Đại học Harvey Mudd tọa lạc ở Claremont, bang California, là mái nhà chung của chỉ 829 sinh viên. Tuy không nằm trong nhóm đại học Ivy League danh giá, thậm chí không được nhiều người biết tới, Harvey Mudd là ngôi trường đắt đỏ nhất với chi phí gần 72.000 USD mỗi năm.
Business Insider ngày 25/9 giúp bạn hình dung rõ không khí học tập bên trong đại học đặc biệt này.
Nhiều sinh viên chọn Harvey Mudd bởi đây là đòn bẩy tốt cho sự nghiệp tương lai. Mức lương trung bình của sinh viên tốt nghiệp có kinh nghiệm 10 năm làm việc cao vượt trội so với Harvard hoặc Stanford.
Trực thuộc tổ hợp Claremont bao gồm bảy trường đại học, Harvey Mudd cho phép sinh viên tham gia học tập ở bất kỳ trường thành viên nào. Điểm mạnh của Harvey Mudd là các môn học STEM - toán, vật lý, hóa học, sinh học, khoa học máy tính và kỹ thuật.
Ngoài ra, sinh viên còn phải học viết lách, tư duy phản biện, tham gia lớp khoa học nhân văn. Nhờ vậy, chương trình học tập ở Harvey Mudd mang đến nền tảng khoa học rộng lớn cùng những kỹ năng suy nghĩ, giải quyết vấn đề cho sinh viên.
Việc di chuyển trong khuôn viên trường khá dễ dàng. Các ván trượt đặt ngay ở cửa, sinh viên có thể chọn loại dài ngắn bất kỳ để đến lớp. Xe đạp và xe một bánh cũng là phương tiện phổ biến ở đây.
Sinh viên năm hai ngành kỹ thuật đang thực hành tại phòng thí nghiệm dưới nước, thành lập năm 2015 nhờ khoản tài trợ từ Quỹ Hearst. Trước đây, sinh viên sử dụng hồ bơi riêng của giảng viên để triển khai hoạt động này. Hệ thống robot được thử nghiệm tại trường sẽ được sinh viên mang ra biển vào cuối khóa học.
Liz Orwin (trái), nữ trưởng khoa đầu tiên của khoa Kỹ thuật thừa nhận lĩnh vực STEM thường không thuận lợi cho nữ giới. Bà từng cảm thấy như đang sống trong nền văn hóa của người khác. Tuy nhiên, khi trở lại giảng dạy tại Mudd vào đầu những năm 2000, bà thay đổi văn hóa nơi đây. Hiện khoa Kỹ thuật có bảy nữ trên tổng số 24 giảng viên toàn thời gian. Chủ tịch của Harvey Mudd cũng là phụ nữ, bà Maria Klawe.
Khoa học máy tính là ngành học được giới thiệu rộng rãi nhất với các trình độ cơ bản và nâng cao, trường thiết kế chương trình giảng dạy yêu cầu thực hành nhiều, gắn với thực tiễn để thu hút sinh viên nữ.
Năm 2016, lớp khoa học máy tính dành cho nữ đầu tiên đã tốt nghiệp. Đây là nỗ lực lớn của Harvey Mudd bởi theo Hiệp hội nghiên cứu máy tính, nam giới chiếm hơn 84% số sinh viên chuyên ngành này trên toàn quốc. Bên cạnh đó, trường cũng chú trọng đào tạo nữ giới trong ngành kỹ sư và vật lý.
Tuy nhiên, khối lượng công việc nặng nề ở đây khiến nhiều sinh viên phản đối. Học kỳ vừa rồi, trường phải đóng cửa hai ngày do sinh viên biểu tình. Cú sốc do một số sinh viên tự tử và chất lượng đầu vào có dấu hiệu sụt giảm khiến họ bức xúc. Đáp lại, lãnh đạo trường đang cố gắng thay đổi tích cực và nảy ra sáng kiến "yêu cầu giúp đỡ" từ sinh viên.
Dù vậy, một số sinh viên ở trường khẳng định Harvey Mudd không phải là môi trường học tập cứng nhắc. Mỗi năm học bắt đầu với "tuần lễ khô" - cấm chất có cồn, nhưng sau đó sinh viên có thể tham dự các bữa tiệc theo chủ đề và chương trình ca nhạc ở trường. Những khu vực thoáng mát ngoài trời là nơi sinh viên tự học hoặc thư giãn sau giờ lên lớp.
Andrea Vasquez đánh giá cao cộng đồng sinh viên gắn bó chặt chẽ và xem đây là tài sản lớn nhất của trường. Cô cũng là một trong số 75% sinh viên nhận được hỗ trợ tài chính. Theo nữ sinh này, 60.000 USD một năm là khoản chi phí đã được cắt giảm rất nhiều.
Là quản lý của một trong 9 tòa ký túc xá bên trong trường, Vasquez có nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho mọi người, đặc biệt là "tân binh". Cô cho biết mỗi ký túc xá có văn hóa riêng, cho phép trang trí hoặc vẽ tự do lên tường. Tất cả sinh viên sống trong ký túc xá, lựa chọn nơi ở mỗi năm dựa trên thâm niên và hệ thống quay số của nhà trường.
Sau ba năm bận rộn tại Mudd, Vasquez hiện làm việc cho một dự án kiểm soát lũ lụt ở Kenya, nơi cô sẽ đi du lịch vào cuối mùa thu này. Đối mặt với kỳ tốt nghiệp đang đến gần, Vasquez cũng tìm được cách cân bằng giữa lịch trình học tập và thời