồng thẩm định và tác giả SGK. Bản mẫu SGK được xếp loại "Đạt" phải đáp ứng yêu cầu xếp loại “đạt” của các nội dung trong thông tư 33 của Bộ GD&ĐT quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK.

Các sách mẫu “đạt nhưng cần chỉnh sửa” và “không đạt” tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp của Hội đồng thẩm định. Các tác giả đã tiếp thu ý kiến của hội đồng và tiếp tục chỉnh sửa bản sách mẫu để tiếp tục trình thẩm định cho đến khi được Hội đồng thẩm định đánh giá là “đạt” và thông qua. Tất cả các bước làm việc của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK đều vô cùng khách quan, minh bạch, thể hiện sự dân chủ giữa hội đồng thẩm định và tác giả.

Giá SGK lớp 1 mới không bị thả nổi

Đến nay, các SGK lớp 1 mới theo CTGDPT 2018 được Bộ GD&ĐT phê duyệt đã đến tay giáo viên các nhà trường trong cả nước để lựa chọn SGK cho năm học mới 2020-2021. Giá của các bộ SGK lớp 1 mới cũng mới được các NXB công bố. Hiện trong dư luận xã hội cho rằng giá SGK lớp 1 mới tăng cao so với giá cũ.

Thiết nghĩ việc so sánh giá SGK hiện hành và giá SGK lớp 1 mới được các NXB công bố giá có cao hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố chi phối, tác động và trực tiếp hình thành nên mức giá kê khai.

Quản lý chất lượng và giá khi xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa ảnh 2
SGK lớp 1 mới đã đến tay giáo viên các nhà trường. Ảnh: Bá Hải

Trong bối cảnh hiện nay đất nước đang phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì SGK cũng là hàng hóa, biên soạn SGK cũng là hoạt động kinh doanh sinh lợi nhuận. Do vậy, đảm bảo yếu tố thị trường trong lĩnh vực biên soạn SGK mới tạo động lực thúc đẩy các thành phần xã hội tham gia biên soạn SGK; Từ đó có được những bộ SGK có chất lượng ngày càng tốt hơn nhờ cơ chế cạnh tranh của thị trường.

Giá SGK sẽ rẻ đi theo quy luật canh tranh khách quan của thị trường. Khi có nhiều NXB tham gia biên soạn SGK, cạnh tranh nhau về chất lượng và giá cả SGK trên thị trường thì người quyết định và hưởng lợi cuối cùng là học sinh và phụ huynh học sinh. Khi ấy chắc chắn những cuốn SGK có chất lượng, giá thành phù hợp nhất, thấp nhất sẽ được giáo viên, phụ huynh học sinh chấp nhận, lựa chọn tồn tại được trên thị trường SGK.

Tuy nhiên, Đảng và nhà nước ta luôn coi GD&ĐT là quốc sách hàng đầu; Lĩnh vực giáo dục và giá SGK luôn có tác động lớn đến đời sống các tầng lớp nhân dân trong xã hội; Do vậy chất lượng và giá SGK được đặt dưới sự quản lý của nhà nước để đảm bảo mục tiêu định hướng xã hội chủ nghĩa, không có nhiều biến động gây xáo trộn trong đời sống nhân dân; Nhất là trong giai đoạn hiện nay khi mới thực hiện 1 chương trình nhiều SGK theo Nghị quyết của quốc hội. Vậy công tác quản lý giá SGK hiện theo cơ chế như thế nào?

Trong Luật giá hiện nay, SGK là mặt hàng phải kê khai giá. Các NXB có SGK muốn bán ra thị trường phải kê khai, gửi thông báo mức giá SGK cho Cục quản lý giá - Bộ Tài chính thẩm định, định giá và điều chỉnh giá.

Như vậy, Cục quản lý giá sẽ là đơn vị tiếp nhận, thẩm định kê khai giá SGK từ các NXB, có quyết định giá cuối cùng trước khi SGK được bán ra thị trường, chứ không thể nói giá SGK bị thả nổi, hay giá SGK quá cao như một số ý kiến trong dư luận hiện nay. 

(Còn nữa)

Bài tiếp: Giá SGK lớp 1 mới cao hay thấp

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ