Đại học Y dược TPHCM lập mức thưởng kỉ lục cho tác giả bài báo quốc tế

GD&TĐ - Bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan - tác giả chính của bài báo về thụ tinh ống nghiệm gây xôn xao giới y học thế giới vừa được nhận mức tiền thưởng gần 300 triệu đồng từ Trường Đại học Y dược TPHCM.

Đại học Y dược TPHCM lập mức thưởng kỉ lục cho tác giả bài báo quốc tế

PGS.TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TPHCM vừa ký quyết định khen thưởng cho TS.BS Vương Thị Ngọc Lan - phó chủ nhiệm bộ môn Phụ sản khoa Y, tác giả chính bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế có bình duyệt năm 2018, với số tiền kỷ lục 289.624.000 đồng.

Theo quy định của Trường ĐH Y dược TPHCM, mức thưởng dành cho cán bộ, giảng viên có bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế dựa vào chỉ số Impact factor của bài báo là 2 triệu đồng/1 chỉ số. Tuy nhiên bác sĩ Ngọc Lan là tác giả chính và là người trả lời tất cả phản biện bình duyệt nên được nhân đôi mức thưởng.

Đây là mức thưởng được cho là xác lập kỷ lục thưởng cho một bài báo công bố quốc tế ở Việt Nam. Được biết tác giả sẽ tặng toàn bộ tiền thưởng cho các hoạt động khoa học của Trường ĐH Y dược TP.HCM.

Trước đó bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan là tác giả chính và các cộng sự tại Bệnh viện Mỹ Đức thực hiện nghiên cứu bài báo có tên khoa học "IVF transfer of Fresh or Frozen embryos in women without polycystic Ovaries".

Nghiên cứu được đăng tải vào ngày 11/1 trên Tạp chí Y khoa New England (NEJM) - một trong những tạp chí y khoa có uy tín và có ảnh hưởng lớn nhất hiện nay trên thế giới. Nghiên cứu này có chỉ số Impact factor 72,406.

Đầu năm 2015 các bác sĩ bắt đầu quá trình nghiên cứu này trên 792 bệnh nhân. Sau 2 năm nghiên cứu, tháng 3/2017, các bác sĩ gửi báo cáo dài 200 trang tiếng Anh đến tạp chí The New England Journal of Medicine.

Trải qua 3 vòng thẩm định sơ bộ, ban biên tập tạp chí đã gửi phần phản biện dài 14 trang, yêu cầu nhóm nghiên cứu bổ sung, giải thích nhiều vấn đề. Trải qua hơn 10 lần email trao đổi trong 10 tháng, nghiên cứu được tạp chí 200 năm tuổi này đồng ý công bố.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...